Năm học 2020-2021, Trường Tiểu học Đội Bình, huyện Ứng Hòa (Hà Nội) có 132 HS lớp 1, được chia làm 4 lớp. Bắt nhịp với chương trình, SGK lớp 1 mới, ngay từ những ngày đầu, tuần đầu, thầy trò nhà trường đã sẵn sàng tâm thế và chuẩn bị các điều kiện thuận lợi về cơ sở vật chất, đội ngũ cũng như tâm lý cho GV-HS và PHHS.
Tuy nhiên, theo thầy Nguyễn Xuân Trường - Hiệu trưởng nhà trường, thời gian đầu, đội ngũ GV dạy lớp 1 gặp không ít khó khăn, còn lúng túng khi triển khai dạy chương trình mới. Mặc dù chương trình mới có tính phân hóa tốt nhưng khi thực hiện một số GV không hiểu hết được tính phân hóa của chương trình mà mang tất cả kiến thức vào dạy đại trà, dẫn tới quá tải cho HS, khiến PHHS lo lắng. Đặc biệt là khi dạy môn tiếng Việt.
Trước phản ánh của PHHS và qua thực tế dự giờ các tiết dạy, BGH nhà trường đã nhanh chóng chia sẻ với GV để tìm biện pháp tháo gỡ, cùng GV linh hoạt hơn trong dạy học chương trình mới, trong đó quan tâm đến thay đổi nhận thức của GV về yêu cầu đổi mới.
Thầy Bình chia sẻ: Sau một thời gian vừa dạy, vừa tháo gỡ những vướng mắc, lúng túng của GV, giải tỏa áp lực cho PHHS để PHHS cùng vào cuộc với nhà trường trong hướng dẫn HS bắt nhịp với chương trình mới thì kết quả dạy và học lớp 1 mới đã có những chuyển biến tích cực. Năng lực, phẩm chất của HS được phát huy phù hợp với đặc điểm của mỗi em; HS tiếp thu kiến thức nhanh hơn, thạo hơn.
Bước vào học kỳ II, Trường Tiểu học Đội Bình tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được để triển khai chương trình mới đạt yêu cầu đề ra. “Quan trọng nhất là tiếp tục nâng cao nhận thức của GV về mục tiêu của chương trình, SGK mới là phát huy năng lực, phẩm chất của HS; từ đó GV tự tin hơn khi vận dụng phương pháp mới, không “ngại” sáng tạo trong tổ chức dạy học, xây dựng kế hoạch dạy học phù hợp với điều kiện, làm sao để học sinh đạt được chuẩn đầu ra”- Thầy Bình nhận định.
Cũng như vậy, 169 HS lớp 1 của Trường Tiểu học Văn Võ, huyện Chương Mỹ, Hà Nội đã bắt nhịp với chương trình, SGK mới sau 1 học kỳ triển khai.
Cô Nguyễn Thị Hằng - Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Thời gian đầu triển khai chương trình mới, GV và HS đều bỡ ngỡ do chưa có thời gian làm quen trước khi chính thức bước vào năm học. Trong quá trình dạy học, GV còn lúng túng khi có một số kiến thức chưa phù hợp với đặc thù địa phương; chương trình cũng yêu cầu GV phải có sự vận dụng linh hoạt, sáng tạo để chuyển tải đến HS theo mục tiêu phát triển năng lực, phẩm chất…
BGH nhà trường đã tạo mọi điều kiện để GV chủ động tổ chức dạy học, thay đổi ngữ liệu phù hợp trong một số bài học (qua sự thống nhất trao đổi giữa tổ chuyên môn) để dạy học đảm bảo nội dung kiến thức cơ bản cho HS.