Theo Văn phòng Chính phủ, số văn bản nợ đọng và văn bản quy định chi tiết các luật có hiệu lực từ 1/7 tới còn thiếu, phải ban hành là 30 văn bản. Trong đó, 26 văn bản đã trình Thủ tướng Chính phủ. Về các Nghị định quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh quy định chi tiết Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư, thì cần ban hành 50 Nghị định. Đến thời điểm này đã có 49 Nghị định đang trình Chính phủ.
Tổng hợp kiến nghị của các doanh nghiệp, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đề nghị các cơ quan chức năng khi ban hành các quy định chi tiết, thì “thà bỏ sót còn hơn siết chặt”, để tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân. Bên cạnh đó, những quy định nếu còn băn khoăn giữa tiền kiểm và hậu kiểm thì nên chuyển sang hậu kiểm. Đồng thời, những quy định nào băn khoăn xem có nên quy định hay để thị trường tự điều chỉnh thì nên để tự doanh nghiệp hoặc người dân tự điều chỉnh.
Phát biểu tại phiên họp, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, với quan điểm Chính phủ kiến tạo thì công tác xây dựng thể chế rất quan trọng trong bối cảnh phải xây dựng, ban hành các văn bản quy định chi tiết các luật, pháp lệnh đã có hiệu lực và sẽ có hiệu lực từ ngày 1/7/2016, nhất là các văn bản thi hành Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp.
“Với tinh thần tạo điều kiện cho người dân, doanh nghiệp, chúng ta kiên quyết xóa cho được lợi ích nhóm chi phối chính sách”, Thủ tướng nhấn mạnh và cho rằng, bên cạnh đó, vấn đề đặt ra là có những việc Nhà nước cần quản lý thông qua thể chế, chính sách. “Không thể bỏ qua các mặt trái của kinh tế thị trường mà Nhà nước cần quản lý, không thể buông hết bởi sẽ dễ bị lạm dụng”.
Cho rằng, Nhà nước pháp quyền không có nghĩa là xây dựng thật nhiều văn bản quy phạm pháp luật mà quan trọng là chất lượng văn bản đó như thế nào, Thủ tướng nêu rõ, không phải chạy theo số lượng mà là chất lượng văn bản, làm sao tạo cơ chế quản lý tốt nhất, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân, doanh nghiệp, tạo động lực phát triển mới, thực hiện cho được mục tiêu phát triển doanh nghiệp thời gian tới. Đồng thời, Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần không sao chép y nguyên thông tư cũ, điều kiện cũ sang nghị định mới.
Thủ tướng hoan nghênh Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và các cơ quan đoàn thể, Mặt trận Tổ quốc, các nhà đầu tư, doanh nghiệp đã quan tâm, đóng góp nhiều ý kiến trong quá trình xây dựng các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thực thi Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp.
Nhấn mạnh việc lắng nghe một cách thấu đáo các ý kiến, Thủ tướng cho rằng, việc lấy ý kiến một lần nữa đối với các văn bản chuẩn bị ban hành là rất quan trọng để tạo ra thể chế tốt nhất. Thủ tướng lưu ý cách thức làm việc của phiên họp Chính phủ chuyên đề xây dựng pháp luật lần này là nêu các vấn đề mà các bộ, ngành còn có ý kiến khác nhau, từ đó, thảo luận, tìm ra phương pháp tiếp cận tốt hơn nữa.