Thừa Thiên - Huế: Truy quét mạnh “tín dụng đen”

GD&TĐ - Len lỏi vào mọi ngóc ngách, từ thành thị tới nông thôn, từ miền xuôi lên miền ngược; đa dạng trong các gói vay, từ vài triệu tới hàng trăm triệu đồng; thủ tục lại nhanh gọn, đơn giản, “vòi bạch tuộc” tín dụng đen đang vươn dài, gây ra nhiều hệ lụy cho người dân, xã hội.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Len lỏi về vùng sâu, vùng xa

Tình trạng cho vay nặng lãi, tín dụng đen đã xảy ra từ nhiều năm nay, gần đây bùng phát dữ dội. Đáng lưu ý, tín dụng đen không chỉ có thành thị mà còn tràn đến ở nông thôn, vùng sâu vùng xa, khắp hang cùng ngõ hẻm với các tờ rơi quảng cáo kiểu “alô là có tiền”.

Anh Lê Văn M. ở xã Phong Xuân, huyện Phong Điền, tỉnh TT-Huế từng vướng vào tín dụng đen, cho biết: “Do túng tiền nên khi thấy tờ rơi cho vay trả góp, tôi đã làm thủ tục để vay 20 triệu đồng. Sau đó, một nhân viên đến giải thích, thỏa thuận cách cho vay và nói lãi suất 25%. Tôi đồng ý thì họ tiến hành làm hợp đồng một cách nhanh chóng”. Từ đây anh Minh bắt đầu “lún”...

“Đây là sai lầm chết người vì một khi đã vướng vào tín dụng đen thì lãi mẹ đẻ lãi con. Từ đó tôi phải làm nhiều việc để cơ cấu món vay cũng như tính vay tiếp ngân hàng khác để trả nợ ngoài”- Anh Minh, tâm sự.

Anh Minh chỉ là một trong những trường hợp điển hình. Về phía người dân, có nhiều con đường để họ vướng vào tín dụng đen và khi vướng vào thì khó có thể thoát ra. 

Một thực tế tại các địa phương cho thấy, hình thức tín dụng đen vẫn còn tồn tại là do sự hấp dẫn bởi mức lãi suất huy động cao. Bên cạnh đó, những người vay cần vốn trong điều kiện nhất định, nhưng họ không đủ điều kiện tiếp cận ngân hàng, buộc họ phải tìm đến tín dụng đen bởi thủ tục rất đơn giản, nhanh chóng. 

Tìm hiểu vấn đề này, chúng tôi liên hệ với một số điện thoại trên tờ quảng cáo và được người cho vay tên P., tư vấn: “Tham gia vay trả góp, người vay thường chịu lãi suất từ 10% - 15%/tháng hoặc có thể cao hơn tùy thuộc vào mức lãi do bên cho vay quy định. Việc hoàn trả vốn được tính thời hạn bằng tháng; trường hợp người vay không hoàn trả đúng thời hạn thì tiền lãi sẽ được cộng lũy kế vào tiền gốc để tính lãi phát sinh trong thời gian tiếp theo”.

Hiện nay, dọc theo các tuyến đường giao thông liên thôn, liên xã; nhiều ngóc ngách tại các đường quê, ngõ xóm xuất hiện những tờ rơi, mẫu giấy quảng cáo cho vay trả góp với nội dung hấp dẫn như: thủ tục đơn giản; giải ngân trong ngày; không thế chấp; không phụ phí... Người có nhu cầu vay chỉ cần có các loại giấy tờ như: chứng minh nhân dân, sổ hộ khẩu, giấy đăng ký xe máy chính chủ.Với nội dung quảng cáo hấp dẫn, nhiều người cho rằng dịch vụ vay trả góp vừa nhanh gọn, vừa đơn giản bởi không cần thế chấp tài sản vẫn vay được tiền. Thế nhưng, sự thật không như vậy, bởi người vay thường chịu mức lãi suất cao, khó có thể trả hết nợ bởi “lãi mẹ đẻ lãi con”.

“Tín dụng đen” núp bóng

Một hình thức tín dụng đen được dán ở các trụ điện ven đường
Một hình thức tín dụng đen được dán ở các trụ điện ven đường 

Hoạt động “tín dụng đen” thường ẩn nấp dưới hình thức đăng ký thành lập doanh nghiệp kinh doanh trên một số lĩnh vực như: Cầm đồ, mua bán, cho thuê xe ô tô, xe máy nhưng để làm bình phong, thực chất chỉ hoạt động cho vay tiền lãi suất cao. Các đối tượng này thường tổ chức hoạt động bảo kê, đòi nợ, đòi nợ thuê trái pháp luật khi người vay tiền không trả đúng hẹn... là điệu kiện để tín dụng đen núp bóng.

Khi cho vay sẽ thỏa thuận bằng miệng về số tiền vay, lãi suất. Sau đó hợp thức hóa bằng giấy mượn tiền không lãi suất hoặc hợp đồng thuê xe ô tô, xe máy… nên gây khó khăn trong công tác phát hiện, điều tra, xử lý.

Mới đây tại tỉnh TT-Huế, người dân địa phương nức lòng khi Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP Huế đã lập chuyên án, đấu tranh, bắt giữ một nhóm cho vay theo hình thức tín dụng đen. Tất cả đối tượng trong nhóm cho vay lãi nặng này đều từ các tỉnh phía bắc đến Huế thuê nhà ở để hoạt động. Ðối tượng Nguyễn Ðắc Hải Anh, SN 1999, có nhà ở Hà Nội khai nhận, đã hoạt động từ năm 2018. Mỗi lần có người vay 10 triệu đồng trong hai tháng thì cắt mỗi ngày 200 nghìn đồng tiền lãi. Ngoài ra, còn tính phí đi lại thẩm định 500 nghìn đồng/lần vay. Trong hơn một năm hoạt động, nhóm này đã thu lãi khoảng hai tỷ đồng.

Quản lý chặt chẽ đối tượng
Đoàn viên thanh niên ra quân dọn dẹp tờ rơi quảng cáo
Đoàn viên thanh niên ra quân dọn dẹp tờ rơi quảng cáo  

Thời gian qua, công tác phòng chống hoạt động tín dụng đen được chính quyền các cấp đặc biệt quan tâm; đã kịp thời chỉ đạo các cơ quan, đơn vị chức năng tổ chức thực hiện tốt các biện pháp phòng ngừa, mở các đợt cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm nên trên địa bàn huyện chưa xảy ra tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động tín dụng đen.

Lực lượng Công an đã tiến hành gọi hỏi răn đe, cho cam đoan cam kết các đối tượng cầm đồ và cho vay trên địa bàn không vi phạm pháp luật. Tổ chức giáo dục pháp luật cho các đối tượng liên quan đến cho vay, có biểu hiện đòi nợ trái pháp luật. Tổ chức các buổi họp dân tuyên truyền pháp luật liên quan đến công tác phòng ngừa tội phạm, đồng thời lồng ghép truyên truyền sâu rộng về thủ đoạn hoạt động, hệ lụy từ việc vay tiền và cách ứng phó của người dân đối với các đối tượng hoạt động tín dụng đen”.

Theo Chủ tịch UBND huyện Phong Điền Trịnh Đức Hùng:“Thời gian qua, lực lượng công an huyện Phong Điền đã tiến hành rà soát, lập danh sách, thu thập các tài liệu liên quan đến các đối tượng hoạt động tín dụng đen. Qua rà soát trên địa bàn huyện có 98 đối tượng liên quan, trong đó: 49 đối tượng cho vay nóng; 25 đối tượng đối tượng là chủ hụi cho vay nóng; 10 đối tượng đối tượng cầm đồ và cho vay nóng; 14 đối tượng đối tượng có biểu hiện tham gia đòi nợ trái pháp luật”.

Để đảm bảo an toàn và kiên quyết đẩy lùi “tín dụng đen” diễn ra trên địa bàn, Công an đã lập hồ sơ nghiệp vụ để quản lý chặt chẽ đối với đối tượng hoạt động liên quan đến “tín dụng đen”; thường xuyên rà soát các đối tượng nổi lên liên quan đến hoạt động tín dụng đen, trong đó chú trọng các đối tượng ngoài địa phương đến lưu trú hoạt động “tín dụng đen”. 

Công an huyện Phong Điền cho biết: “Công an huyện đã tiến hành gọi hỏi răn đe, cho cam đoan cam kết 10 đối tượng cầm đồ và cho vay trên địa bàn huyện không vi phạm pháp luật. Tổ chức giáo dục pháp luật cho 34 đối tượng liên quan đến cho vay, có biểu hiện đòi nợ trái pháp luật. Tổ chức 23 buổi họp dân tuyên truyền pháp luật liên quan đến công tác phòng ngừa tội phạm, đồng thời lồng ghép truyên truyền sâu rộng về thủ đoạn hoạt động, hệ lụy từ việc vay tiền và cách ứng phó của người dân đối với các đối tượng hoạt động tín dụng đen”.

Tại huyện Phong Điền, UBND các xã, thị trấn đã phối hợp với lực lượng đoàn viên thông qua “Ngày Chủ nhật xanh” tiến hành dọn dẹp, bóc dở các tờ rơi, quảng cáo cho vay không thế chấp trên các bờ tường, cột điện, hàng rào,…. 

Lực lượng công an chủ trì, phối hợp các đơn vị tổng kiểm tra đột xuất các cơ sở kinh doanh liên quan đến “tín dụng đen”, cho vay lãi nặng, phát hiện vi phạm, kiến nghị thu hồi giấy phép kinh doanh, xử phạt hành chính hoặc điều tra, truy tố; tổ chức trấn áp mạnh các loại tội phạm, nhất là tội phạm cho vay nặng lãi; tăng cường công tác điều tra, truy tố, xét xử các loại tội phạm liên quan đến “tín dụng đen”. Đồng thời tổ chức xét xử lưu động tại các địa bàn phức tạp về tình hình tội phạm liên quan đến “tín dụng đen” để răn đe, phòng ngừa chung; các cơ quan, ban, ngành, địa phương kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các nhóm, đối tượng hoạt động “tín dụng đen”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ