Các đại biểu dự Hội thảo |
Tham dự và chỉ đạo Hội nghị có các đồng chí: Trương Tấn Sang, Uỷ viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư; Tô Huy Rứa, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Trưởng Ban Chỉ đạo dự án biên soạn “Lịch sử quan hệ đặc biệt Việt Nam – Lào"; Bunnhăng Vôlachít, Uỷ viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng Nhân dân Cách mạng Lào; Xanmản Vinhakệt, Uỷ viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Chỉ đạo công tác Tư tưởng, Lý luận, Văn hóa Trung ương Đảng Nhân dân Cách mạng Lào, Trưởng ban Chỉ đạo biên soạn Lịch sử đoàn kết đặc biệt Lào – Việt Nam; Xổm Kốt Măng No Mệk, Uỷ viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Tỉnh trưởng tỉnh Xiêng Khoảng.
Tham dự Hội thảo còn có đại diện lãnh đạo của các ban Đảng, lãnh đạo một số bộ, ngành Việt Nam, lãnh đạo tỉnh Nghệ An, đại diện lãnh đạo tỉnh Xiêng Khoảng cùng 500 đại biểu là các cán bộ, chiến sỹ lão thành cách mạng Việt Nam, cán bộ chiến sỹ Lào, những người từng tham gia trực tiếp chiến đấu tại Cánh đồng Chum, các nhà khoa học của Việt Nam và Lào.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, đồng chí Xanmản Vinhakệt nhấn mạnh, Chiến dịch “Cù Kiệt” Cánh đồng Chum-Xiêng Khoảng là chiến dịch có tính đặc biệt bởi đây là chiến dịch quân địch thực hiện Học thuyết Ních-xơn, là chiến dịch qui mô lớn nhất của địch. Chúng sử dụng tất cả các loại vũ khí hiện đại, trong đó có bom B52 rải thảm nhằm cứu vãn danh dự ("Cù Kiệt" tiếng Lào có nghĩa là "cứu vãn danh dự") do những thất bại trên chiến trường.
Đánh giá tầm quan trọng của địa bàn chiến lược Cánh đồng Chum-Xiêng khoảng cả về mặt quân sự và chính trị, hai Đảng, quân đội Việt Nam và Lào đã thống nhất tăng cường lực lượng, phối hợp mở chiến dịch phản công Cánh đồng Chum - Xiêng Khoảng nhằm đánh bại cuộc hành quân “Cù Kiệt” của địch. Cuộc phản công triển khai 3 đợt, đợt 1 chiến dịch từ ngày 25/10/1969 đến 10/2/1970, đợt 2 từ 11 đến 25/2/1970 và đợt 3 từ 26/2 đến 25/4/1970. Chiến thắng đánh bại cuộc hành quân "Cù Kiệt" là đòn giáng mạnh vào lực lượng đặc biệt Vàng Pao- lực lượng nòng cốt của Mỹ ở Lào, góp phần tạo nên chuyển biến mới về tương quan lực lượng có lợi cho cách mạng Lào.
Hội thảo quốc tế:” Tình đoàn kết, liên minh chiến đấu Lào-Việt Nam đánh bại chiến dịch "Cù Kiệt" của đế quốc Mỹ tại Cánh đồng Chum-Xiêng Khoảng” nhằm phân tích, đánh giá sâu sắc hơn vị trí và tầm quan trọng chiến lược của địa bàn Cánh đồng Chum-Xiêng Khoảng, làm rõ hơn những nhân tố cơ bản tạo nên chiến thắng to lớn, phân tích rút ra những bài học kinh nghiệm. Thông qua sự kiện lịch sử Cánh đồng Chum-Xiêng Khoảng làm rõ thêm sự đóng góp của lịch sử, tạo nên mối quan hệ hữu nghị đặc biệt Việt- Lào không ngừng phát triển.
Hội thảo sẽ kết thúc vào ngày 15/9
Theo ĐCS