Thực hiện Chương trình SGK mới: Chủ động lựa chọn đội ngũ giáo viên

Thực hiện Chương trình SGK mới: Chủ động lựa chọn đội ngũ giáo viên

Lựa chọn kỹ giáo viên lớp 1

Cô Lô Thị Hòa là giáo viên Trường Tiểu học Hương Tiến (xã Ngọc Lâm, Thanh Chương, Nghệ An) kể từ khi ngôi trường được thành lập dành cho con em tái định cư thủy điện Bản Vẽ.

Với kiến thức chuyên môn vững, có kinh nghiệm và hiểu tâm lý học sinh, cô Lô Thị Hòa cũng là 1 trong 7 giáo viên được Trường Tiểu học Hương Tiến chọn đi tập huấn dạy học sách giáo khoa mới. Thầy Nguyễn Viết Hùng – Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hương Tiến cho biết: Trường có 7 giáo viên lớp 1 hoàn thành chương trình tập huấn sách giáo khoa mới do Sở GD&ĐT tổ chức. Tuy nhiên, thời gian đó trường chưa lựa chọn và quyết định bộ sách giáo khoa nào. Vì thế, giáo viên chủ yếu được tập huấn về Chương trình GD phổ thông 2018, tiếp cận phương pháp dạy học mới, bảo đảm chuẩn kiến thức, kỹ năng người học.

Sau các đợt tập huấn, ngoài duy trì trao đổi chuyên môn, tiếp nhận tài liệu, bài giảng mẫu qua tài khoản được cấp, cán bộ giáo viên tại Nghệ An còn thành lập các nhóm trên mạng xã hội: Nhóm Cán bộ quản lý; Bồi dưỡng giáo viên cốt cán; Giáo viên tiểu học... Tại đây, mọi người cùng nhau tư vấn, tháo gỡ thắc mắc về chuyên môn, phương pháp dạy học. Nếu vấn đề nào vượt quá thẩm quyền, khả năng giải đáp, ban quản trị nhóm sẽ tập hợp lại và gửi email trao đổi với giảng viên.

Theo kế hoạch phổ cập, năm học tới Trường Tiểu học Thông Thụ 1 (huyện Quế Phong, Nghệ An) có 4 lớp 1, tuy nhiên, trường vẫn cử 6 giáo viên tham gia tập huấn. Các giáo viên này cũng được nhà trường lựa chọn kỹ theo tiêu chí: Vững chuyên môn, có kinh nghiệm dạy lớp 1, không nằm trong diện luân chuyển và độ tuổi còn trẻ. Mục đích để nắm bắt cái mới nhanh, ứng dụng công nghệ thông tin vào dạy học và có thời gian gắn bó lâu dài với nhà trường. Ngoài ra, trường còn cử thêm 1 phó hiệu trưởng “dự thính” tập huấn dù nằm ngoài danh sách. “Như vậy, khi triển khai dạy học, cán bộ quản lý mới có thể góp ý, chỉ đạo chuyên môn sâu sát cho giáo viên”, thầy Tăng Xuân Sơn – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Thông Thụ 1 lý giải.

Tiếp tục tập huấn sử dụng SGK

Đầu tháng 5, hơn 500 trường tiểu học Nghệ An đã hoàn tất lựa chọn sách giáo khoa lớp 1. Dù mỗi trường được tự quyết định, song hầu hết đều chọn bộ sách Kết nối tri thức và cuộc sống cho các môn học của chương trình lớp 1. Riêng môn Tiếng Việt có sự phân hóa giữa các vùng miền. Nhiều huyện miền núi chọn sách Vì sự bình đẳng và dân chủ trong giáo dục, trong khi các địa phương thuộc thành thị và đồng bằng lại chọn bộ sách Cánh diều.

Ông Kha Văn Lập – Trưởng phòng GD&ĐT huyện Tương Dương cho biết: “Bộ sách Vì sự bình đẳng và dân chủ trong giáo dục dễ tiếp cận và học sinh thấy được sự bình đẳng giữa các vùng miền, các dân tộc trong cả nước. Ở bộ sách này, ngay từ bài học đầu tiên, chúng tôi thấy đơn giản, dễ hiểu, tạo hứng thú cho học sinh. Điều này hết sức quan trọng vì đặc thù học sinh dân tộc thiểu số và hằng năm việc vận động học sinh đến trường rất khó khăn…”.

Ngay sau khi công bố sách giáo khoa, nhiều trường học tại Nghệ An đã họp tổ chuyên môn, soạn giáo án, bài giảng mẫu để dạy thử nghiệm. Tại Trường Tiểu học Đội Cung (TP Vinh, Nghệ An), các giáo viên lớp 1 cơ bản thuần thục về phương pháp, khung chương trình và đang hoàn thiện kỹ năng cho từng bài giảng cụ thể. Hiện trường đã triển khai dạy thể nghiệm một số tiết học theo sách giáo khoa đã chọn. Giáo viên ở khối lớp khác đóng vai học sinh và tiến hành góp ý, trao đổi.

Trường Tiểu học Thông Thụ 1 (huyện Quế Phong, Nghệ An) dự kiến dạy thử nghiệm trên đối tượng các cháu mầm non 5 tuổi. Tuy nhiên, do việc dạy học gián đoạn, nhà trường đang tập trung hoàn thành kiến thức năm học cho học sinh các khối. Về phía trường mầm non cũng dành thời gian để trang bị các kỹ năng như nhận biết con số, mặt chữ… cho trẻ trước khi vào lớp 1. Vì thế, việc dạy thể nghiệm dự kiến sẽ lùi tới 15/7. Giáo viên cũng được chuẩn bị tâm lý, sẵn sàng sinh hoạt chuyên môn trong hè để kịp cho năm học mới.

Ông Đào Công Lợi – Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Nghệ An cho biết: “Sau khi hoàn thành chọn sách, Sở thống kê và báo với các nhà xuất bản để sớm phân phối sách giáo khoa lớp 1 về cho các trường. Đồng thời tiếp tục tập huấn cho giáo viên và các nhà trường trong việc sử dụng sách trước và trong năm học 2020 - 2021. Giáo viên cũng sẽ có một thời gian để dạy thử và làm quen với sách giáo khoa mới trước khi chính thức đưa vào sử dụng trong năm học tới”.

Việc sử dụng cùng lúc nhiều bộ sách giáo khoa không ảnh hưởng đến việc tổ chức dạy học cũng như các hoạt động chuyên môn khác. Vì sách giáo khoa không phải là pháp lệnh, chỉ là tài liệu dạy học. Khung chương trình với chuẩn kiến thức kỹ năng mới là pháp lệnh. Vì vậy, dù học sách nào cũng trang bị cho học sinh đạt chuẩn đầu ra lớp học, cấp học đúng theo quy định. - Ông Đào Công Lợi 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ