Thủy đậu và 6 lưu ý phụ huynh cần ghi nhớ

Thủy đậu là loại bệnh nhẹ nhưng có nhiều biến chứng phức tạp, do đó, bố mẹ nên chủ động phòng ngừa để con khỏe mạnh trong năm mới. Dưới đây là 6 lưu ý quan trọng mà phụ huynh cần lưu tâm.

Thủy đậu và 6 lưu ý phụ huynh cần ghi nhớ
Thủy đậu và 6 lưu ý phụ huynh cần ghi nhớ ảnh 1

Ảnh minh họa: Thời điểm mưa phùn, lạnh khiến sức đề kháng của trẻ xuống thấp, dễ bị mắc bệnh thủy đậu

Theo các chuyên gia y tế, thời tiết mưa phùn, lạnh, độ ẩm không khí cao là thích hợp nhất để các loại virut truyền nhiễm, siêu vi trùng varicella - zoster herpes gây ra thủy đậu phát triển mạnh. Trong khi đó, đây là thời điểm sức đề kháng của trẻ nhỏ xuống thấp và nhu cầu đi chơi của các gia đình tăng cao.

- Số lượng người mắc thủy đậu ở Việt Nam luôn ở mức cao. Nếu không chích ngừa, đến 80% người sẽ mắc thủy đậu trước 20 tuổi. Chỉ trong 1 năm (2014-2015), nước ta đã có 16.380 ca mắc bệnh. Trong đó, trẻ em từ 5-9 tuổi là đối tượng hay gặp nhất, người lớn tuổi, trẻ dưới 5 tuổi thường bị các biến chứng nặng.

- Bệnh thủy đậu thường bắt đầu khá đột ngột bằng các triệu chứng ít được quan tâm như: nổi mụn nước ở vùng đầu, mặt, chân tay và thân. Mụn nước xuất hiện nhanh, chỉ khoảng từ 12-24 giờ đã có thể nổi toàn thân với đường kính từ 1-3 mm, có chứa dịch trong (Những trường hợp nặng mụn nước sẽ to hơn hoặc chứa mủ). Ở trẻ nhỏ, thường kèm theo sốt nhẹ, biếng ăn nhưng ở người lớn và trẻ lớn thì sẽ kèm sốt cao, đau đầu, đau cơ, nôn ói... Nếu không có biến chứng, thủy đậu thường kéo dài từ 7-10 ngày, trong giai đoạn này bệnh nhân cần được chăm sóc kỹ và cách ly.

- Nguy cơ biến chứng và tử vong của bệnh thủy đậu tăng theo tuổi. Với nhiều trường hợp, bệnh thủy đậu có diễn tiến nặng dẫn tới suy hô hấp, phù phổi, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng. Đặc biệt, khi thủy đậu có biến chứng viêm não thì tỉ lệ tử vong sẽ tăng từ 5 - 20%. Thậm chí nếu được cứu sống, bệnh nhân vẫn có nhiều di chứng nặng nề hoặc phải sống thực vật.

- Phụ nữ có thai mắc bệnh thủy đậu trong 28 tuần đầu của thai kỳ dễ bị biến chứng nặng, đặc biệt là viêm phổi. Đồng thời siêu vi trùng sẽ lây qua bào thai gây sảy thai. Nếu sinh ra trẻ sẽ bị thủy đậu bẩm sinh với nhiều dị tật như đầu nhỏ, co gồng tay chân, bại não, sẹo bẩm sinh…. Trẻ mới sinh đã mắc thủy đậu từ mẹ có thể bị dị tật bẩm sinh hoặc bệnh diễn tiến nặng dẫn đến tử vong.

- Theo nghiên cứu năm 2012 của Trung tâm Tư vấn Tiêm chủng New Zealand, 70-90% trẻ có thể miễn dịch với thủy đậu sau mũi thứ nhất và tỉ lệ này tăng đến 97-99% nếu trẻ được tiêm mũi thứ 2.

Do đó, để phòng bệnh, không chỉ là cách ly, không cho trẻ tiếp xúc với người bệnh mà theo TS. BS Cao Hữu Nghĩa - Trưởng khoa LAM, Viện Pasteur TP.HCM: “Tiêm chủng là cách hiệu quả nhất để phòng ngừa thủy đậu. Vắc-xin có hiệu quả cao và lâu dài sẽ giúp cơ thể trẻ tạo ra kháng thể chống lại virus”. Để tiêm vắc-xin hiệu quả và an toàn nhất, phụ huynh nên cho trẻ tiêm vào ngay thời điểm này - tức là trước mùa dịch khoảng một tháng - bởi vắc xin thủy đậu cần 2-3 tuần để phát huy tác dụng. Bên cạnh đó, việc tiêm chủng sớm cũng giúp cha mẹ tránh được tình trạng khan hiếm vắc xin và chen chúc như trong thời điểm đúng mùa.

Ảnh minh họa: Cho trẻ tiêm ngừa thủy đậu đúng thời điểm để vắc xin đạt hiệu quả cao nhất
Ảnh minh họa: Cho trẻ tiêm ngừa thủy đậu đúng thời điểm để vắc xin đạt hiệu quả cao nhất

Các mũi tiêm thủy đậu được đề nghị như sau: Trẻ từ 12-18 tháng tuổi tiêm một lần; Trẻ từ 19 tháng đến 13 tuổi chưa bị thủy đậu cũng tiêm 1 lần; Trẻ em trên 13 tuổi và người lớn chưa bị thủy đậu thì tiêm 2 lần, nhắc lại cách nhau từ 4-8 tuần. Thời điểm chích ngừa tốt nhất là khi trẻ bắt đầu đi học.

Theo Lao động

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ