Điều chỉnh kế hoạch dạy học
Với chuyên môn về Toán, ông Lê Đình Khương, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Yên Dũng số 2 (Bắc Giang) cho biết: Cách giảm tải của Bộ GD&ĐT là cắt bỏ một số nội dung kiến thức và giảm yêu cầu kiến thức cần đạt của học sinh. Một số nội dung không yêu cầu học sinh ở mức vận dụng và vận dụng cao. Việc giảm tải này hướng tới mục tiêu bảo đảm mạch logic kiến thức, không ảnh hưởng tới việc học của học sinh những năm học kế tiếp.
Trên cơ sở giảm tải của Bộ GD&ĐT, theo ông Lê Đình Khương, Sở GD&ĐT, các trường phải xây dựng phân phối chương trình phần còn lại. Theo cách giảm của Bộ GD&ĐT, chương trình học kỳ II giảm khoảng 5 - 7 tuần. Trường THPT Yên Dũng số 2 đã dạy học kỳ II được 6 tuần, nên có những bài giảm tải đã được dạy, do đó sơ bộ chỉ giảm được 3 - 4 tuần. Như vậy, còn 7 - 8 tuần nữa hết chương trình học kỳ II. Nếu nghỉ học đến hết tháng 4 và kết thúc thúc năm học ngày 15/7 vẫn bảo đảm thời gian. Trường hợp nghỉ tiếp tháng 5 sẽ tiếp tục phải điều chỉnh phân phối chương trình. Việc cắt và bỏ là không thể mà chỉ hướng tới giảm tải bằng việc giảm mức độ yêu cầu cần đạt của học sinh.
Đánh giá cao hướng dẫn của Bộ GD&ĐT, ông Trịnh Văn Ngoãn, Chánh Thanh tra Sở GD&ĐT Vĩnh Long cho rằng: Do đặc thù của từng môn học, từng khối lớp, thời lượng tinh giản được quy ra tuần chương trình của các môn trong cùng khối và của các môn trong cùng một khối lớp là không giống nhau (Sở GD&ĐT đã thống kê số tiết, số tuần chương trình được giảm sau khi điều chỉnh nội dung dạy học một số môn theo hướng dẫn của Bộ). Nếu không sắp xếp lại sẽ có môn kết thúc chương trình sớm, môn kết thúc chương trình muộn hơn. Điều này sẽ gây khó khăn cho việc quản lý chuyên môn của các trường. Do đó, đòi hỏi Sở GD&ĐT phải tổ chức họp Hội đồng bộ môn điều chỉnh hoặc chỉ đạo các trường điều chỉnh kế hoạch dạy học từng môn học, từng khối lớp cho phù hợp theo Công văn số 4612/BGDĐT-GDTrH và các yêu cầu Bộ vừa hướng dẫn. Đặc biệt phải cân nhắc bố trí lại lịch kiểm tra định kỳ một cách phù hợp với lượng kiến thức sau khi điều chỉnh.
Ông Phùng Quốc Lập, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Phú Thọ trao đổi: Sở GD&ĐT sẽ chỉ đạo tinh giản nội dung dạy học, kiểm tra đánh giá theo đúng quy định, hướng dẫn của Bộ GD&ĐT. Cùng với đó, tích cực chỉ đạo các cơ sở giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên triển khai dạy học qua Internet, hướng dẫn học sinh học tập trên truyền hình.
Điều chỉnh nội dung một số môn chưa có hướng dẫn
Với các môn học, hoạt động giáo dục, Bộ GD&ĐT chưa hướng dẫn điều chỉnh nội dung dạy học như môn tự chọn và môn Tiếng Việt – Công nghệ giáo dục cấp tiểu học; các môn: Mĩ thuật, Âm nhạc, Thể dục, Quốc phòng – An ninh và các hoạt động hướng nghiệp, ngoài giờ lên lớp ở bậc trung học; các môn học theo chương trình nâng cao cấp THPT; môn Tiếng Anh chương trình 10 năm, theo ông Trịnh Văn Ngoãn, Vĩnh Long sẽ hướng dẫn các đơn vị tổ chức thực hiện theo chỉ đạo của Bộ GD&ĐT.
Cụ thể, tổ chức dạy học các môn tự chọn và chủ đề tự chọn (cơ bản hoặc nâng cao) một cách phù hợp, ưu tiên thời gian tối đa để tổ chức dạy học các môn học bắt buộc theo chương trình bậc tiểu học và trung học. Thủ trưởng các cơ sở giáo dục tổ chức giảng dạy theo chương trình nâng cao cấp THPT sẽ chủ động đối chiếu với chương trình chuẩn (cơ bản) để điều chỉnh nội dung dạy học cho từng môn học và từng khối lớp 10, 11, 12.
Thủ trưởng các cơ sở giáo dục chủ động điều chỉnh nội dung, hình thức tổ chức dạy môn Tiếng Việt – Công nghệ giáo dục lớp 1, môn Tiếng Anh chương trình 10 năm và các môn: Mĩ thuật, Âm nhạc, Thể dục, Quốc phòng – An ninh và các hoạt động hướng nghiệp, ngoài giờ lên lớp bậc trung học phù hợp với điều kiện thực tiễn của đơn vị; bảo đảm hoàn thành chương trình và kết thúc năm học trước 15/7/2020. Các cơ sở giáo dục có học sinh, học viên học chương trình giáo dục thường xuyên, vận dụng nội dung điều chỉnh của cấp THCS, THPT để thực hiện.
“Nội dung được tinh giản phù hợp, cần thiết trong bối cảnh học sinh nghỉ học dài ngày vì dịch bệnh Covid–19. Tuy nhiên, có những nội dung rất cần thiết nhưng phải tinh giản, như phần dạy kỹ năng viết ở môn Tiếng Anh lớp 8 và lớp 9. Do đó, các cơ sở giáo dục, phụ huynh cần có kế hoạch để học sinh cập nhật đầy đủ các kiến thức được tinh giản đợt này vào những thời điểm phù hợp” – ông Trịnh Văn Ngoãn lưu ý thêm.
Theo PGS.TS Nguyễn Xuân Thành – Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học (Bộ GD&ĐT), hướng dẫn điều chỉnh nội dung dạy học học kỳ II năm học 2019 - 2020 đối với trung học đã giảm kịch khung trong điều kiện có thể, khi nguyên tắc là phải bảo đảm chuẩn kiến thức kỹ năng tối thiểu của chương trình. Các cơ sở giáo dục ưu tiên thời gian tối đa để tổ chức dạy các môn học bắt buộc theo chương trình và tổ chức dạy các môn tự chọn phù hợp; Tăng cường các hình thức dạy học từ xa như dạy học qua Internet và trên truyền hình.
Thời gian đầu của năm học 2020 - 2021, hoặc vào thời điểm thích hợp trong năm học, các trường cần tính toán thời gian ôn tập, bổ sung nội dung kiến thức cần thiết cho học sinh trước khi thực hiện chương trình của năm học mới. Trong điều kiện học sinh vẫn tiếp tục nghỉ học, căn cứ hướng dẫn của Bộ GD&ĐT, cơ sở giáo dục đẩy mạnh dạy học từ xa qua Internet, trên truyền hình nội dung chương trình của học kỳ II. Các bài giảng để dạy qua Internet, trên truyền hình sẽ phải căn cứ vào hướng dẫn tinh giản này để xây dựng. - PGS Nguyễn Xuân Thành