Trung Quốc một lần nữa thu hút sự chú ý của các nhà phân tích hàng không và quân sự toàn cầu khi trình diễn nguyên mẫu máy bay chiến đấu thế hệ thứ sáu J-36, được ghi lại trên camera vào cuối tháng 12 năm 2024.
Điểm đặc biệt của máy bay chiến đấu mới là không có đuôi, theo các chuyên gia, điều này liên quan đến mong muốn tàng hình hơn là khả năng cơ động. Cựu phi công Mỹ John Waters tin rằng những đặc điểm thiết kế như vậy cho thấy J-36 có thể không được thiết kế để chiến đấu trên không theo cách truyền thống.
Chiếc tiêm kích nhiều khả năng sẽ trở thành yếu tố hàng đầu của một hệ thống chiến đấu lớn hơn, bao gồm các phương tiện không người lái, máy bay chiến đấu có người lái, máy bay cảnh báo sớm (AWACS) và máy bay tiếp dầu.
Nhà phân tích người Mỹ Bill Sweetman nhấn mạnh nhiệm vụ chính của J-36 có thể là tiến hành các cuộc tấn công bằng tên lửa từ khoảng cách xa, bao gồm việc tiêu diệt cả mục tiêu trên không và mục tiêu trên mặt đất hoặc tàu mặt nước, chẳng hạn như tàu sân bay.
Như vậy, J-36 có thể được thiết kế cho chiến tranh chiến lược, trong đó vai trò chính của nó là phá hủy cơ sở hạ tầng và ngăn chặn khả năng của đối phương, thay vì trực tiếp tham gia vào tác chiến trên bầu trời.
Các chuyên gia cho rằng J-36 sẽ trở thành cốt lõi của hệ thống chiến đấu tích hợp mới. Đây là tổ hợp phức tạp, trong đó những phương tiện không người lái sẽ có khả năng thực hiện chức năng hỗ trợ như trinh sát hoặc trấn áp phòng không, và những máy bay chiến đấu có người lái lớn hơn như J-20 và J-35A sẽ bảo vệ J-36.
Khái niệm kết nối mạng này dành cho hàng không quân sự phù hợp với xu hướng toàn cầu, hướng tới các hoạt động tự chủ và công nghệ cao hơn.
Cho đến nay, nhà chức trách Trung Quốc vẫn chưa tiết lộ thông tin chính thức về dự án J-36, điều này để lại nhiều đồn đoán. Một số nhà phân tích suy đoán rằng việc rò rỉ các bức ảnh có thể là do cố ý.
Điều này cho phép Trung Quốc quan sát phản ứng quốc tế và đánh giá mối lo ngại tiềm ẩn của các nước khác trước khi chính thức công bố máy bay và các đặc tính của nó.
Theo nhiều chuyên gia, J-36 có thể trở thành một phần quan trọng trong kho vũ khí ngày càng lớn của Trung Quốc nhằm củng cố vị thế của nước này ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Kết hợp với các máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm J-20 và J-35 hiện có, cũng như sự phát triển trong công nghệ không người lái và hệ thống chiến đấu nối mạng, tiêm kích này có tiềm năng củng cố lợi thế chiến lược của Trung Quốc trong các hoạt động trên không.
Trong bối cảnh căng thẳng gia tăng và sự cạnh tranh ngày càng quyết liệt với Mỹ và các đồng minh, việc phát triển J-36 có thể thay đổi cán cân quyền lực.
Nếu khả năng của nó phù hợp với mong đợi của các nhà phân tích, phương tiện trên sẽ đặt ra thách thức đối với chiến lược quân sự và hàng không hiện tại của phương Tây. Các tiêm kích hiện đại như F-35 của Mỹ sẽ phải đối mặt với sự cạnh tranh về công nghệ đòi hỏi nỗ lực đáng kể để duy trì sự ngang bằng.