Thư viện sáng tạo từ nguồn xã hội hóa

GD&TĐ - "Thư viện tuy không rộng rãi, khang trang, đầy đủ trang thiết bị nhưng đây là công sức, sự sáng tạo của thầy, cô giáo và cả phụ huynh, đồng nghiệp trên địa bàn huyện ủng hộ, giúp đỡ...” - cô giáo Nguyễn Thị Phương, Hiệu trưởng Trường Tiểu học xã Trung Đồng (huyện Tân Uyên, Lai Châu) chia sẻ.

Thư viện sáng tạo từ nguồn xã hội hóa

Ngôi trường nào cũng đều mang một dấu ấn riêng và Trường Tiểu học Trung Đồng cũng vậy. Nhìn tổng thể, trường có không gian khiêm tốn nhưng trực tiếp thăm thư viện chúng tôi thật ấn tượng và khâm phục ý tưởng, sáng tạo của các thầy, cô. Khác với không gian trang trí rộng rãi, với đủ các kệ sách, trò chơi trí tuệ bày kín như ở nhiều trường học trong và ngoài huyện thì thư viện này lại mang đến cảm giác ấm cúng và thân thiện.

Căn phòng rộng chưa đến 15m, không có những bộ bàn ghế dài, tròn đủ loại, chỉ có những tấm thảm xốp lót dày trên nền sàn nhà. Cô Phương nhấn mạnh: “Đây là phòng học chưa dùng đến nên chúng tôi xin ý kiến Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện chuyển đổi mục đích sử dụng sang thành phòng thư viện để các em có chỗ đọc sách, giải trí sau giờ học.

Hiển nhiên, nhà trường phải tự chủ kinh phí sửa chữa. Thật may mắn, với sự ủng hộ từ giáo viên, phụ huynh và học sinh, đồng nghiệp ở các trường trong huyện, thư viện đã được hoàn thành”.

Thư viện được các thầy, cô giáo Trường Tiểu học Trung Đồng sắp xếp sáng tạo, ngăn nắp.  

Sự giúp đỡ đầu tiên nhà trường nhận được chính là giáo viên dạy mỹ thuật ở các trường trong huyện phụ giúp trang trí tường. Với nhiều ý tưởng thiết kế tương đồng, các bức tường đã sinh động hơn với mô tip tranh theo chủ đề truyện cổ tích sinh động và nổi bật.

Tường được tô, sửa xong, thầy, cô lại tất bật với những mảnh gỗ gom nhặt được đóng kệ để sách, truyện. Trong không gian nhỏ chỉ đủ sức chứa 15 - 20 học sinh (mỗi lớp thay phiên trong tuần vào thư viện), có em ngồi dựa vào góc tường cổ tích, có vài ba em chụm đầu nhau trên chiếc bàn mây đọc sách hay vài em chơi cá ngựa, cờ vua … khuôn mặt ánh lên niềm vui khó tả.

Ai từng đến thăm ngôi trường này hẳn sẽ ngạc nhiên trước nhiều sáng tạo của thầy, cô. Ngoài phòng thư viện trong nhà, sân trường cũng có tới hai “thư viện”. Đó là những khu vực được dựng mái che (nguồn xã hội hóa) bất kể mùa hè hay mùa đông, học sinh đều có thể ra ngồi đọc sách, học bài, vẽ tranh…

Theo Báo Lai Châu

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.