Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng tiếp xúc cử tri tại Hà Nội

Thực hiện chương trình tiếp xúc cử tri trước kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV, sáng 15/10, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cùng Tổ đại biểu số 1, Đoàn Đại biểu Quốc hội TP. Hà Nội đã tiếp xúc cử tri 3 quận Ba Đình, Hoàn Kiếm, Tây Hồ.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại buổi tiếp xúc cử tri. Ảnh: Thùy Linh
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại buổi tiếp xúc cử tri. Ảnh: Thùy Linh

Cùng dự có Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Đức Chung; Phó Chủ tịch Thường trực HĐND Thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn cùng lãnh đạo đại diện một số sở, ban, ngành Thành phố và đông đảo cử tri 3 quận.

Tại cuộc tiếp xúc, nhiều vấn đề “nóng” trong xã hội như công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí; vấn đề ô nhiễm môi trường, ùn tắc giao thông, tỷ lệ giải ngân đầu tư công còn thấp… đã được cử tri đề cập.

Cử tri quan tâm đến vấn đề biển Đông

Cử tri Nguyễn Văn Đoàn (Tổ dân phố 23, Phường Cống Vị, Ba Đình) nhất trí cao với bản báo cáo và chia sẻ cử tri có chung tâm trạng được đón nhận những thông tin quan trọng của Quốc hội trong kỳ họp thứ 8 và tin tưởng vào thành công của kỳ họp tới. Là một cử tri của Thủ đô, cử tri bày tỏ tình cảm, lòng tin của cử tri tới Quốc hội, Đảng, Nhà nước và toàn dân, quyết tâm của Việt Nam trong việc kiên quyết bảo vệ vững chắc quyền, chủ quyền trên đất liền, lãnh thổ, hải đảo Việt Nam.

Đồng thời, phản bác những ý kiến, luận điệu sai trái, xuyên tạc về Quốc hội, Đảng, Nhà nước của các thế lực thù địch gây nghi ngờ, mất lòng tin của người dân. Cử tri bày tỏ phản bác những luận điệu sai trái đó, người dân sẽ luôn ủng hộ Đảng, Nhà nước trong việc bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ Việt Nam.

Cùng đồng tình với ý kiến đó, cử tri Nguyễn Mạnh Hảo (phường Điện Biên, Ba Đình) cho biết, tình hình biển Đông đang được dư luận quan tâm, nhân dân mong Đảng, Nhà nước có những quyết sách để bảo vệ vững chắc thềm lục địa và lãnh hải của tổ quốc.

Cử tri Nguyễn Văn Đoàn, Ba Đình. Ảnh: Thùy Linh
Cử tri Nguyễn Văn Đoàn, Ba Đình. Ảnh: Thùy Linh

Đề cập đến vấn đề tham nhũng, lãng phí, cử tri Hảo cho biết, trong những năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, đứng đầu là Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, công cuộc phòng chống tham nhũng đã đạt nhiều kết quả quan trọng, nhiều vụ việc tham nhũng, lợi ích nhóm gây thất thoát ngân sách đã được đưa ra xét xử. Tuy nhiên hành vi tham nhũng vẫn còn lộng hành, nhiều vụ việc được đưa ra pháp luật tuy nhiên vẫn còn khẽ hở, việc thu hồi tài sản sau tham nhũng còn khiêm tốn.

“Cử tri hoàn toàn tin tưởng, đồng tình và ủng hộ công cuộc phòng chống tham nhũng lãng phí của Đảng. Vì vậy, mong muốn Đảng, Nhà nước kiên quyết và có những biện pháp mạnh tay hơn nữa để đem lại nhiều kết quả trong công tác phòng chống tham nhũng, lãng phí”, cử tri Hảo nêu ý kiến.

Cử tri Mẫn Văn Mai (phường Xuân La, quận Tây Hồ) phản ảnh vấn đề ô nhiễm không khí trên địa bàn TP. Hà Nội. Cử tri Mai đặt câu hỏi: “Có thông tin Hà Nội ô nhiễm không khí nhất thế giới, còn TPHCM ô nhiễm thứ 2. Hiện TP. Hà Nội đã xác định được nồng độ ô nhiễm hay chưa, nếu đã có thì có biện pháp gì xử lý hay không?”. Cử tri đề nghị Bộ TN&MT cùng TP. Hà Nội đưa ra biện pháp xử lý ô nhiễm môi trường một các thỏa đáng để nhân dân được yên tâm. Bên cạnh đó, cử tri cũng mong muốn kỳ họp tới các đại biểu giải trình cho nhân dân được rõ nguyên nhân của việc chậm giải ngân vốn đầu tư công, liệu có vấn đề tiêu cực ở đây hay không? Quốc hội cần làm rõ vấn đề này.

Các cử tri cũng bày tỏ quan ngại về vấn đề ùn tắc giao thông, còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ tai nạn; nhiều chung cư cao tầng vẫn tiếp tục mọc lên trong nội đô… Đề nghị Chính phủ, TP. Hà Nội có những biện pháp hữu hiệu để giúp Hà Nội trở thành thành phố thông minh và đáng sống.

Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung giải đáp một số nội dung liên quan đến Hà Nội. Ảnh: Thùy Linh
Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung giải đáp một số nội dung liên quan đến Hà Nội. Ảnh: Thùy Linh

Tiếp tục đưa giải pháp trong vấn đề môi trường

Giải đáp một số nội dung liên quan đến trách nhiệm của TP. Hà Nội với cử tri, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết, về vấn đề ô nhiễm không khí trên địa bàn Hà Nội, thời gian qua, Thành phố đã thực hiện nhiều giải pháp làm giảm ô nhiễm môi trường nói chung, trong đó có ô nhiễm không khí như việc lắp đặt các trạm quan trắc. Tháng 9/2019 vừa, qua kết quả quan trắc những ngày chỉ số xấu nhiều hơn, hạt bụi mịn PM 2.5 có tăng hơn trong ngày, nguyên nhân là từ khí thải phương tiện xe máy, ô tô; ô nhiễm từ việc đốt than tổ ong; ô nhiễm do quá trình tháo dỡ công trình xây dựng, phế thải rắn từ các công trình; đốt rơm rác; thu gom rác thải chưa tốt; tỷ lệ hồ ao còn ô nhiễm bốc mùi; bùn thải từ công trình đưa ra chưa được xử lý; tác động của biến đổi khí hậu…

Từ nguyên nhân đó, Thành phố đã xây dựng kế hoạch và trình HĐND thông qua Nghị quyết các giải pháp nâng cao chất lượng sống của người dân Thủ đô. Thời gian tới, Thành phố sẽ tiếp tục cố gắng thực hiện tốt vấn đề này.

Về về vấn đề nước sạch sông Đà có mùi bất thường gây lo lắng cho người dân, Chủ tịch TP. Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết ngày 10/10, Thành phố có nhận được tin nhắn của người dân và báo chí phản ánh về việc nước sạch tại các quận Thanh Xuân, Hà Đông, Hoàng Mai có mùi bất thường và đã thành lập đoàn kiểm tra.

Nội dung kiểm tra toàn bộ nguồn cung, xả nước của nhà máy nước sông Đà thuộc Công ty CP kinh doanh nước sạch sông Đà (VIWASUPCO) và cho đến nay đã có kết quả. Có thể nói, nguồn ô nhiễm này do ở trên đầu nguồn nước có một số người dân đã vào đổ dầu phế thải vào đầu con suối sau đó chảy ra hồ và nhà máy không kiểm soát tốt dẫn đến chảy vào hệ  thống lọc nước của nhà máy. Từ hệ thống lọc nước này đã chảy vào hệ thống nước ăn của người dân. Đây chính là nguyên nhân tạo ra mùi bất thường. “Quan điểm của chúng tôi sẽ xử lý nghiêm trường hợp này”, Chủ tịch TP. Hà Nội khẳng định.

Công tác phòng chống tham nhũng còn nhiều việc phải làm

Thay mặt các đại biểu quốc hội, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cảm ơn và tiếp thu tất cả các ý kiến của cử tri tại buổi tiếp xúc cử tri hôm nay. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đánh giá, các ý kiến phát biểu của cử tri rất ngắn gọn, xúc tích và sâu sắc, phản ánh được những mặt được và chưa được để kiến nghị giải quyết trong kỳ họp tới.

Trao đổi về những vấn đề cử tri quan tâm, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Phú Trọng nhắc lại các ý kiến cử tri bày tỏ đồng tình, hoan nghênh về kết quả Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XII vừa diễn ra đầu tháng 10/2019 vừa qua.

Về ý kiến cử tri về tiếp tục cuộc đấu tranh chống tham nhũng, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhắc lại, dù thời gian qua, chúng ta có nhiều cố gắng, được nhân dân ghi nhận, dư luận quốc tế chú ý đánh giá cao, nhưng vẫn còn nhiều việc phải làm. “Tôi đã nói nhiều lần đây là cuộc đấu tranh lâu dài, gian khổ, phức tạp vì không phải đấu tranh với người khác, bên ngoài mà là đấu tranh với chính chúng ta, trong từng con người”, Tổng Bí thư bày tỏ.

Về ý kiến cử tri quan tâm đến vấn đề nhân sự khi Đại hội Đảng lần thứ XIII sắp tới gần, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước cho biết, vừa qua, Bộ Chính trị có một số quy định hạn chế tiêu cực, phát huy đoàn kết thống nhất, và cố gắng chọn người cho xứng đáng với nhiệm vụ, vị trí công tác.

Về vấn đề biển Đông, trước nhiều ý kiến bày tỏ đồng tình, tin tưởng vào các chủ trương, kế hoạch của Đảng, Nhà nước, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước cho biết, vấn đề biển Đông phức tạp, quan điểm của Đảng, Nhà nước là giữ ổn định, hòa bình đồng thời bảo đảm độc lập, chủ quyền.

Về các ý kiến liên quan đến một số vấn đề môi trường, kinh tế, xã hội của Hà Nội, với tư cách vừa là công dân Hà Nội, vừa là cán bộ từng công tác tại Thành ủy Hà Nội, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng kiến nghị TP. Hà Nội cố gắng nghiên cứu, đặt vấn đề ở tầm chiến lược, không chỉ dừng lại ở xử lý vấn đề cụ thể hằng ngày.

Theo thanglong.chinhphu.vn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Lá bài cuối cùng

GD&TĐ - Sau hơn một năm xung đột dữ dội, cả dải đất Gaza gần như đã bị biến thành đống đổ nát và trở thành một cuộc khủng hoảng nhân đạo tồi tệ.