Trao đổi thêm với Đất Việt, ngày 16/4, về thông tin, tại cuộc họp sơ kết công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, Giám đốc Sở Công thương Đắk Lắk , ông Phạm Thái -đã đưa ra lời cảnh báo việc thương lái Trung Quốc lũng đoạn thị trường hồ tiêu và nói: "Hiện nay, chúng tôi đang phối hợp với đội ngũ quản lý thị trường, ngành thuế địa phương khuyến cáo cho bà con".
Bên cạnh đó, ông Thái cho biết thêm: "Bây giờ, để đi tìm thương lái Trung Quốc mà ngăn chặn thì cũng không làm được, vì họ toàn đi chung với thương lái người Việt".
Theo ông Thái thì các thương lái đều thu mua hồ tiêu với giá 190.000 đến 195.000 đồng/kg, trong khi giá thị trường chỉ khoảng 180.000 đồng/kg, sau đó xuất sang Trung Quốc bằng đường tiểu ngạch là chủ yếu. Mặt khác, họ cũng thu mua thông qua thương lái Việt Nam.
"Vừa rồi chúng tôi khuyến cáo nên cũng đã ngăn chặn được việc tăng về số lượng thu mua, thậm chí đã giảm mạnh, vì bà con cũng nhận ra những rủi ro, nhiều thương lái bắt đầu ép giá", ông Thái nhấn mạnh.
Tuy nhiên, đây cũng là lần đầu Đắk Lắk gặp phải trường hợp như hiện tại, nhưng nhìn vào hệ quả các tỉnh khác gặp phải, nên tỉnh đã nhanh chóng khuyến cáo ngay.
Bình Định: Dân thấy lợi nhuận cao nên cứ bán
Trong khi đó, liên hệ với một số tỉnh đã từng nhận trái đắng từ việc thương lái Trung Quốc ồ ạt thu mua nông sản giá cao, lãnh đạo các tỉnh đều cho biết là có cảnh báo cụ thể cho người dân.
Chia sẻ với Đất Việt, ông Nguyễn Kim Phương - Giám đốc Sở Công thương tỉnh Bình Định cho biết: "Chúng tôi có cảnh báo, nhưng thấy lợi nhuận, bán được giá cao nên người dân cứ bán, chứ không phải chúng tôi không đưa ra cảnh báo cho bà con".
Đồng tình ý kiến, ông Phan Trọng Hổ - Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Bình Định cũng bày tỏ: "Cái khó cho các nhà quản lý là hiện nay, thương lái TQ không đến mua trực tiếp mà thông qua thương lái của tỉnh nên chúng tôi không biết ai là người thu mua. Nếu chúng tôi biết thì chắc chắn sẽ cảnh báo.
Ví dụ, như hiện nay chúng tôi đang thực hiện chuỗi sản xuất lạc, cũng đã tìm được công ty để liên kết thu mua nguyên liệu, giúp hiệu quả tăng lên 90%, đầu tiên giá bán từ 5000đ/kg tăng lên 9000đ/kg.
Thế nhưng, thời gian gần đây, thương lái vùng khác kết hợp với thương lái TQ trả giá cao, thu mua nhiều, nhằm phá hủy mô hình hiện tại".
Do người dân ham lợi nhuận cao nên khó khăn khi đưa thông điệp cảnh báo |
Theo ông Hổ chia sẻ thì Sở NN&PTNT đã cảnh báo cụ thể cho người dân, không nên bán cho thương lái, biết là giá cao rất tốt, nhưng họ chỉ mua 1 vụ, vụ sau lại không mua nữa, vẫn nên duy trì bán số lượng đều đặn cho công ty đã liên kết.
"Chúng tôi không những đưa ra lời cảnh báo mà còn xuống làm việc với xã, với dân, nhờ Trung tâm khuyến nông xã tuyên truyền cho dân biết. Báo cáo UBND tỉnh dùng các biện pháp mạnh hơn, nhờ công an can thiệp", ông Hổ chia sẻ.
Lấy dẫn chứng thêm, ông Hổ phân tích: "Tiêu biểu như vừa qua dưa hấu ùn tắc ở cửa khẩu không tiêu thụ, đáng buồn là tình trạng này năm nào cũng xảy ra.
Lý do đơn giản là bởi vì, dưa hấu hiện nay đang tăng giá, trước đây, dường như dưa hấu không ai mua, bây giờ tăng lên 4000-5000đ/kg. Tôi gặp trực tiếp nông dân trồng dưa hấu họ nói trồng dưa hấu lãi hơn trồng lúa, thì tội gì không trồng.
Thực ra họ thấy trồng dưa là có lãi, nhưng cái lãi đó là không bền vững, nói chung tất cả sản phẩm nông nghiệp VN đều như vậy. 90% nông sản VN được bán qua TQ, dưới bàn tay điều khiển của TQ. Cuối cùng không làm chủ thị trường, người cuối cùng nhận "trái đắng" lại là bà con nông dân".
Để giải quyết được một phần theo ông Hổ, trách nhiệm thuộc Trung tâm khuyến nông các tỉnh, cần phải xuống làm việc cụ thể với bà con, khuyên bà con nên ký kết bán sản phẩm có hợp đồng, tránh việc thua thiệt.
Bình Thuận: Cảnh báo liên tục
Cũng là một tỉnh gặp trái đắng kh thương lái TQ ồ ạt thu mua bông thanh long, ông Mai Kiều - Giám Đốc Sở NN&PTNT Bình Thuận cho biết: "Tại thời điểm đó, chắc chắn là chúng tôi có khuyến cáo về việc thu hái bông hoa thanh long cho bà con. Chúng tôi khẳng định chỉ có đơn vị Hàm Thuận Bắc thu mua để làm trà thanh long nhưng số lượng vô cùng ít, còn không ai mua nhiều, nên chắc chắn là lừa đảo".
Theo giải thích của ông Kiều thì có một thời gian người dân thu hái tràn lan cũng là do chỉ biết đến lợi nhuận, nên nhà quản lý khó lòng kiểm soát.
Bên cạnh đó, ông Kiều nhấn mạnh: "Hiện nay, hiện tượng này đã chấm dứt, bây giờ chỉ có một số hộ tỉa bớt để bán chứ không còn hái tràn lan.
Tỉnh đã có chủ trương cụ thể, theo thông tin cũng có một số thương lái, tăng giá, giảm giá mua với số lượng cao, nhưng chúng tôi đã chỉ đạo cụ thể để kiểm soát vấn đề này. Thậm chí chúng tôi cảnh báo liên tục.
Vấn đề là người dân thấy cái gì có lợi, ham lợi nhuận thì làm, cho nên ý thức của người dân cũng là vấn đề vô cùng quan trọng".
Quảng Nam: Khuyên dân nên có hợp đồng, tiền đặt cọc
Vào những năm 2012, 2013, nhân dân Quảng Nam cũng lâm vào tình cảnh khốn đốn khi thương lái Trung Quốc không thu mua ớt, sau nhiều tháng trời bỏ công chăm bẵm, ớt để chét trắng đồng.
Chia sẻ về câu chuyện này, ông Ngô Tấn - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Nam cho biết: "Cho đến những tháng đầu năm 2015 hiện tượng này không còn xảy ra, nhưng trước đây, những năm 2012, thương lái thu mua nhiều, chúng tôi cũng đã có cảnh báo, văn bản chỉ đạo, thúc giục mấy đơn vị chuyên ngành xuống tuyên truyền trực tiếp với dân.
Thế nhưng, dân vẫn ồ ạt ký hợp đồng, rồi khi thu hoạch DN Đài Loan bỗng kêu kế hoạch có khó khăn nên bỏ luôn, bỏ cả tiền đặt cọc, trong khi dân tự ký hợp đồng nên không thể can thiệp".
Hiện tại, biện pháp được Quảng Nam áp dụng đó là tuyên truyền cho bà con chỉ nên làm ăn với mối lái, có hợp đồng rõ ràng, có tiền đặt cọc. Luôn luôn cảnh báo, chỉ đạo các phòng nông nghiệp theo dõi, các chi cục chuyên ngành xuống làm việc với dân thường xuyên.