Thủ tướng Phạm Minh Chính – Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 chủ trì Phiên họp lần thứ 17 của Ban Chỉ đạo. Ảnh: VGP/Nhật Bắc. |
Sáng 13/9, Thủ tướng Phạm Minh Chính – Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 chủ trì Phiên họp lần thứ 17 của Ban Chỉ đạo.
Tham dự phiên họp tại điểm cầu trụ sở Chính phủ có các đồng chí: Đỗ Văn Chiến, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; Vũ Đức Đam, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ; lãnh đạo các bộ, ban, ngành, cơ quan Trung ương.
Lãnh đạo các địa phương tham dự phiên họp được kết nối trực tuyến đến các điểm cầu 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Tại phiên họp, các đại biểu tập trung thảo luận về tình hình và các nhiệm vụ, giải pháp để đẩy nhanh hơn nữa công tác tiêm chủng vắc xin hiện vẫn chưa đạt mục tiêu đề ra; khắc phục tình trạng thiếu thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế; bảo đảm nhân lực y tế; tăng cường tuyên truyền, nâng cao hơn nữa ý thức phòng, chống dịch của nhân dân…
Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết, dịch bệnh dự báo còn diễn biến khó lường trên thế giới trong thời gian tới. Ảnh: VGP/Nhật Bắc. |
Báo cáo của Bộ Y tế và các ý kiến tại phiên họp đánh giá thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 liên tục có các chỉ đạo tăng cường thực hiện quyết liệt công tác phòng, chống dịch Covid-19. Các bộ, ngành, địa phương tiếp tục tăng cường chỉ đạo, hướng dẫn, tổ chức triển khai thực hiện các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Quốc gia về công tác phòng, chống dịch Covid-19.
Sau gần 1 năm thực hiện Nghị quyết 128/NQ-CP của Chính phủ về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh Covid-19, thực tế đã khẳng định chủ trương đúng đắn của Đảng và Nghị quyết 128/NQ-CP đóng vai trò quyết định với những kết quả trong công tác phòng, chống dịch, phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội thời gian qua. Chúng ta đã đạt kết quả khá toàn diện trên các lĩnh vực, các tổ chức quốc tế đánh giá tích cực về tình hình, triển vọng của Việt Nam. Đặc biệt, Nikkei đánh giá Việt Nam đứng thứ 2 thế giới về chỉ số phục hồi Covid-19.
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn phát biểu tại phiên họp. Ảnh: VGP/Nhật Bắc. |
Tuy nhiên, theo Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan, dịch bệnh dự báo còn diễn biến khó lường trên thế giới trong thời gian tới. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đánh giá thế giới vẫn đang trong giai đoạn đại dịch và cảnh báo về những biến thể mới của SARS-CoV-2 có thể làm cho dịch Covid-19 trở nên phức tạp và gia tăng trở lại; vắc xin vẫn là biện pháp quan trọng trong phòng, chống dịch Covid-19.
Tại Việt Nam, dịch bệnh vẫn đang được kiểm soát nhưng so với tháng 7/2022, tháng 8/2022 ghi nhận 72.324 ca mắc (tăng 2,4 lần), 24 ca tử vong (tăng 18 ca). Trong nước đã ghi nhận các trường hợp nhiễm biến thể phụ BA.4, BA.5, BA.2.74 trong cộng đồng, nhất là biến thể phụ BA.5 đang tiến tới chiếm ưu thế trong số các ca mắc.
Trong 7 ngày qua (5/9-11/9/2022) cả nước ghi nhận trung bình khoảng 2.900 ca mắc mới mỗi ngày (ngày 7/9 ghi nhận 3.878 ca, cao nhất trong gần 4 tháng qua). Số ca mắc mới, số ca nặng, ca tử vong có xu hướng tăng (so với tháng 7, trong tháng 8, số ca nhập viện tăng 330%, số ca nặng, nguy kịch cần thở oxy tăng 316%). Có 35% ca nặng, tử vong thuộc các trường hợp chưa tiêm hoặc chưa tiêm đủ vaccine.
Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến nhận định chúng ta vẫn kiểm soát được dịch bệnh theo Nghị quyết 128 của Chính phủ, tạo điều kiện cho phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội đạt nhiều kết quả tích cực. Ông nhất trí cao với yêu cầu của Thủ tướng về tiếp tục đẩy mạnh tiêm vắc xin – đây là biện pháp hiệu quả nhất, vũ khí quan trọng nhất để phòng, chống dịch, tăng cường truyền thông, vận động người dân tiêm vắc xin và thực hiện các biện pháp phòng chống dịch, tuyệt đối không chủ quan, lơ là.
"Ai không làm thì đứng sang một bên cho người khác làm"
Phát biểu kết luận phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh trong 8 tháng qua, chúng ta đã đạt kết quả khá toàn diện trên các lĩnh vực là nhờ sự lãnh đạo đúng đắn, sâu sát, kịp thời của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, trực tiếp, thường xuyên là Bộ Chính trị, Ban Bí thư, đứng đầu là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng; sự đồng hành, hỗ trợ, phối hợp chặt chẽ của Quốc hội, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị; sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt, có trọng tâm, trọng điểm của Chính phủ, các cấp, các ngành, các địa phương; sự đồng tình, ủng hộ và tham gia tích cực của cộng đồng doanh nghiệp, nhân dân cả nước; sự hỗ trợ, giúp đỡ hiệu quả của bạn bè quốc tế. Trong các thành tựu chung của đất nước, có đóng góp của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 các cấp.
Thủ tướng đánh giá dịch bệnh vẫn được kiểm soát nhưng tình hình vẫn diễn biến phức tạp, khó lường do virus liên tục thích ứng, tiến hóa với các biến chủng mới, hiệu lực bảo vệ của vắc xin suy giảm theo thời gian, các điều kiện để virus phát triển như thời tiết, khí hậu tiếp tục có nhiều thay đổi… Các loại dịch bệnh mới phát sinh, các bệnh thông thường, dịch bệnh theo mùa… gây nguy cơ dịch chồng dịch. Trong khi đó, sau khi dịch bệnh được kiểm soát, đã xuất hiện tâm lý lơ là, chủ quan với dịch bệnh.
Đặc biệt nhấn mạnh yêu cầu tiêm vắc xin theo tinh thần phòng bệnh hơn chữa bệnh, Thủ tướng yêu cầu phải quán triệt, thấm nhuần, tuyệt đối không được quên "bài học xương máu" khi chúng ta chưa tiếp cận được vắc xin do vắc xin khan hiếm trên toàn cầu, chưa có nhiều kinh nghiệm phòng, chống dịch, năng lực y tế hạn chế, chúng ta buộc phải dùng các biện pháp hành chính để chống dịch, vừa lúng túng, bị động, vất vả, vừa nhiều mất mát, hy sinh, vừa ảnh hưởng tới các hoạt động kinh tế, xã hội.
Đồng chí Đỗ Văn Chiến, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phát biểu tại phiên họp. Ảnh: VGP/Nhật Bắc. |
Thủ tướng yêu cầu tiếp tục quán triệt mục tiêu đặt tính mạng, sức khỏe người dân lên trên hết, trước hết; người dân là trung tâm, là chủ thể trong phòng, chống dịch; phòng dịch từ sớm, từ xa, từ cơ sở; đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng để tiêm vắc xin; thực hiện đồng bộ các giải pháp để bảo đảm an ninh, trật tự an toàn, an sinh xã hội, phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
Thủ tướng giao Bộ Y tế bám sát tình hình, rà soát, cập nhật các biện pháp phòng, chống dịch, tăng cường kiểm tra, đôn đốc công tác phòng chống dịch, tinh thần là không để dịch bùng phát trở lại, cơ quan, đơn vị nào để dịch bùng phát trở lại do nguyên nhân chủ quan thì phải chịu trách nhiệm trước Đảng, Nhà nước và nhân dân về những chủ quan, sơ hở, yếu kém của mình.
Bộ Y tế tiếp tục rà soát, tập trung chỉ đạo thực hiện quyết liệt việc tiêm vaccine bảo đảm an toàn, khoa học, hiệu quả; cùng các cơ quan đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân tích cực tham gia tiêm vắc xin; khẩn trương nghiên cứu, đề xuất sửa đổi quy định về tiêm chủng để bảo vệ sức khỏe, tính mạng người dân trên tinh thần bám sát thực tiễn, tôn trọng thực tiễn, xuất phát từ thực tiễn, lấy thực tiễn làm thước đo.
Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương phát biểu. Ảnh: VGP/Nhật Bắc. |
Thủ tướng ghi nhận, biểu dương các địa phương có tỉ lệ tiêm cao và nhắc nhở các địa phương có tỉ lệ tiêm chủng thấp theo số liệu cập nhật đến hiện nay, đồng thời giao Bộ Y tế, Bộ Công an, Bộ Thông tin và Truyền thông, các địa phương, các cơ quan, đơn vị liên quan chuẩn hóa số liệu về tiêm chủng vắc xin trên nền tảng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Theo số liệu cập nhật tới nay, Thủ tướng biểu dương các địa phương: Nghệ An, Bắc Giang, Thanh Hóa, Bến Tre, Quảng Ninh (đạt tỉ lệ tiêm mũi 3 cho người từ 18 tuổi trở lên cao nhất); Tiền Giang, Bà Rịa-Vũng Tàu, Quảng Bình, Điện Biên, Bắc Kạn (đạt tỉ lệ tiêm mũi 4 cao nhất); Bắc Giang, Sóc Trăng, Quảng Ninh, Kon Tum, Lâm Đồng (đạt tỉ lệ tiêm mũi 3 cho trẻ từ 12 đến dưới 18 tuổi cao nhất); Sóc Trăng, Bắc Giang, Hậu Giang, Cà Mau, Vĩnh Long (đạt tỉ lệ tiêm mũi 2 cho cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi cao nhất).
Thủ tướng ghi nhận, biểu dương các địa phương có tỉ lệ tiêm cao và nhắc nhở các địa phương có tỉ lệ tiêm chủng thấp theo số liệu cập nhật đến hiện nay. Ảnh: VGP/Nhật Bắc. |
Đồng thời, Thủ tướng nêu rõ và yêu cầu các tỉnh, thành phố có tỉ lệ tiêm chủng thấp nghiêm túc rà soát, làm rõ nguyên nhân, kiểm điểm trách nhiệm trong việc chưa hoàn thành việc tiêm vắc xin, khẩn trương có biện pháp khắc phục.
Bộ Y tế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiếp tục chỉ đạo bảo đảm đủ thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế, thực hiện nghiêm các nhiệm vụ, giải pháp theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 778/CĐ-TTg ngày 5/9/2022, khắc phục bằng được, sớm chấm dứt tình trạng thiếu thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế cho hoạt động khám chữa bệnh, đặc biệt là cho phòng, chống dịch Covid-19, sẵn sàng cho trường hợp dịch diễn biến phức tạp.
Thủ tướng giao Bộ Y tế bám sát tình hình, rà soát, cập nhật các biện pháp phòng chống dịch, tăng cường kiểm tra, đôn đốc công tác phòng chống dịch, tinh thần là không để dịch bùng phát trở lại. Ảnh: VGP/Nhật Bắc. |
Bộ Y tế khẩn trương tiếp thu ý kiến các thành viên Chính phủ, hoàn chỉnh và trình ban hành Nghị quyết của Chính phủ về bảo đảm thuốc, trang thiết bị, thanh toán chi phí khám chữa bệnh bảo hiểm y tế. Đồng thời, các bộ, ngành, địa phương phát huy tinh thần trách nhiệm cao nhất của các tổ chức, cá nhân trong công việc đấu thầu, mua sắm thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế.
"Cương quyết, dứt khoát không vì thủ tục hành chính, vì vướng mắc quy định, vì thiếu trách nhiệm mà để thiếu thuốc, sinh phẩm, vật tư y tế kéo dài. Ai làm sai thì phải xử lý, kỷ luật nhưng không để vì xử lý, kỷ luật mà để ảnh hưởng tới việc bảo vệ sức khỏe, tính mạng người dân. Ai không làm thì đứng sang một bên cho người khác làm. Nếu việc mua sắm "đủng đỉnh" thì không thể đáp ứng yêu cầu bảo vệ tính mạng, sức khỏe người dân tính bằng giờ, bằng phút", Thủ tướng nói.
Các Bộ: Y tế, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính khẩn trương tháo gỡ các vướng mắc thể chế về đấu thầu, mua sắm, nhất là về đấu thầu, mua sắm tập trung, sửa đổi ngay các thông tư để tạo hành lang pháp lý thuận lợi, rõ ràng, minh bạch cho việc mua sắm. Đồng thời, kiên quyết phòng chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí trong công tác này.
Bộ Y tế chỉ đạo, hướng dẫn; UBND tỉnh, thành phố khẩn trương rà soát, kiện toàn, nâng cao năng lực y tế cơ sở, y tế dự phòng trên địa bàn, sẵn sàng nhân lực, vật tư bảo đảm ứng phó kịp thời, tại chỗ, sẵn sàng cho mọi tình huống dịch bệnh có thể xảy ra.
Bộ Giáo dục và Đào tạo, ngành giáo dục phối hợp chặt chẽ với ngành y tế chuẩn bị đầy đủ các điều kiện để chủ động phòng, chống và ứng phó hiệu quả với dịch bệnh; đẩy mạnh hơn nữa công tác tiêm vắc xin để hoàn thành kế hoạch tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 cho trẻ em, học sinh; triển khai các giải pháp bảo đảm an toàn trường học.
Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội phối hợp với các cơ quan, địa phương rà soát, quyết liệt triển khai các chế độ, chính sách hỗ trợ các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, quyết không bỏ sót lọt đối tượng nào, nhất là những người khó khăn, người yếu thế và đặc biệt là các cháu mồ côi do dịch bệnh. "Đất nước còn khó khăn nhưng chúng ta vẫn dành ngân sách để lo cho người dân bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, có tiền mà không tiêu được là có lỗi với dân", Thủ tướng nêu rõ.
Để thúc đẩy mạnh hơn nữa phục hồi và phát triển du lịch – ngành kinh tế mũi nhọn, Thủ tướng yêu cầu vừa làm tốt công tác phòng, chống dịch trong ngành du lịch, vừa làm tốt công tác xúc tiến, quảng bá, vừa nghiên cứu chính sách cấp thị thực nhập cảnh phù hợp theo hướng mở rộng hơn để thu hút du khách quốc tế cùng các biện pháp quản lý hiệu quả.