"Mỗi bữa cơm, bố mẹ tôi ăn như cực hình. Tôi cảm thấy ông bà gần như không nuốt trôi được mấy, thậm chí còn căng thẳng khi con cái thúc ép", chị Thảo (TP.HCM) than thở. Thực tế nhiều người bị chán ăn, không ngon miệng, ăn nhiều hơn một chút lại thấy khó tiêu khi bước sang cột mốc tuổi 50. Các bệnh mạn tính (tim mạch, huyết áp...) viếng thăm cũng khiến người ngoài ngũ tuần giảm hứng thú ăn uống, phải kiêng khem khổ sở.
Theo bác sĩ Lưu Ngân Tâm - Trưởng khoa Dinh dưỡng, Bệnh viện Chợ Rẫy, người chuẩn bị bữa ăn hàng ngày cho bậc cao tuổi có vai trò quan trọng. Con cháu cần đa dạng bữa ăn hàng ngày, chế biến nhiều món ăn và tạo không khí vui vẻ để tăng khẩu vị cho ông bà, cha mẹ. Đồng thời, phải hiểu được giá trị dinh dưỡng và đong đếm vừa lượng các nhóm thực phẩm khác nhau.
Sưãlà nguồn bổ sung đạm chất lượng cao và canxi dễ hấp thu lại dễ uống cho người cao tuổi. Ảnh: Shuttertock.
Người cao tuổi cần ăn uống đủ chất và lượng. Ăn quá ít sẽ dẫn đến tình trạng duy dinh dưỡng, giảm sức đề kháng, cơ thể mệt mỏi. Nạp thừa năng lượng lại tiềm ẩn nhiều nguy cơ bệnh tật. Trung bình mỗi bữa chỉ nên ăn một chén cơm lưng, thịt cá nạc, 80-100g đậu hủ, 100-120g rau củ. Lượng trái cây cả ngày vào khoảng 200-300g.
Từ tuổi 50 trở đi, cơ thể bắt đầu giảm khối cơ, tăng khối mỡ và loãng xương. Việc bổ sung canxi, vitamin D sẽ giúp giảm chứng đau xương khớp, đi lại khó khăn. Bác sĩ Tâm khuyên người trên 50 tuổi nên ăn luôn xương các loại cá nhỏ (cá cơm, cá lòng tong…) hoặc cá biển (cá trích, cá thu...). Sữa với công thức dinh dưỡng cân đối cũng là nguồn bổ sung đạm chất lượng cao và canxi dễ hấp thu lại dễ uống.
Thực đơn hàng ngày nên ít tinh bột và đường; đủ đạm và canxi; giàu chất xơ và vitamin.Khẩu phần ăn cần tránh thực phẩm chứa nhiều chất béo bão hòa, cholesterol (mỡ động vật, nội tạng, dầu dừa), chất béo chuyển đổi (thức ăn nhanh, đồ chiên dầu cũ), đồ mặn (mắm, cá khô, thịt xông khói, dưa muối...). Thay vào đó nên ăn nhiều rau củ, trái cây ít ngọt để tăng lượng chất xơ.