Thực hư thông tin cây bồ công anh trị được ung thư

Có thông tin cho rằng, chất chiết xuất từ rễ cây bồ công anh Trung Quốc có thể khiến tế bào ung thư bạch huyết "tự chết". Liệu có đúng không?

Thực hư thông tin cây bồ công anh trị được ung thư

Thông tin đang được lan truyền

Các nhà khoa học thuộc Đại học Windsor của Canada đã nghiên cứu và cho rằng: chất chiết xuất từ rễ cây bồ công anh Trung Quốc có thể khiến các tế bào ung thư bạch huyết "tự chết".

Mô tả ảnh.
Cây bồ công anh chứa các viatamin tốt cho mắt và da.

Không chữa được ung thư

Trước khi tiến hành nghiên cứu này, đã có 2 bệnh nhân bị ung thư máu cải thiện được sức khỏe của mình sau 1 thời gian uống trà bồ công anh. Dựa trên cơ sở thực tế đó, tiến sĩ S.Pandey đã tiến hành thử nghiệm dùng chiết xuất rễ cây bồ công anh điều trị cho những người mắc ung thư bạch cầu.

Kết quả nghiên cứu cho thấy, những tế bào ung thư bạch cầu đã tự chết trong vòng 24h. Đồng thời, nghiên cứu còn chỉ ra rằng, dùng rễ bồ công anh tốt hơn nhiều so với hóa trị, vì nó chỉ phá hủy hoàn toàn tế bào ung thư mà không làm ảnh hưởng gì đến những tế bào bình thường.

Ngay sau khi thông tin này được đăng tải, nhiều bệnh nhân bị ung thư và người nhà có người thân mắc bệnh này đổ xô đi tìm kiếm cây bồ công anh. Thậm chí, có những bệnh nhân bị ung thư xin ra viện về nhà tìm kiếm cây bồ công anh để hi vọng có thêm cơ hội sống, thoát khỏi căn bệnh quái ác này.

Bác sĩ Phạm Xuân Dũng - Phó Giám đốc Bệnh viện Ung bướu TP.HCM cho biết, để đưa ra một nghiên cứu về loại thuốc chỉ định dùng cho người, các nhà nghiên cứu phải mất cả chục năm, thậm chí không chỉ một trung tâm mà rất nhiều trung tâm cùng tham gia vào nghiên cứu để tìm ra biệt dược đó. Nhất là đối với thuốc điều trị ung thư.

Bác sĩ Dũng cho biết, trong thực tế, có một số bài thuốc có công dụng bồi bổ, hỗ trợ trong điều trị cho rất nhiều loại bệnh, chứ không riêng gì về bệnh ung thư. Nhưng đối với bệnh ung thư, một số thuốc mặc dù có công dụng bồi bổ, nhưng chính nó sẽ kích hoạt tế bào ung thư.

Những tế bào này lâu nay nằm im trong cơ thể, khi gặp những tác dụng ấy sẽ làm cho bệnh bộc phát, thêm trầm trọng. Chính vì vậy, trong lúc đang chữa trị ung thư với Tây y, nếu có muốn dùng thêm thuốc Đông y thì người bệnh cần tham khảo ý kiến của bác sĩ điều trị.

Đối với những thông tin trên, bác sĩ Dũng cho rằng có thể sự việc được thổi lên gấp 5 – 10 lần so với thực tế. Để có cái nhìn khách quan hơn về tác dụng của cây thảo dược này trong điều trị ung thư, cần có các nghiên cứu cụ thể và đối với thuốc sử dụng cho người cần phải có thời gian chờ đợi thử nghiệm.

Thạc sĩ Phạm Thị Việt Hương - Bệnh viện K Hà Nội cho biết thực tế một số loại thuốc trị ung thư có nguồn gốc từ thực vật nhưng không phải chỉ lấy cây nấu nước uống là có thể điều trị ung thư. Để ra được một viên thuốc trong điều trị ung thư, các nhà nghiên cứu về dược mất nhiều thời gian và thậm chí có thể lên đến cả tấn cây đó mới cho ra một viên thuốc. Ví dụ như cây dừa cạn.

Về thông tin cây bồ công anh chữa bệnh ung thư, giáo sư Nguyễn Anh Trí – Viện trưởng Viện Huyết học truyền máu Trung ương cho biết ông chưa bao giờ nghe thông tin về điều trị ung thư bằng cây bồ công anh này.

Theo giáo sư Trí, từ thời ông học Y5 (sinh viên năm thứ 5 trường đại học Y) ông có nghe thầy giáo nói về cây bồ công anh nhưng chỉ là loại cây thanh nhiệt, chữa mụn nhọt. Trong đông y, người ta hay nhầm u nhọt với ung thư, đặc biệt là ung thư máu. Khi nói về tác dụng của cây bồ công anh tiêu diệt tế bào ung thư bạch cầu trong 24 giờ, giáo sư Trí khẳng định chưa có biện pháp nào trên thế giới có thể trị tế bào ung thư trong vòng 24h.

Bồ công anh: Chỉ có chức năng thanh nhiệt

Trao đổi với chúng tôi, Thạc sĩ Vũ Quốc Trung- Phòng khám đông y Chùa Cảm Ứng, Hà Nội cho biết cây bồ công anh không thể trị ung thư. Cây bồ công anh mọc hoang tại nhiều tỉnh miền Bắc nước ta. Thường nhân dân ta dùng lá làm thuốc, lá hái về dùng tươi hay phơi hoặc sấy khô dùng dần.

Khi làm thuốc có thể dùng riêng hoặc phối hợp với các vị thuốc khác. Loại cây này còn có tên là rau bồ cóc, diếp dại, mũi mác, rau bao; thường mọc hoang ở nhiều nơi. Theo y học cổ truyền, bồ công anh vị đắng ngọt, tính lạnh, có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, tiêu thũng, chữa các bệnh mụn nhọt, lở loét, viêm dạ dày – tá tràng, viêm gan, viêm họng..

Ngoài ra, các cụ xưa thường lấy câu này để chữa viêm tuyến vú, tắc tia sữa: Phụ nữ sau khi sinh bị viêm tuyến vú gây đau nhức dữ dội, dùng lá sắc lấy nước uống. Bồ công anh có tính thanh nhiệt nên có thể dùng để chữa mụn nhọt, ghẻ lở, các bệnh ngoài da, giúp làn da tươi sáng, trẻ hóa, ngừa ung thư nhờ tác dụng tăng cường thải độc cho gan.

Trong cây bồ công anh, đặc biệt là rễ của cây chứa nhiều khoáng chất vi lượng như sodium, calcium, magne, potassium, đặc biệt là nguyên tố vi lượng sắt (cao hơn cả rau dền đỏ và rau muống). Trong lá và thân cây bồ công anh còn chứa các viatamin tốt cho mắt và da như vitamin A, hỗ trợ xương như vitamin B6, B1. So với rau ngót và cam, lượng vitamin C trong bồ công anh đạt tỷ lệ 49%/mg.

Bác sĩ Trung cho biết trước đây cũng có một số nước như Trung Quốc, Sigapore từng xôn xao một vài bài thuốc đông y có chữa được ung thư như cây bán chỉ liên, bách hoa xà thiệt thảo, cần sen. Thực chất bài thuốc trên chỉ có tác dụng chính yếu là thanh nhiệt, giải độc, chữa ung nhọt... chứ không thể chữa hết được ung thư như nhiều người đồn thổi. Nhiều người nhầm lẫn giữa ung nhọt và ung thư.

Thực tế một số bài thuốc cổ phương, cổ truyền có công dụng với những ung bướu trong thời kỳ đầu, hoặc dùng để hỗ trợ sau phẫu thuật, hay trong lúc xạ trị, hóa trị chữa ung thư, nhằm nâng thể trạng, sức đề kháng, giúp kéo dài thêm thời gian sống của người bệnh. Chứ đã xác định ung thư ở giai đoạn muộn, có di căn... cả Đông và Tây y không ai dám nói chữa hết được bệnh.

Theo phunutoday

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Rosemarie Dehesa thường đăng video về việc cô ăn nhiều loại thực phẩm. Ảnh: Rosemarie Martin Dehesa/CNN

Lo ngại trước xu hướng mukbang

GD&TĐ - Từ 'mukbang' bắt nguồn từ sự kết hợp của các từ tiếng Hàn 'meokda', có nghĩa là ăn, và 'bangsong', có nghĩa là phát sóng.

Giới trẻ Trung Quốc bình thường hóa ly hôn như hẹn hò. Ảnh: Edition.cnn.com

Bùng nổ chụp ảnh... ly hôn

GD&TĐ - Nếu tỷ lệ kết hôn ở Trung Quốc đang ngày càng giảm mạnh thì tỷ lệ ly hôn lại gia tăng nhanh.