Thừa Thiên - Huế kết luận nguyên nhân cá chết bất thường

GD&TĐ - Chiều 26/4, Sở Tài nguyên và Môi trường Thừa Thiên - Huế đã có báo cáo về hiện tượng cá chết bất thường ở khu vực đầm phá và vùng ven biển của tỉnh. 

 Cá vẩu biển trôi vào bờ biển thôn Bình An 2 xã Lộc Vĩnh sáng 26/4
Cá vẩu biển trôi vào bờ biển thôn Bình An 2 xã Lộc Vĩnh sáng 26/4
Sở Tài Nguyên và Môi trường Thừa Thiên - Huế xác định: "Nguyên nhân cá biển, cá nuôi chết không phải do dịch bệnh mà do một tác nhân cực mạnh - chất độc trong môi trường nước dẫn đến sự cố cá chết hàng loạt tại tỉnh Thừa Thiên - Huế".

Kết quả này cũng chỉ ra rằng nguyên nhân cá biển, cá nuôi chết không phải do dịch bệnh mà do một tác nhân cực mạnh - chất độc trong môi trường nước - xuất hiện từ phía bắc của tỉnh Thừa Thiên - Huế

Đơn vị khảo sát đã lấy 9 mẫu nước mặt và 7 mẫu trầm tích tại khu vực đầm Lập An, huyện Phú Lộc, vùng ven bờ xã Quảng Công, huyện Quảng Điền và các xã Điền Hương, Điền Hải, huyện Phong Điền để phân tích, đánh giá các thông số về môi trường theo Quy chuẩn Việt Nam.

Sau khi phân tích mẫu nước biển, Sở Tài nguyên và Môi trường Thừa Thiên - Huế xác định nguyên nhân cá chết là do độc tố trong nước cực mạnh

Kết quả bước đầu cho thấy các thông số về tổng hàm lượng nitơ tính theo amoni (NH4+-N), hàm lượng kim loại nặng crôm (Cr) vượt giới hạn cho phép theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước biển cũng như quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước mặt.

Các hàng cá tại Huế rất ế ẩm vì rất ít người mua
Các hàng cá tại Huế rất ế ẩm vì rất ít  người mua 

Ngoài ra Sở Tài nguyên và Môi trường đã có công văn yêu cầu các địa phương bị sự cố cá chết khẩn trương thu gom và xử lý theo quy định, không được để cá chết gây ô nhiễm môi trường, đồng thời thống kê thiệt hại trong hoạt động nuôi trồng và đánh bắt cũng như các hoạt động kinh tế liên quan của địa phương.

Tính đến ngày 26/4, tại vùng biển Thừa Thiên - Huế  hiện tượng cá chết trôi dạt vào bờ hầu như giảm hẳn và không phát sinh thêm các địa phương ven biển có hiện tượng cá biển chết.  

Cụ thể vào khoảng 8 giờ 30 sáng 24/6, ở khu vực bờ biển thôn Bình An 2 xã Lộc Vĩnh huyện Phú Lộc người dân tiếp tục phát hiện một con cá vẩu biển nặng khoảng 35 kg  đã bị chết trôi dạt vào bờ. Sau đó con cá này đã được ngư dân địa phương vớt lên để đem đi chôn.

Ông Lê Công Minh - Chủ tịch UBND xã Lộc Vĩnh (huyện Phú Lộc) - xác nhận: "Đây lần đâu tiên loại cá vẩu biển có trọng lượng lớn trôi dạt vào bờ biển gần gần khu vực cảng  Chân Mây. Loại cá này từ ngoài biển Đông trôi dạt vào. Chứ vùng biển Chân Mây qua địa bàn xã Lộc Vĩnh hoàn toàn không có loại cá này".

Trong lúc đó tình trạng cá biển không bán được đang diễn ra dai dẳng từ nhiều ngày nay khiến cuộc sống của người dân Huế buộc phải thay đổi khẩu vị trong mỗi bữa ăn hàng ngày. Nhiều quầy hàng bán hải sản ở những chợ vùng biển như Thuận An (Thị trấn Thuận An), chợ Bình An xã Lộc Vĩnh hay những chợ lớn của TP Huế  như Đông Ba, Bến Ngự, An Cựu... đều lâm vào cảnh ế ấm.

Chị Huỳnh Thị Lợi - tiểu thương bán cá ngừ và hải sản ở chợ An Cựu - buồn bã nói: "Từ khi sáng tới trưa ni tui mổ con cá thu rồi đến cá ngừ to, nhìn tươi rói mà mời mỏi miệng cũng chẳng ai mua. Người đi chợ họ cứ nhìn, hỏi có mua không thì lắc đầu. Trước đây mỗi ngày bán gần 20 kg cá thu, cá ngừ. Chừ ngồi phất quạt, mỏi rã cả tay để đuổi ruồi mà không ai hỏi mua".

Do tâm lý lo sợ ăn cá biển vào nhiễm độc nên hầu như nhà nào tại TP Huế cũng tích trữ rau sạch và  trứng để ăn thay thế cá. Do đó giá rau sạch ngoài thị trường cũng tăng cao. Trung bình giá rau lang, rau muống, bí đau tăng từ 3-5.000/1 kg so với những ngày cá chưa chết.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ