Theo hãng tin CNA (Đài Loan) ngày 5/1, Cục Di dân Đài Loan đã phát ra thông cáo báo chí, cho rằng vụ 152 du khách Việt “mất tích” vừa qua có sự tiếp tay của tổ chức buôn người. Dưới danh nghĩa sang Đài Loan du lịch rồi trốn lại để làm việc bất hợp pháp, những du khách này hiện có nguy cơ đối mặt với việc bị cưỡng ép lao động nặng hoặc bị đưa vào các đường dây bán dâm.
42 người trên thuộc nhóm 152 du khách Việt Nam "mất tích" trong 2 ngày 21 và 23/12/2018 sau khi nhập cảnh vào lãnh thổ này ở Cao Hùng. Sau đó, Cục Di dân Đài Loan đã liên hệ được với một người và kiểm tra thì được biết 3 người khác đã xuất cảnh khỏi Đài Loan, nên tổng số người “mất tích” được xác định là 148 người.
Theo quan chức của Cục Di dân, người nào bị phát hiện che giấu, tạo điều kiện cho các du khách Việt này trốn đoàn, ép buộc du khách vào các đường dây cưỡng bức lao động nặng hoặc đường dây bán dâm, sẽ bị xem là vi phạm điều 2 Luật Phòng chống buôn bán người, bị tù tới 7 năm và đóng phạt tới 5 triệu Đài tệ (tương đương 3,8 tỉ đồng).
Các đơn vị sử dụng lao động bất hợp pháp sẽ bị liệt vào danh sách vi phạm Luật Dịch vụ việc làm và đóng phạt từ 150.000 - 750.000 Đài tệ (112 triệu - 564 triệu đồng).
Cục Di dân Đài Loan cũng phát lời kêu gọi người dân Đài Loan cùng tìm kiếm, tố giác du khách Việt “mất tích” nếu biết được tung tích với số tiền thưởng là 4.000 Đài tệ (3 triệu đồng).
Cũng theo thông tin từ cơ quan này của Đài Loan, Cục Di dân Đài Loan và Cục Quản lý Xuất nhập cảnh Bộ Công an Việt Nam đã ký Biên bản ghi nhớ về vấn đề nhập cư, bao gồm phòng chống buôn bán người và trao đổi thông tin.
Thủ tục xin visa chặt chẽ hơn
Theo thống kê của Tổng cục Du lịch Việt Nam, hơn 15,49 triệu khách du lịch nước ngoài đã đến Việt Nam trong năm 2018, tăng 19,9% so với năm 2017. Trong đó, có hơn 714.000 du khách Đài Loan (đứng thứ 4), với mức tăng hàng năm là 15.9%.
Sự hợp tác du lịch giữa Đài Loan và Việt Nam ngày càng mạnh mẽ trong những năm gần đây và số lượng khách du lịch Việt Nam đến Đài Loan cũng tăng mỗi năm.
Tuy nhiên, sau sự cố 152 du khách Việt “mất tích” tại Đài Loan hồi cuối tháng 12.2018, phía Đài Loan đã phải quyết định tạm ngưng việc cấp visa điện tử Quan Hồng cho khách du lịch Việt sang Đài Loan theo diện khách đoàn. Điều này đã ảnh hưởng không nhỏ đến tình hình kinh doanh du lịch của cả Việt Nam và Đài Loan.
Được biết, hiện tại để ngăn chặn rủi ro, Văn phòng Kinh tế và Văn hóa Đài Bắc tại TPHCM đã phải yêu cầu các công ty lữ hành đến xin cấp visa đoàn phải trình giấy phép kinh doanh của doanh nghiệp mua tour, giấy phép lữ hành quốc tế của công ty du lịch tại Việt Nam, chưa kể thư ủy quyền của công ty du lịch cho công ty đối tác cung cấp dịch vụ tại Đài Loan.