NBC News trích lời Tổng thống Putin trong bài phỏng vấn ngày 2/3 cho biết Nga sẽ dùng “lá bài” vũ khí hạt nhân để đối phó với cuộc tấn công từ lực lượng bên ngoài nếu có liên quan tới vấn đề sinh tồn.
“Có hai lý do có thể khiến Nga sử dụng vũ khí hạt nhân: một là Nga bị tấn công hạt nhân hoặc Nga bị tấn công bởi vũ khí thông thường nhưng có thể đe dọa tới sự tồn tại của nhà nước Nga”, ông Putin chia sẻ khi được hỏi rằng liệu Nga có tấn công hạt nhân hay không khi bị lực lượng bên ngoài tấn công bằng vũ khí phi hạt nhân.
Khi được hỏi rằng liệu Nga đã thử thành công tên lửa đạn đạo liên lục địa chạy bằng năng lượng hạt nhân hay chưa, ông Putin cho biết tất cả các thử nghiệm đều thành công. Ông chia sẻ rằng mỗi hệ thống đang ở một giai đoạn sẵn sàng khác nhau và đã có một hệ thống vũ khí chiến lược mới được phát triển đang trong trạng thái sẵn sàng tác chiến và đã được đưa vào biên chế quân đội Nga.
Trước những ý kiến của giới chuyên gia cho rằng Nga đang “châm ngòi” cho một cuộc Chiến tranh Lạnh mới, ông Putin nhận định những người đưa ra nhận xét như vậy “không phải là nhà phân tích. Họ chỉ đang làm công việc tuyên truyền”. Tổng tư lệnh nước Nga nhắc lại sự việc Mỹ năm 2002 khi rút khỏi Hiệp ước tên lửa phi đạn đạo 1972. Ông cho rằng Nga đã bắt đầu phát triển các tên lửa chiến lược mới để đối phó Mỹ và đồng thời cáo buộc rằng Mỹ là phía khởi động cuộc đua vũ trang trước.
Tổng thống Putin cho biết ông từng gợi ý hợp tác với Mỹ để phát triển hệ thống phòng thủ tên lửa chung, tuy nhiên Washington được cho là đã phớt lờ, vì vậy ông phải hành động để đảm bảo lợi ích của nước Nga.
Trong bài phát biểu Thông điệp Liên bang ngày 1/3, ông Putin nói rằng thế giới bắt đầu "lắng nghe" Nga sau khi Nga tạo ra các hệ thống vũ khí chiến lược mới như tên lửa đạn đạo liên lục địa Sarmat, tên lửa hành trình hạt nhân, thiết bị lặn tốc độ cao, tên lửa siêu thanh “Dao găm”, vũ khí siêu âm chiến lược, và vũ khí laser.