Tình hình tham nhũng hiện vẫn ở mức nghiêm trọng

Tình hình tham nhũng hiện vẫn ở mức nghiêm trọng

(GD&TĐ)-Ngày 7/3, Hội nghị toàn quốc sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 (khóa X) về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí” và tổng kết 5 năm thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng (PCTN) đã khai mạc tại Hà Nội.

h
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng phát biểu tại hội nghị

Các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị: Nguyễn Tấn Dũng, Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ  đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng; Lê  Hồng Anh, Thường trực Ban Bí thư, Nguyễn Xuân Phúc, Phó Thủ tướng Chính phủ, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng đồng chủ trì Hội nghị quan trọng này.

Phát biểu khai mạc hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ, Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI đã tiếp tục khẳng định quyết tâm của Đảng, Nhà nước và toàn xã hội trong công tác phòng chống tham nhũng. Mới đây nhất, Nghị quyết Hội nghị lần thứ 4, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay đã xác định các nhóm biện pháp hàng đầu là ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp. Đây là giải pháp mang tính trọng tâm, xuyên suốt, mang tính cấp bách nhất; đồng thời khẳng định tầm quan trọng đặc biệt của công tác phòng chống tham nhũng.

Trên một số lĩnh vực, tham nhũng đã từng bước được kiềm chế. Những kết quả của công tác  phòng, chống tham nhũng đã góp phần tích cực vào thành tựu phát triển kinh tế-xã hội chung của đất nước.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng chỉ ra những tồn tại, hạn chế trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, như tình hình tham nhũng ở nước ta hiện nay vẫn ở mức nghiêm trọng, diễn biến phức tạp với các hình thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi; xảy ra ở nhiều cấp, nhiều ngành, nhiều lĩnh vực…

Do vậy, trong tình hình mới, các cấp ủy đảng, chính quyền cần nhận thức sâu sắc việc phòng, chống có hiệu quả nạn tham nhũng là đòi hỏi cấp thiết. Đây là vấn đề khó khăn, phức tạp; là nhiệm vụ vừa cấp bách, vừa lâu dài; phải tiến hành kiên trì, kiên quyết, liên tục với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội. Phòng đi đôi với chống, không coi nhẹ mặt nào.

Trong 5 năm, toàn ngành thanh tra và các cấp, ngành đã triển khai 62.994 cuộc thanh tra, kiểm tra; đã kết thúc 52.671 cuộc. Qua thanh tra, đã phát hiện, kiến nghị xử lý kỷ luật hành chính đối với 1.619 tập thể, 11.973 cá nhân; chuyển cơ quan điều tra xử lý 464 vụ việc; kiến nghị thu hồi về ngân sách nhà nước 20.743,8 tỷ đồng và 993.978 USD.

Cùng thời gian này, cơ quan bảo vệ pháp luật đã khởi tố 1.458 vụ án tham nhũng với 3.151 bị can; truy tố 1.603 vụ, 3.889 bị can; xét xử 1.455 vụ, 3.387 bị cáo. Công tác điều tra, truy tố, xét xử của các cơ quan tiến hành tố tụng đối với các vụ án tham nhũng trong 5 năm qua có tiến bộ so với trước. Nhiều vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp đã được phát hiện, xử lý nghiêm minh.

Báo cáo tại Hội nghị, đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Phó Thủ tướng Chính phủ, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN cho biết: Thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 (khóa X), trong nhiệm kỳ vừa qua, các cấp ủy đảng đã kiểm tra 1.089.771 đảng viên, phát hiện 11.594 đảng viên vi phạm; thi hành kỷ luật 2.953 trường hợp. Ủy ban kiểm tra các cấp tiến hành kiểm tra dấu hiệu vi phạm tập trung vào những lĩnh vực, địa bàn nổi cộm, bức xúc, dễ phát sinh sai phạm. Qua kiểm tra, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã xử lý, hoặc kiến nghị xử lý 4 Ủy viên Trung ương Đảng (trong nhiệm kỳ X), 17 bí thư, phó bí thư, ủy viên ban cán sự đảng các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các bộ, ngành; 2 bí thư đảng ủy, Chủ tịch hội đồng quản trị tập đoàn kinh tế nhà nước.

Tại hội nghị, có trên 10 tham luận của các đại biểu đại diện cho các Bộ, ngành địa phương đều bày tỏ sự đồng tình với các nội dung trong Báo cáo sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 (khóa X) về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí” và Báo cáo tổng kết 5 năm thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng; cho rằng, những kết quả đạt được trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng thời gian qua thực sự đã có chuyển biến tích cực và có những bước tiến quan trọng so với thời kỳ trước khi có Nghị quyết Trung ương 3 và Luật Phòng, chống tham nhũng.

Hội nghị cũng thẳng thắn nhìn nhận, việc học tập, quán triệt Nghị quyết ở một số tỉnh, Thành ủy và Ban cán sự đảng, đảng đoàn, Đảng ủy trực thuộc Trung ương chưa sâu sắc, còn nặng về hình thức. Có Ban Chỉ đạo phòng chống tham nhũng cấp tỉnh, một số Tỉnh ủy, Thành ủy có biểu hiện buông lỏng việc lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng chống tham nhũng.

Tuy có tiến bộ nhưng công tác phát hiện và xử lý các vụ việc, vụ án tham nhũng vẫn còn những hạn chế, yếu kém. Số vụ việc, vụ án tham nhũng được phát hiện, xử lý chưa phản ánh đúng tình hình tham nhũng đang diễn ra. Số vụ án tham nhũng được điều tra, truy tố, xét xử trong từng năm có xu hướng giảm trong khi các vụ án hình sự nói chung ngày càng tăng.

Ngoài ra, các đại biểu cũng nhấn mạnh đến việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền về phòng, chống tham nhũng; đề xuất các cơ quan chức năng liên quan làm tốt hơn nữa công tác thông tin cho báo chí, dư luận về các vụ án, vụ việc tham nhũng nhằm định hướng dư luận, tránh để dư luận hiểu lầm, suy diễn… về các vụ vụ án, vụ việc liên quan đến tham nhũng, tiêu cực.

Bên cạnh đó, các đại biểu cũng đề xuất cần tiếp tục bổ sung, sửa đổi, hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật, tạo hành lang pháp lý trong phòng, chống tham nhũng, hạn chế những kẽ hở dễ phát sinh tham nhũng tiêu cực; sớm ban hành luật giám định tư pháp và xây dựng trung tâm giám định tư pháp nhằm góp phần đẩy nhanh tiến độ xử lý các vụ án, vụ việc tham nhũng

Nguyễn Sơn-Thanh Hùng

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ