Thủ tướng Nhật mong muốn gì trong chuyến công du Đông Nam Á?

Thủ tướng Nhật mong muốn gì trong chuyến công du Đông Nam Á?

(GD&TĐ) – Lần trước khi làm Thủ tướng Nhật, ông Shinzo Abe đã có chuyến thăm đầu tiên tới Trung Quốc. 7 năm sau khi trở lại vị trí này, vào thời điểm quan hệ với Bắc Kinh có căng thẳng, Thủ tướng Nhật đã  thực hiện chuyến công du nước ngoài đầu tiên sau khi nhậm chức  với điểm đến là các nước có nền kinh tế đang lên ở khu vực Đông Nam Á.

Ông Abe mong muốn các nước này giúp cân bằng lại sức mạnh kinh tế và quân sự đang lên của Trung Quốc vào thời điểm mà Nhật Bản cần có thêm nhiều nguồn lực cho nền kinh tế bị suy giảm của mình và đang xem xét liệu có phát triển thêm nền quân sự của nước nhà để nó trở nên mạnh mẽ hơn hay không.

Bắc Kinh cũng đang tìm kiếm những cơ hội đầu tư, giao thương mới và các nguồn vật liệu thô trong khu vực. Tuy nhiên, nước này cũng có xung đột với các nước ở đây vì tranh chấp lãnh thổ ở biển Đông, cũng như với Nhật Bản về nhóm đảo ở Đông Hải.

“Nhật Bản đang cố gắng củng cố các mối quan hệ với những nước khác trong khu vực và tăng cường thế mạnh thương lượng trước khi nói chuyện với Trung Quốc” – giáo sư Narushige Michishita của Viện Graduate ở Nhật Bản cho biết.

Ông Abe đã hy vọng sẽ đến Washington trước tiên vào thời điểm Đảng Dân chủ tự do (LDP) của ông thắng lớn trong cuộc bầu cử tháng trước, để tăng cường quan hệ với liên minh chính của Nhật, nhưng vì TT Obama quá bận rộn nên Thủ tướng Nhật tới thăm các nước Đông Nam Á trước.

Các công ty Nhật Bản đã sẵn sàng xem Đông Nam Á là một sự lựa chọn để đầu tư thay thế cho Trung Quốc sau khi tranh chấp đảo với Bắc Kinh trở nên căng thẳng vào năm ngoái, gây ra những cuộc biểu tình ở Trung Quốc làm ảnh hưởng tới thương mại.

Thủ tướng Abe nói rõ rằng việc hợp nhất của ASEAN vào năm 2015  nhằm tạo nên một khối có các nền kinh tế kết hợp trị giá 2 nghìn tỉ USD và dân số 600 triệu, là một sự hấp dẫn đối với nền kinh tế Nhật đang bị giảm phát trong hàng thập kỷ và dân số đang già đi nhanh chóng. Tuy nhiên, ông cũng muốn đi xa hơn các mối quan hệ kinh tế và mở rộng mối quan hệ trong lĩnh vực an ninh. Dự kiến ông sẽ có một bài phát biểu tại Jakarta, Indonesia.

 Japan’s Prime Minister Shinzo Abe speaks during a news conference at his official residence in Tokyo January 11, 2013
Thủ tướng Nhật Shinzo Abe phát biểu trong một cuộc họp báo ở Tokyo ngày 11.1.2013 

Tìm kiếm những giá trị chung

Với mục đích thúc mở rộng thêm “vòng cung tự do và thịnh vượng” của châu Á vốn đã được củng cố trong chính sách ngoại giao ở nhiệm kỳ đầu tiên làm thủ tướng của ông Abe, nhà lãnh đạo Nhật Bản cũng mong muốn có quan hệ chặt chẽ hơn với các nước có cùng chung sự dân chủ và các giá trị khác.

“Con đường của Nhật Bản kể từ khi chấm dứt Thế chiến thứ 2 đã bảo vệ vững chắc dân chủ, các quyền cơ bản của con người và nhấn mạnh vào quy định của luật pháp” – ông Abe nói trên đài truyền hình NHK – “Tôi muốn nhấn mạnh vào tầm quan trọng của việc tăng cường quan hệ với các nước có cùng chung những giá trị đó”.

Một vấn đề có thể nổi lên là “Bộ quy tắc ứng xử” trên biển mà Mỹ đã thúc giục Trung Quốc và các nước hàng xóm của Trung Quốc ở Đông Nam Á nhất trí để tiến tới giảm căng thẳng.

“Nhật Bản muốn đóng một vai trò trách nhiệm, có ý nghĩa hơn không chỉ vì sự thịnh vượng mà còn vì sự ổn định tại khu vực này trên thế giới, đặc biệt là ở vùng biển” – ông Kunihiko Miyake, một nhà cựu ngoại giao thân cận với ông Abe; hiện làm giám đốc tại Viện nghiên cứu toàn cầu Canon, cho biết - “Có khả năng chúng tôi sẽ hợp tác với Đông Nam Á trong một Bộ Quy tắc ứng xử mở rộng hơn ở vùng biển để tránh những xung đột không cần thiết và không dự tính trước”.

Thủ tướng Abe đã nhắc lại rằng ông mong muốn cải thiện mối quan hệ với Bắc Kinh mặc dù ông có quan điểm dứt khoát về vấn đề tranh chấp đảo. Tuy nhiên, một số người cho rằng cách nói này có thể khiêu khích Trung Quốc và gây lo lắng cho các nước Đông Nam Á đang có các mối quan hệ ngày càng liên quan tới Trung Quốc.

Ưu tiên kinh tế

Ông Abe sẽ cần phải khẳng định với các nước chủ nhà trong chuyến viếng thăm này rằng ông sẽ không để cho tranh chấp đảo với Trung Quốc mất kiểm soát cho dù ông có quan điểm cứng rắn về vấn đề này. “các nước trong khu vực sẽ muốn tập trung nhiều hơn vào phát triển kinh tế hơn là thấy cuộc xung đột trên” – Damrong Kraikuan - Giám đốc Phòng các vấn đề Đông Á của Bộ Ngoại giao Thái Lan cho biết – “Vấn đề biển Đông sẽ không được nêu bật trong chuyến thăm của ông Abe tới Bangkok. Thái Lan sẽ chú ý những điều Nhật Bản nói, chúng tôi sẽ lắng nghe, nhưng chúng tôi cũng phải xem xét các nước khác nữa để phát triển”.

Nhật Bản vẫn có sự ảnh hưởng lớn về kinh tế ở châu Á vì Nhật là nguồn đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn nhất tại đây, sau liên minh châu Âu và gần gấp 3 so với Trung Quốc.

Ở Việt Nam, Nhật cam kết đầu tư 4,9 tỉ USD trong 10 tháng đầu tiên của năm ngoái, gần gấp đôi so với toàn bộ năm 2011. Tại Thái  Lan, từ tháng 1 đến tháng 9 năm ngoái, đầu tư nước ngoài gần gấp 3 tới khoảng 8,1 tỉ USD. Tại Indonesia, đầu tư trực tiếp năm ngoái được xem là tới mức kỷ lục.

Nhật Bản là đối tác kinh tế lớn thứ 2 của châu Á, chỉ sau Trung Quốc – theo con số của ASEAN.

Chính phủ non trẻ của ông Abe đã nỗ lực cải thiện những mối quan hệ trong khu vực. Ông đã cử Bộ trưởng Ngoại giao của mình tới Brunei, Singpapore, Australia và Philippines vào năm ngoái.

Phương Hà (Theo Reuters)

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ