Tìm lại “hào quang” cho gạo Việt

GD&TĐ - Được ví như “vàng trắng” không chỉ bởi gạo là loại lương thực chủ lực, mà còn là mặt hàng nông sản xuất khẩu (XK) chính của nước ta. Tuy nhiên, với hiện trạng XK gạo có xu hướng giảm cả về khối lượng và giá trị trong vòng 5 năm gần đây và hiện đang ở mức thấp nhất, có thể thấy việc XK gạo của Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều thách thức.

Xuất khẩu gạo từ đầu năm đến nay vẫn tiếp tục giảm mạnh
Xuất khẩu gạo từ đầu năm đến nay vẫn tiếp tục giảm mạnh

Xuất khẩu giảm mạnh

Theo số liệu của Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), 10 năm trở lại đây (tính từ năm 2007), hiện trạng XK gạo có nhiều biến động. Trong 5 năm đầu của giai đoạn, khối lượng XK gạo của Việt Nam tăng đều đặn, nhưng từ năm 2013, con số này lại có xu hướng giảm mạnh, đặc biệt XK gạo năm 2016 thấp kỷ lục trong vòng 10 năm cả về khối lượng và giá trị. Số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan về tình hình XK gạo từ đầu năm đến nay, giá gạo XK đã giảm khá mạnh, hơn 500.000 đồng/tấn so với cùng kỳ năm trước; trong khi đó lượng gạo XK cũng giảm sút hơn 200.000 tấn.

Nguyên nhân được VFA lý giải là do lượng nhập khẩu của một số thị trường giảm, giá gạo XK trên thế giới ảnh hưởng do Thái Lan và Ấn Độ xả kho dự trữ, hiện còn một số nước như Pakistan, Campuchia, Myanmar cũng đang trở thành những đối thủ cạnh tranh đáng chú ý trong thời gian gần đây. Việt Nam đã mất đi một vài hợp đồng nhập khẩu gạo từ những khách hàng quen thuộc ở châu Á vào tay các nước này, mặc dù họ XK gạo với mức giá cao hơn Việt Nam. Bên cạnh đó, năm 2017, gạo Việt vẫn chủ yếu được xuất qua đường tiểu ngạch sang Trung Quốc, các đơn hàng ký kết diện liên chính phủ Việt Nam - Philippines, Trung Quốc đang giảm do đối tác ký nhiều hợp đồng nhỏ lẻ với thương nhân nước ngoài.

Đặc biệt, hiện gạo Việt Nam XK còn bị một số thị trường trả về trong nhiều năm liên tiếp do không đạt tiêu chuẩn. Mặt hàng này của Việt Nam tuy đã vươn xa đến những thị trường gạo tiềm năng như Mỹ, châu Âu, Nhật Bản, nhưng đây đều là những thị trường yêu cầu chất lượng cao với nhiều rào cản kỹ thuật và đây luôn là bài toán khó với các doanh nghiệp XK gạo Việt.

Dự kiến tình hình khối lượng XK gạo Việt Nam năm 2017 sẽ chỉ tăng nhẹ so với năm 2016, đạt mức khoảng hơn 5 triệu tấn. Kể cả nước nhập khẩu gạo lớn nhất của Việt Nam là Trung Quốc cũng khó mang lại cho Việt Nam sản lượng XK như mong muốn.

Những rào cản cần vượt

Theo VFA, từ đầu năm 2017 đến nay, Lào đã XK gạo nhiều hơn sang Trung Quốc theo thỏa thuận đã có từ trước và Trung Quốc đã chấp thuận tăng nhập khẩu từ 8.000 tấn lên 20.000 tấn. Những bạn hàng tại châu Á của Việt Nam cũng có những động thái tác động tiêu cực đến XK gạo của Việt Nam như Philippines sẽ kết thúc chương trình cấp phép tiếp cận thị trường lớn hơn (không hạn chế đối với gạo), thay vào đó sẽ áp dụng mức thuế cao do các nhà quản lý kinh tế quyết định và quay lại khối lượng trước đây là 350.000 tấn chứ không phải là khối lượng tiếp cận tối thiểu (MAV) từ 350.000 tấn đến 805.000 tấn gạo.

Đánh giá về thị trường Trung Quốc, ông Huỳnh Minh Huệ - Tổng Thư ký VFA - cho biết, Trung Quốc là bạn hàng nhập khẩu gạo lớn nhất của Việt Nam nhưng chính sách thả lỏng của nước này khiến số lượng lớn gạo xuất sang Trung Quốc qua đường tiểu ngạch gây nhiều rủi ro cho các nhà XK trong nước, rối loạn thị trường, làm giảm uy tín mặt hàng gạo Việt Nam. Ngoài ra, đồng Nhân dân tệ yếu cũng tác động đến chính sách nhập khẩu gạo của Trung Quốc gây bất lợi cho các doanh nghiệp Việt Nam khi XK sang thị trường này.

Trong khi đó, theo ông Huệ, thách thức từ quy định về rào cản kỹ thuật đã và đang làm khó gạo Việt. Khi thâm nhập vào những thị trường cao cấp như châu Âu, châu Mỹ, Nhật Bản... thì những yêu cầu về kỹ thuật thương mại và vệ sinh dịch tễ là rất quan trọng. Bằng chứng là đã có nhiều lô gạo của Việt Nam xuất sang Mỹ và EU đã bị trả về.

“Điều này cho thấy, sự không hợp lý trong quy trình xây dựng chuỗi giá trị gạo khiến cho bao nhiêu năm Việt Nam coi gạo là mặt hàng XK chủ lực nhưng gạo Việt lại không có tên trên thị trường thế giới và việc xây dựng thương hiệu cho gạo Việt đang gặp rất nhiều khó khăn” – ông Huệ nói.

Các chuyên gia đánh giá, để phát triển ngành lúa gạo cần xây dựng một chiến lược dài hạn. Cần phải coi sản xuất lúa gạo không chỉ là lĩnh vực đảm bảo an sinh xã hội mà còn nhằm ổn định kinh tế. Việc tận dụng cơ hội và vượt qua thách thức sẽ giúp cho ngành gạo đạt được mục tiêu chất lượng và hiệu quả không chỉ đảm bảo an ninh lương thực mà còn vì mục tiêu XK.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Máy bay chiến đấu F-16C của Không quân Singapore. (Ảnh: Singapore Airshow 2022)

Tiêm kích F-16 rơi

GD&TĐ - Một chiếc tiêm kích F-16 của Không quân Singapore (RSAF) rơi tại căn cứ không quân Tengah ngay sau khi cất cánh ngày 8/5.