Kinh tế đất nước đang chuyển biến đúng hướng |
(GD&TĐ) - Ngày 23/12, tại Hà Nội đã khai mạc Hội nghị trực tuyến của Chính phủ với các địa phương triển khai Nghị quyết của Quốc hội về nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2014. Hội nghị do Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chủ trì, diễn ra trong hai ngày 23 – 24/12.
Kinh tế - xã hội chuyển biến đúng hướng
Báo cáo kiểm điểm công tác chỉ đạo, điều hành năm 2013 của Chính phủ tại Hội nghị nêu rõ: Công tác chỉ đạo, điều hành bám sát mục tiêu, nhiệm vụ của năm theo Nghị quyết của Trung ương Đảng, Quốc hội. Và ngay từ đầu năm 2013, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã sớm cụ thể hóa bằng văn bản chỉ đạo, điều hành cụ thể, trong đó xuyên suốt là Nghị quyết số 01 và Nghị quyết số 02.
Với sự nỗ lực phấn đấu của cả hệ thống chính trị, tình hình kinh tế - xã hội năm 2013 chuyển biến đúng hướng và cơ bản thực hiện được mục tiêu tổng quát. Các nhóm giải pháp đề ra từ đầu năm được thực hiện có kết quả tích cực.
Về thực hiện Quy chế làm việc, Chính phủ, các thành viên Chính phủ thực hiện đúng Quy chế làm việc của Chính phủ, bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng, tuân thủ các quy định của pháp luật. Chương trình công tác năm thể hiện chi tiết đến từng Bộ, cơ quan; tiến độ được cụ thể đến từng tháng, từng quý; có sự phân công cụ thể từ Thủ tướng, Phó Thủ tướng, các thành viên Chính phủ đến đơn vị chuẩn bị.
Các thành viên Chính phủ tham gia tích cực vào việc giải quyết công việc chung của tập thể Chính phủ. Việc phối hợp công tác, trao đổi thông tin giữa các thành viên Chính phủ được tăng cường, quan hệ công tác giữa Chính phủ, các Bộ, cơ quan với HĐND, UBND cấp tỉnh gắn kết chặt chẽ.
Ngoài ra, công tác phối hợp giữa Chính phủ với MTTQ Việt Nam và cơ quan Trung ương của các tổ chức chính trị - xã hội được thực hiện hiệu quả theo Quy chế phối hợp, góp phần phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị.
Kiên định các mục tiêu kinh tế - xã hội
Báo cáo Dự thảo Nghị quyết về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo, điều hành thực hiện Kế hoạch phát triển KT - XH và dự toán NSNN năm 2014 được trình bày tại Hội nghị đã nêu rõ mục tiêu tổng quát của Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2014 đã được Quốc hội thông qua là: Tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát; tăng trưởng hợp lý và nâng cao chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế trên cơ sở đẩy mạnh thực hiện 3 đột phá chiến lược gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, tái cơ cấu kinh tế.
Đảm bảo an sinh xã hội và phúc lợi xã hội, cải thiện đời sống nhân dân. Sử dụng hợp lý và có hiệu quả tài nguyên, bảo vệ môi trường và chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu. Đẩy mạnh cải cách hành chính và phòng chống tham nhũng, lãng phí; cải thiện môi trường kinh doanh. Bảo đảm quốc phòng và an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Mở rộng và nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế…
Để thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ đề ra trong các Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2014, Chính phủ yêu cầu các Bộ, cơ quan, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tập trung chỉ đạo điều hành, tổ chức thực hiện đồng bộ, hiệu quả các nhóm nhiệm vụ, giải pháp.
Một trong số đó là tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát. Trong đó tập trung thực hiện chính sách tiền tệ linh hoạt, hiệu quả; thực hiện chính sách tài khóa chặt chẽ, triệt để tiết kiệm; phát triển trị trường, bảo đảm cân đối cung cầu hàng hóa; tăng cường kiểm soát thị trường, giá cả; đẩy mạnh xuất khẩu, kiểm soát nhập khẩu...
Sau khi nghe các báo cáo này, lãnh đạo các địa phương đã tiến thành thảo luận, trao đổi từng vấn đề cụ thể, sẽ thảo luận về các vấn đề kinh tế - xã hội; lãnh đạo các Bộ, ngành cũng đã có những ý kiến thảo luận đồng thời trao đổi, giải đáp các kiến nghị của địa phương. Trong ngày hôm nay 24/12, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng sẽ phát biểu kết luận Hội nghị.
Các chỉ tiêu chủ yếu được Chính phủ đề ra cho năm 2014 là: Phấn đấu đạt tốc độ tăng tổng sản phẩm trong nước (GDP) khoảng 5,8%; kim ngạch xuất khẩu tăng khoảng 10%; tỷ lệ nhập siêu khoảng 6% kim ngạch xuất khẩu; tốc độ tăng giá tiêu dùng (CPI) khoảng 7%; tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội khoảng 30% GDP; tỷ lệ hộ nghèo giảm 1,7 - 2%, riêng các huyện nghèo giảm 4%; tạo việc làm cho khoảng 1,6 triệu lao động... |
Đặng Giang