(GD&TĐ) - Một cô bé bị gãy xương hàng chục lần vẫn học giỏi, một chàng trai mang bệnh tim vẫn luôn giúp đỡ mọi người và một teen mang mặc cảm của một “xi cà que” vẫn cố gắng tập đi... Các bạn đã từng chạm mặt cái chết và hằng ngày vẫn dùng tất cả sức lực để giành lại sinh mệnh, quyết tâm tô xanh trên những gam màu xám của cuộc đời mình!
Chạm mặt tử thần
Nguyễn Thị Kiên Giang mới sinh ra đã có một đôi mắt màu xanh. Ai cũng tưởng đó là một điều đặc biệt sẽ cho cô bé xinh đẹp hơn. Nhưng không phải vậy. Tuổi nhỏ hiếu động, té ngã là bình thường nhưng kì lạ là mỗi lần ngã Giang lại bị gãy xương. Gãy xương tới 30 lần! Năm lớp 3 bị té mạnh, bác sĩ bảo không thể đi lại nữa. Gia đình cố gắng cho Giang ăn được gì thì ăn. Cô y tá bảo: “Sống không được mấy năm nữa đâu”. Ba mẹ Giang khóc ngất khi biết đứa con bé bỏng của mình đã bị mắc bệnh xương thủy tinh. Lúc này, bác sĩ bảo: “Bệnh này trên thế giới chưa chữa được”.
Kiên Giang dạy cho các em nhỏ khuyết tật |
Huỳnh Đăng Khoa còn bất hạnh hơn cả Kiên Giang. Cha mẹ Khoa chia tay, sống riêng. Cậu bé 14 tuổi lăn lộn vào đời kiếm cơm áo. Nhưng éo le thay, những cơn đau quặn thắt trong lồng ngực đã không ít lần làm Khoa ôm chặt ngực, nghiến răng chịu đựng. Những cơn đau như bóp chặt phổi, chặn hơi thở. Mỗi lần như thế, Khoa nghĩ mình sẽ gục ngã và không thể đứng dậy được. Sống bơ vơ, không người thân lại bị bệnh tim, cuộc sống còn gì ngoài những tháng ngày ảm đạm một màu đen?
Hai tuổi mới có thể bò, năm tuổi mới có thể đứng, bảy tuổi chỉ có thể chập chững bước đi dưới bàn tay nâng đỡ của mẹ, Phan Triệu Huy phải dùng đến đôi bàn tay và hai đầu gối đi lại trong suốt năm năm đầu đời. Giọng nói không tròn âm, Huy xòe bàn tay chai sần kể trong nước mắt: “Lúc nhỏ mình chỉ bò. Đau khổ nhất là lúc nhìn thấy các bạn cùng trang lứa cắp sách đến trường, khi đó mình ước gì có thể bước đi dù chỉ một bước…”.
Cuộc chiến giành lại cuộc sống
Phải nằm một chỗ, Giang dừng việc học mất 2 năm. Buồn, mặc cảm và thèm được đi học biết bao. Cô hàng xóm gần nhà thấy vậy dạy cho Giang mấy tháng. Thấy con ham học, ba mẹ xin cho Giang đi học lại. Ba mẹ ban đầu cứ sợ Giang không theo kịp, nhưng năm đó, Giang đứng nhất lớp, còn đoạt giải nhất thi vở sạch chữ đẹp. Năm lớp 5, Giang đi học, gãy xương thêm 4 lần. Trước đây bị té đau là khóc nhưng đã lâu rồi, Giang không khóc nữa. Lên lớp 9, Giang quen được một bạn ở trên mạng, đó là Đỗ Minh Hội. Hội gợi ý ở TP.HCM người ta đang chữa bệnh xương thủy tinh tại Làng cá sấu Hoa Cà. Giang đã nói với ba mẹ về ý định chuyển vào TP.HCM. Lúc đó, ba mẹ rất lo lắng vì Giang chưa bao giờ tự lập. Nhưng thấy Giang quyết tâm nên ba mẹ đồng ý.
Huỳnh Đăng Khoa chăm chỉ học tập |
Còn Khoa, căn bệnh của bạn đã mãi mãi không chữa được nữa. Phẫu thuật chỉ có thể thực hiện khi Khoa khoảng 13-14 tuổi. Nhưng lúc ấy, làm gì có tiền. Nỗi đau của một “thằng bé cha mẹ bỏ rơi, bị bệnh tim, ở đậu nhà người”... cứ âm ỉ giày vò. Thấy rằng chỉ có học mới là con đường duy nhất của mình, Khoa quyết đi học lại dù đã bỏ học khá lâu. Kì thi tuyển vào lớp 10, Khoa khiến ai cũng khâm phục khi được xếp ngay vào lớp chọn với điểm số cao ngất. Rồi Khoa được một người bác cất cho căn chòi nhỏ ở tạm để mà có chỗ ăn học. Nhưng học cũng phải cần tiền bạc nữa chứ, thế là Khoa đi dạy thêm 3 lớp, mỗi tháng được 700 ngàn đồng. Số tiền ấy vừa để chi tiêu hàng ngày vừa đưa cho bà ngoại dành dụm. Luôn sợ bệnh tim bộc phát bất cứ lúc nào nên Khoa “để dành trước cho an tâm. Tính xa như vậy nhưng mình vẫn sợ một ngày nào đó sức khỏe sẽ “bán đứng” mình”, Khoa nói.
May mắn hơn các bạn trên, trải qua ca phẫu thuật nhiều giờ đồng hồ, 6 tháng bó bột, 1 năm tập vật lí trị liệu vô cùng đau đớn, cuối cùng Huy có thể đứng được. “May mà có ca phẫu thuật miễn phí năm đó, nếu không thì đến giờ, gia đình tìm đâu ra ngần ấy tiền để chữa trị cho Huy” – cô Huỳnh Thị Bích Huyền, mẹ Huy rưng rưng.
16 tuổi nhưng mới học lớp 8, Huy vẫn cảm thấy được đến trường thực sự là một may mắn. Đi học chép bài không kịp, trưa Huy phải ở lại trường để chép và kê 2-3 cái ghế nằm. Nhiều khi đau nhức quá, Huy phải bỏ giờ học xuống phòng y tế mà tiếc hùi hụi. Nhiều bạn ác miệng nói “Huy què”, Huy cũng ấm ức lắm: “Nếu què thì đã ngồi yên một chỗ, nhưng mình vẫn đi được, mình có đôi chân mà”.
Phan Triệu Huy sử dụng vi tính |
Tô xanh lên đời mình
Bây giờ, “cô bé xương thủy tinh” đã trở thành nữ sinh lớp 11B1, trường THCS – THPT Âu Lạc, Q. Gò Vấp. Mới vào TPHCM, Giang đã đạt điểm trung bình 8,6 - cao nhất lớp 10. Giang luôn chăm chỉ, điểm thấp thì buồn, 8-9 điểm cũng tự nhủ phải cố gắng. Ở Làng cá sấu, có khoảng 20 em nhỏ. Mỗi tối, Giang trở thành cô giáo, bày cho tụi nhỏ học bài.
Huỳnh Đăng Khoa hiện là thành viên lớp 12A1, THPT Trần Đại Nghĩa, Vĩnh Long. Nhiều năm liền là lớp trưởng, không chỉ học giỏi, Khoa còn là người tiên phong trong hoạt động từ thiện của trường và địa phương. Khoa từng đi vận động toàn trường để các anh chị lớp 12 có được buổi cơm trưa tại trường, từng viết bài gởi về tờ báo của địa phương để kêu gọi sự giúp đỡ cho những cảnh đời không may mắn mà mình biết... Và mỗi lần nhận được một suất học bổng từ các chương trình nhân ái, Khoa lại chia sẻ với các bạn cùng trường hay những em gần xóm có hoàn cảnh khó khăn. Tuy hiện giờ vẫn còn đau tim nhưng Khoa chăm chỉ tập thể dục để khỏe hơn.
Phan Triệu Huy mới đang học lớp 8A2, THCS Bình Trưng Đông, Q.8, TP.HCM. Dù khó khăn như vậy nhưng suốt 5 năm tiểu học, Huy là HSG, lên THCS vì bài vở nhiều nhưng vẫn là HS khá. Dù đã 16 tuổi, chỉ có thể chập chững đi lại, cơ chân bị teo do sinh thiếu tháng, cơ tay, mắt, não đều bị ảnh hưởng ít nhiều nhưng Huy vẫn không ngừng cố gắng để được giống như bao bạn trẻ khác. Không thể cầm viết và viết bài bình thường, từ lúc đi học đến giờ, ngày nào Huy cũng mượn tập các bạn trong lớp đem về chép bài tận khuya.
Nguyên Dung