Phát biểu ý kiến tại buổi tiếp xúc, cử tri đánh giá cao hoạt động của Quốc hội, đồng thời mong rằng Quốc hội tăng cường thực hiện chức năng giám sát, nhất là đối với các vấn đề quan trọng, để ngăn chặn hệ lụy kép; giám sát việc điều hành giá cả, trong đó có xăng dầu, mặt hàng ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống xã hội.
Cử tri nêu các vấn đề đã nhiều lần đề cập nhưng chưa được giải quyết, như tinh giản biên chế, bộ máy tổ chức còn cồng kềnh, chồng chéo giữa các cơ quan đảng, chính quyền.
Cử tri hoan nghênh Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành T.Ư Đảng vừa qua đã bàn về mô hình tổ chức chính quyền địa phương, để chỉ đạo các cơ quan liên quan hoàn chỉnh Dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 9 sắp tới.
Các vấn đề về nông nghiệp, nông thôn và nông dân; về đổi mới nội dung, chương trình giáo dục; về công tác thống kê; về tai nạn giao thông gia tăng trong các kỳ nghỉ lễ; về chi phí làm đường cao tốc,... được nhiều cử tri nêu và đề nghị Quốc hội quan tâm.
Phát biểu ý kiến tại buổi tiếp xúc, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng hoan nghênh, cảm ơn cử tri có nhiều ý kiến tâm huyết, trí tuệ và thiết thực, tập trung vào nội dung, chương trình kỳ họp.
Các ý kiến đóng góp của cử tri không chỉ góp phần cho công tác xây dựng luật pháp, mà cả cho các lĩnh vực điều hành, quản lý hằng ngày.
Tổng Bí thư nhấn mạnh, qua các buổi tiếp xúc cử tri, thấy việc thực hiện dân chủ ngày càng được mở rộng, toàn dân bàn việc nước, cử tri với đại biểu Quốc hội cùng bàn việc nước.
Đây là sự đổi mới đúng hướng trong hoạt động tiếp xúc cử tri gần đây, phản ánh tâm tư, nguyện vọng, đề xuất kiến nghị, nhất là ý kiến đóng góp của cử tri cho hoạt động của Quốc hội, thể hiện tầm trí tuệ của cử tri cao hơn trước.
Trả lời ý kiến cử tri về việc xây dựng, ban hành và thực hiện luật pháp, Tổng Bí thư cho biết, so với trước, chúng ta đã có nhiều luật, nhưng phải phổ biến tuyên truyền thực hiện luật hiệu quả.
Về mô hình tổ chức chính quyền địa phương, Tổng Bí thư nêu rõ đây là vấn đề khó, phức tạp, ý kiến còn khác nhau và đã đưa ra bàn nhiều lần, cho nên phải tiến hành thận trọng, từng bước vững chắc, đặt trong tổng thể việc đổi mới tổ chức, phương thức hoạt động của cả hệ thống chính trị.
Việc đổi mới tổ chức mô hình chính quyền địa phương phải đáp ứng yêu cầu có sự giám sát của HĐND đối với UBND cùng cấp; bảo đảm thực hiện nguyên tắc cơ quan quản lý nhà nước ở địa phương phải chịu sự giám sát của cơ quan do nhân dân địa phương trực tiếp bầu ra.
Ở đâu có chính quyền, ở đó có cơ quan đại diện của nhân dân. Ở đâu có nhà nước, ở đó phải có sự kiểm tra của Đảng, sự giám sát của nhân dân.
Quốc hội giám sát Chính phủ, HĐND giám sát UBND. Phải thực hiện đúng nguyên tắc Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ. Muốn vậy, Đảng phải đổi mới phương thức lãnh đạo; đại biểu nhân dân phải có năng lực, bản lĩnh mới giám sát được...
Tổng Bí thư cho biết, một số vấn đề cụ thể mà cử tri kiến nghị sẽ được tổng hợp báo cáo tại kỳ họp tới của Quốc hội.