TPHCM dạy tiếng Anh cho nhiều địa phương thông qua lớp học số

GD&TĐ - Năm học 2024 - 2025, lớp học số môn tiếng Anh của TPHCM đã "phủ" đến 8 trường tại tỉnh Điện Biên, Lào Cai, Bà Rịa - Vũng Tàu.

Sở GD&ĐT TPHCM khen thưởng các giáo viên tiểu học tham gia hiệu quả thực hiện lớp học số thời gian qua. Ảnh: H.P
Sở GD&ĐT TPHCM khen thưởng các giáo viên tiểu học tham gia hiệu quả thực hiện lớp học số thời gian qua. Ảnh: H.P

Ngày 9/1, Sở GD&ĐT TPHCM tổ chức Hội nghị sơ kết thực hiện triển khai lớp học số.

Theo báo cáo tại hội nghị, năm học 2022 - 2023, lần đầu tiên TPHCM tổ chức thí điểm lớp học số môn Tin học, tiếng Anh ở 2 trường tiểu học nhằm giải quyết tình trạng thiếu giáo viên khi thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông 2018.

Trường Tiểu học Thạnh An (huyện Cần Giờ) và Trường Tiểu học Trung Lập Thượng (huyện Củ Chi) là hai trường được chọn để thực hiện thí điểm từ học kỳ 1 năm học 2022-2023.

Đây cũng là những trường xa trung tâm, thiếu giáo viên Tin học và tiếng Anh nhưng lại khó tuyển dụng cũng như điều chuyển giáo viên từ các nơi khác.

Tổng cộng, 104 tiết tiếng Anh và 62 tiết Tin học đã được tổ chức bằng hình thức lớp học số tại 2 ngôi trường này.

Từ học kỳ 2 của năm học 2023 - 2024, mô hình lớp học số được mở rộng cho học sinh tham gia, gồm học sinh của 2 huyện Mường Khương và Si Ma Cai (Lào Cai).

Năm học 2024 - 2025, Sở GD&ĐT TPHCM tiếp tục hỗ trợ triển khai lớp học số môn tiếng Anh cho 8 trường tiểu học tại tỉnh Lào Cai, Điện Biên và huyện Côn Đảo (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu), qua đó hỗ trợ các tỉnh, thành, địa phương khắc phục tình trạng thiếu giáo viên.

Số trường tiểu học tại TPHCM tham gia thực hiện mô hình là 8 trường, với tổng số 47 giáo viên tiếng Anh tham gia.

Bà Lâm Hồng Lãm Thúy, Trưởng phòng Giáo dục tiểu học (Sở GD&ĐT TPHCM) nhìn nhận, giáo viên dạy nhiều môn ở các trường tiểu học hiện nay còn hạn chế về năng lực Ngoại ngữ và Tin học.

Thông qua mô hình lớp học số, với yêu cầu đội ngũ trợ giảng từ chính giáo viên của đơn vị, các thầy, cô có cơ hội cùng “học” với học sinh, qua đó nâng cao năng lực Ngoại ngữ và Tin học.

lop-hoc-so-1.jpg
Ông Nguyễn Bảo Quốc phát biểu tại hội nghị. Ảnh: H.P

Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Bảo Quốc, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TPHCM cho rằng, bài toán thiếu giáo viên các bộ môn đặc thù đã diễn ra nhiều năm nay, không phải chỉ đến khi triển khai Chương trình Giáo dục phổ thông 2018.

Mô hình lớp học số bước đầu đáp ứng yêu cầu phát triển năng lực, phẩm chất học sinh theo Chương trình Giáo dục phổ thông 2018. Học sinh được thụ hưởng môi trường học tập cởi mở hơn. Giáo viên được nâng cao tay nghề, chuyên môn, tiếp cận phương pháp giảng dạy mới.

“So với việc đầu tư nguồn lực về cơ sở vật chất và giáo viên, mô hình cần phát huy tốt hơn nữa vai trò, hiệu quả trong việc nâng cao chất lượng giảng dạy. Tôi đề nghị nơi nào thiếu giáo viên thì xây dựng kế hoạch triển khai với các phương án rõ ràng”, ông Nguyễn Bảo Quốc nhấn mạnh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ