Tích cực triển khai bán hàng bình ổn giá

Tích cực triển khai bán hàng bình ổn giá

(GD&TĐ)-Hiện nay, các thành phố lớn như: Tp Hồ Chí Minh, Hà Nội và Cần Thơ đang tích cực triển khai các giải pháp bán hàng bình ổn giá.

Đến nay,  Tp. HCM đã phát triển được 2.188 điểm bán hàng bình ổn giá, trong đó có hơn 800 điểm bán tại các chợ truyền thống, các siêu thị thuộc hệ thống Sài Gòn Co.op, Vinatex, Maximax, các trung tâm thương mại…

fgg
Các mặt hàng đồ dùng học tập thuộc diện  bình ổn giá gồm: tập, cặp, ba lô, túi xách và đồng phục

Ngoài ra, TP. HCM cũng tăng cường tổ chức mỗi năm hơn 500 chuyến bán hàng lưu động đến các điểm khu công nghiệp, khu lưu trú công nhân, khu ký túc xá, nhà trọ sinh viên, các khu vực ngoại thành để phục vụ nhu cầu của bà con.

Trong năm 2011, cùng với các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu, trong chương trình bình ổn sẽ được bán với mức giá mới. Theo cam kết của Sở Công thương TP HCM, giá bán các mặt hàng sẽ thấp hơn từ 10,9 đến 25,7% so với giá bán hàng cùng chủng loại trên thị trường.
 
Mặt hàng thuốc cũng được nằm trong danh sách các mặt hàng bình ổn giá. Trong năm đầu tiên tham gia chương trình bình ổn giá, sẽ có 40 trên 1.000 hoạt chất là nhóm thiết yếu sẽ tham gia thị trường. Ngay tại các nhà thuốc bán lẻ cũng sẽ có một mức giá cố định từ nay đến ngày 31/3/2012. vVệc bình ổn thuốc tây không phải là bình ổn để có thuốc giá rẻ, mà là bình ổn để có giá ổn định, tránh tình trạng các nhà thuốc cạnh tranh về giá. Bởi từ trước đến nay, Sở Y tế chỉ có thể kiểm soát giá thuốc bán buôn, còn giá bán lẻ do các nhà thuốc quyết định.

Các nhóm thuốc bình ổn đưa ra thị trường là nhóm thuốc sản xuất trong nước, điều trị các bệnh: giảm đau, hạ sốt, kháng viêm; thuốc trị ho; chống dị ứng; thuốc nhỏ mắt; trị đau dạ dày; tiêu chảy; tim mạch; tiểu đường; kháng sinh…

Cùng với thuốc tây, mặt hàng sữa bột dành cho trẻ em dưới 12 tháng tuổi và người cao tuổi vừa được UBND thành phố đưa vào kế hoạch thực hiện chương trình bình ổn giá năm 2011. Dự tính sẽ có khoảng hơn 6.000 tấn sữa của hai dòng sản phẩm này tham gia. Giá bán của các sản phẩm trong chương trình bình ổn được đơn vị tham gia đăng ký mã số, chủng loại, chất lượng sản phẩm, đang phân phối tại thời điểm đăng ký sẽ được giữ ổn định đến cuối tháng 12 năm 2011.

Đối với đồ dùng học tập, các mặt hàng bình ổn giá gồm: tập, cặp, ba lô, túi xách và đồng phục. Lượng hàng hóa tham gia bình ổn sẽ chiếm khoảng 30% - 50% so với nhu cầu tiêu dùng của học sinh thành phố trong mùa khai giảng năm học mới. Doanh nghiệp tham gia chương trình sẽ bán sản phẩm với giá thấp hơn giá thị trường ít nhất 15%.

UBND thành phố Hà Nội vừa phê duyệt “Phương án bình ổn giá các mặt hàng thiết yếu trên địa bàn thành phố Hà Nội năm 2011” với mức vốn tạm ứng cho các doanh nghiệp để dự trữ và bán hàng bình ổn giá là 475 tỷ đồng.

Cụ thể, vốn tạm ứng chuẩn bị nguồn hàng và tổ chức bán ra các mặt hàng bình ổn giá phục vụ nhu cầu bình ổn giá thị trường của thành phố từ tháng 5/2011 đến hết tháng 4/2012. Riêng mặt hàng giấy vở học sinh, thời gian bình ổn từ tháng 6/2011 đến hết tháng 10/2011.

Được biết, đối tượng tham gia bình ổn giá lần này gồm các doanh nghiệp phân phối bán lẻ; doanh nghiệp sản xuất; doanh nghiệp cung ứng hàng hóa; doanh nghiệp vừa cung ứng, vừa có hệ thống phân phối bán lẻ. Các nhóm mặt hàng cần tập trung bình ổn thị trường bao gồm: gạo tẻ; thịt lợn; thịt gà, vịt; trứng gà, vịt; thực phẩm chế biến từ thịt gia súc, gia cầm, cá; thủy hải sản tươi, đông lạnh; dầu ăn; rau củ tươi; giấy vở học sinh.

Được biết, hiện thành phố Hà Nội đang khuyến khích các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế tham gia chương trình bình ổn giá với yêu cầu phải chấp hành các quy định về đăng ký giá, treo biển nhận diện hàng bình ổn giá.

Sở Công thương TP Cần Thơ vừa phối hợp cùng Ban chấp hành Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh Tổng công ty Lương thực miền Nam, Công ty Lương thực Sông Hậu tổ chức chương trình “Đưa hàng Việt về nông thôn lần thứ I-2011”, tại huyện Thới Lai, TP Cần Thơ.

Trong tình hình giá các mặt hàng lương thực, thực phẩm liên tục tăng, việc đưa hàng Việt về nông thôn bán với giá ưu đãi đã góp phần bình ổn thị trường nông thôn. Các sản phẩm hàng Việt được bày bán tại phiên chợ đều là những mặt hàng thực phẩm thiết yếu được bán thấp hơn giá thị trường từ 5-10% đã thu hút đông đảo khách hàng đến tham quan, mua sắm. Bên cạnh đó, các tiểu thương ở huyện Thới Lai cũng đến điểm bán hàng của Công ty Lương thực sông Hậu để đặt mua hàng lâu dài với số lượng lớn.

Minh Duy (TH)
 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ