Thuốc kháng Covid-19 vào “đường đua”

GD&TĐ - Tháng 10 vừa qua, hãng dược phẩm Mỹ, Merck và đối tác Ridgeback Biotherapeutics đã nộp đơn đề nghị Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) phê duyệt thuốc kháng virus Covid-19, Molnupiravir.

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Đến ngày 4/11, Cơ quan Quản lý Dược phẩm và Sản phẩm Chăm sóc Sức khỏe (MHRA), Anh, đã phê duyệt sử dụng thuốc này để điều trị cho bệnh nhân mắc Covid-19.

Theo nghiên cứu của Merck, Molnupiravir làm giảm 50% nguy cơ nhập viện và tử vong ở bệnh nhân trưởng thành mắc Covid-19 ở mức độ nhẹ đến trung bình.

Một ngày sau khi Anh trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới phê duyệt sử dụng thuốc kháng Covid-19, hãng dược phẩm Pfizer thông báo đang thử nghiệm thuốc kháng virus Paxlovid. Có khả năng giảm 89% nguy cơ nhập viện và tử vong ở người mắc Covid-19 nặng, Pfizer dự kiến nộp đơn xin phê duyệt sản phẩm lên FDA trong tương lai ngắn.

Molnupiravir và Paxlovid đều hoạt động dựa trên cơ chế giảm khả năng nhân lên của virus trong cơ thể người và kiểm soát tình trạng của bệnh nhân mắc Covid-19. Phương pháp điều trị của Merck và Pfizer, cho đến nay chưa ghi nhận nhiều tác dụng phụ, có thể dùng khoảng 10 liều trong năm ngày.

Nếu được cấp phép rộng rãi, các thuốc kháng Covid-19 có thể là vũ khí song hành cùng vắc-xin bảo vệ nhân loại trước đại dịch. Đối với những quốc gia thu nhập thấp, trung bình, nơi cơ sở hạ tầng và nguồn cung vắc-xin bị hạn chế, việc nhập khẩu, bảo quản và sử dụng thuốc kháng Covid-19 dạng viên sẽ hữu ích và phổ biến hơn.

Thuốc viên dự kiến cũng được người dân trên thế giới đón nhận nhiều hơn so với vắc-xin phòng Covid-19 do nhiều người mắc chứng sợ kim tiêm. Ngoài ra, việc sử dụng thuốc viên ít tốn kém hơn do bệnh nhân có thể uống tại nhà theo đơn của bác sĩ, ít cần đến sự can thiệp của nhân viên y tế.

Theo giới chuyên gia, thuốc kháng Covid-19 có thể giảm bớt gánh nặng cho hệ thống y tế, đồng thời giảm nhu cầu đối với những mặt hàng vốn có nguồn cung hạn chế như máy thở. Nó cũng đảm bảo công bằng trong tiếp cận phương pháp điều trị và phòng tránh Covid-19.

Nhà virus học người Anh, Stephen Griffin, cho biết: “Thành công của những loại thuốc kháng virus sẽ đánh dấu kỷ nguyên mới của nhân loại trong cuộc chiến chống lại đại dịch Covid-19”.

Tuy nhiên, cho đến nay, rất khó để đánh giá đúng phương pháp điều trị của Merck và Pfizer vì cả hai mới công bố những thông tin chung, chưa cung cấp dữ liệu về thử nghiệm thuốc lâm sàng. Bà Karine Lacombe, chuyên gia bệnh truyền nhiễm tại Pháp, cảnh báo những loại thuốc điều trị Covid-19 nên được xử lý một cách thận trọng cho đến khi các nghiên cứu được đánh giá đúng, đủ và kĩ lưỡng.

Ngoài ra, thuốc kháng Covid-19 khó có thể đẩy lùi đại dịch trong thời gian ngắn, một phần do chưa rõ tác động của thuốc đối với biến chủng Delta hiện nay. Ngay cả  Anh, dù đã phê duyệt sử dụng            Molnupiravir, cũng sẽ cần thời gian để nghiên cứu toàn quốc, đặt hàng và triển khai đại trà.

Bên cạnh đó, thuốc kháng virus vẫn còn một số hạn chế như giới hạn thời gian sử dụng hoặc giá thành, mặc dù hãng dược Pfizer cam kết sẽ đưa ra mức giá “phải chăng”, tuân theo phương pháp định giá dựa trên mức thu nhập của từng quốc gia.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.