(GD&TĐ) - Sáng 21-10, ĐHQG TP.HCM đã long trọng tổ chức Lễ khai khoá năm học 2012 - 2013 và Khánh thành ký túc xá(KTX) sinh viên ĐHQG TP.HCM. Buổi lễ có sự tham dự của Uỷ viên Bộ Chính Trị, Thủ tướng Chính Phủ Nguyễn Tấn Dũng, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành Uỷ TP.HCM ông Lê Thanh Hải, lãnh đạo các Bộ GD-ĐT, Bộ Xây dựng, Bộ KH&CN, Bộ Tài Nguyên Môi trường, cùng lãnh đạo các bộ, ban ngành, đoàn thể Trung ương và địa phương.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tặng quà lưu niệm cho Giám đốc Trường ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh |
Báo cáo Thủ tướng Chính Phủ tại Lễ khai khoá, PGS.TS Phan Thanh Bình, giám đốc ĐHQG TP.HCM cho biết: ĐHQG TP.HCM đã trải qua 17 năm vừa tìm tòi vừa xây dựng mô hình ĐH tiên tiến, tiếp cận được với mô hình ĐH quốc tế, đi tiên phong và giữ vai trò nòng cốt trong nền giáo dục ĐH của cả nước, như định hướng chỉ đạo của Đảng và Nhà nước khi thành lập ĐHQG, đến nay có thể hoàn toàn tin tưởng rằng đã ổn định mô hình.
Đó là mô hình một hệ thống các trường ĐH, các viện nghiên cứu và chuyển giao công nghệ đa ngành, đa lĩnh vực chất lượng cao. Trong mô hình đó, ĐHQG TP.HCM chịu trách nhiệm về chiến lược phát triển, đưa ra các quyết sách chung về phương hướng, đường lối cho toàn hệ thống. Các trường, viện thành viên, với định hướng trường ĐH nghiên cứu, đột phá theo thế mạnh riêng của từng đơn vị trong thế tương tác, hỗ trợ lẫn nhau.
Hiện nay, ĐHQG TP.HCM đã trở thành trung tâm đào tạo, NCKH và chuyển giao công nghệ đa ngành trên các lãnh vực khoa học tự nhiên, khoa học XHNV, khoa học kỹ thuật, khoa học kinh tế và khoa học sức khoẻ. ĐHQG TP.HCM đang phấn đấu trở thành hệ thống các trường ĐH hàng đầu của Việt Nam và hội nhập bình đẳng vào hệ thống GDĐH thế giới.
Các đại biểu tham dự Lễ khai khóa Trường ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh |
Phát biểu tại buổi Lễ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã ghi nhận những đóng góp của ĐHQG TP.HCM trong việc phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho xã hội, cũng như đã hoàn thành rất tốt sứ mệnh mà Đảng và Chính phủ giao phó khi đã và đang trở thành một trung tâm đào tạo, nghiên cứu khoa học hàng đầu.
Thủ tướng Chính phủ cũng lưu ý, bước sang giai đoạn phát triển mới, thế giới đang chuyển mạnh từ kinh tế tài nguyên sang kinh tế tri thức, việc sáng tạo và ứng dụng tri thức đóng vai trò quyết định, tạo ra của cải vật chất, trở thành động lực chủ yếu của sự tăng trưởng kinh tế và tạo lợi thế cạnh tranh, hơn bao giờ hết giáo dục đào tạo ngày càng có vai trò đặc biệt quan trọng.
Đặc biệt, nhằm thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ mà Đại hội XI của Đảng đề ra, xây dựng Việt Nam cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020 và đề ra chủ trương đổi mới cơ bản, toàn diện giáo dục, đào tạo, dạy nghề…
Trong bối cảnh đó, với tư cách là một trung tâm ĐH lớn, có truyền thống trong hệ thống giáo dục ĐH cả nước, Thủ tướng yêu cầu ĐHQG TP.HCM cần phải nỗ lực và phát triển nhanh hơn nữa, đáp ứng được yêu cầu của một trung tâm đào tạo, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ đa ngành, đa lĩnh vực chất lượng cao như định hướng chiến lược của Đảng và Chính Phủ: đi đầu trong việc thực hiện chủ trương đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục quốc dân.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tiếp xúc cử tri ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh |
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chỉ đạo trong tương lai ĐHQG TP.HCM cần phải làm tốt 6 nhiệm vụ trọng tâm sau:
Một là: Đẩy mạnh việc hoàn thiện đào tạo theo tín chỉ, tăng cường kiểm định chất lượng và ứng dụng các phương pháp giảng dạy hiện đại, giáo trình mở. Toàn bộ các chương trình đào tạo của ĐHQG TP.HCM phải đạt mức cao so với chuẩn quốc gia, một số chương trình đào tạo đạt chuẩn khu vực và quốc tế.
Hai là, triển khai các dự án quốc tế mang tính chất đa ngành, quy mô lớn trên cơ sở thế mạnh của trường. Đẩy mạnh các ngành mũi nhọn, mang tính chiến lược như: CNTT và vi mạch, Công nghệ vật liệu, Công nghệ cơ-điện tử và tự động hoá, Công nghệ sinh học, Công nghệ Nano…
Thứ ba, ĐHQG TP.HCM là ĐH trọng điểm do vậy càng phải đặc biệt chú trọng nâng cao chất lượng đào tạo, phải thực sự tạo ra được một cuộc cách mạng về chất lượng GDĐH.
Điểm thứ 4 theo yêu cầu của Thủ tướng, ĐHQG TP.HCM phải tăng cường hơn nữa công tác đào tạo, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ CB quản lý, GV, CNV, nhất là đối với cán bộ giảng dạy và cán bộ nghiên cứu khoa học. Phấn đấu tăng nhanh và có tỉ lệ cao về giảng viên trình độ TS, PGS.GS.
Tiếp nữa, phấn đấu tạo điều kiện và tạo ra cách tự học và chọn lựa chương trình và phương pháp dạy và học phù hợp với Việt Nam, xứng đáng là trung tâm của giáo dục và đào tạo SV. Trong đó, ĐHQG TP.HCM làm sao phải đào tạo ra được nhiều chuyên gia giỏi, trình độ cao, tài năng chiếm lĩnh được các ngành công nghệ chất lượng cao để giúp đất nước CNH, HĐH và hội nhập thành công.
Cuối cùng, Thủ tướng yêu cầu ĐHQG TP.HCM phải chú trọng giáo dục nhân cách, lý tưởng, hoài bão cho SV. Bởi theo Thủ tướng, đất nước chúng ta đã trải qua nhiều cuộc chiến tranh chống xâm lược, hàng triệu người Việt Nam đã anh dũng hy sinh vì độ lập, thống nhất hoà bình hôm nay. Vì vậy, các thế hệ học sinh, SV của chúng ta phải biết sống làm sao cho xứng đáng với sự hy sinh to lớn, cao cả của cha anh chúng ta.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng lãnh đạo các Bộ, ngành trung ương và địa phương cắt băng khánh thành khu KTX Trường ĐH Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh |
Trong buổi sáng làm việc tại ĐHQG TP.HCM, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng đã có buổi tiếp xúc cử tri ĐHQG và tham dự lễ cắt băng Khánh thành ký túc xá ĐHG TP.HCM.
Tại buổi tiếp xúc cử tri, Thủ tướng đã lắng nghe những tâm tư, nguyện vọng của các cử tri ĐHQG về công cuộc chấn hưng và đẩy mạnh hơn nữa công tác đổi mới giáo dục nước nhà, những trăn trở và băn khoăn của lực lượng cán bộ công chức về vấn đề tiền lương, chính sách cho nhà giáo…
Thủ tướng đã lắng nghe và thẳng thắn chia sẻ với các cử tri về những cố gắng của Chính phủ, những chính sách chăm lo cho đội ngũ người có công (8,8 triệu người) của Chính Phủ, khó khăn của nền kinh tế, sự tăng trưởng đầy thách thức mà đất nước đang phải đối mặt, để các cử tri hiểu và yên tâm với những chính sách mang tầm chiến lược, vĩ mô mà Đảng và Chính Phủ sẽ sớm triển khai (chính sách tiền lương, các chính sách kinh tế) khi nền kinh tế phục hồi.
Tại lễ cắt băng khánh thành khu B KTX ĐHQG TP.HCM với quy mô 40.000 SV, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã đề nghị các đơn vị thi công nhanh chóng đẩy nhanh tốc độ, sớm hoàn thành các hạng mục để phục vụ cho nhu cầu ăn, ở học tập của hàng chục ngàn SV ĐHQG TP.HCM. Dự án khu B KTX ĐHQG TP.HCM là dự án có quy mô lớn nhất cả nước với tổng mức đầu tư lên đến 3.529.904 tỉ đồng. Bên cạnh nguồn trái phiếu Chính Phủ (2.614.132 tỉ đồng), vốn ngân sách hàng năm của ĐHQG TP.HCM thì các nguồn vốn từ ngân sách các địa phương (195,796 tỉ đồng) vốn từ xã hội hoá cho các công trình công cộng trong khu đô thị ĐHQG TP.HCM (bệnh viện, nhà văn hoá, siêu thị, bến xe, các trung tâm thể thao, khu dịch vụ…) cũng lên tới 630 tỉ đồng.
Theo Ban quản lý KTX ĐHQG TP.HCM, Khu B KTX có tổng diện tích 38,5 ha, với 24 khối nhà-đáp ứng chỗ ở cho 40.000 SV, có 3 nhà ăn và 1 bến xe buýt.
... Và kéo băng khánh thành khu KTX này |
Cũng trong sáng nay (21-10) khu B đã chính thức đưa vào sử dụng 4 khối nhà (B1, B3, A3, A5) với 5.500 chỗ ở cho SV, đến cuối tháng 12-2012, 8 khối nhà đang xây dựng (tiến độ đạt 80-90%) sẽ được đưa vào sử dụng, đáp ứng 20.000 chỗ ở cho SV. Các khối nhà còn lại sẽ hoàn thành trong năm 2013. Với diện tích khu A KTX (20,95ha), hiện hữu là 14,82 ha-đáp ứng chỗ ở cho 10.000-SV và khu A mở rộng-6,13 ha đang xây dựng, đáp ứng 10.000 SV. KTX ĐHQG TP.HCM sẽ đáp ứng 60.000 chỗ ở.
Hiện KTX ĐHQG TP.HCM đáp ứng được trên 17.000 chỗ ở cho SV/ 30.000 nhu cầu chỗ ở (đạt 56%) và theo chủ trương của Ban giám đốc ĐHQG TP.HCM, từ năm học 20102, tất cả SV năm nhất sẽ được sắp sếp ở trong KTX với mọi dịch vụ hỗ trợ, phục vụ ăn, ở, học tập đầy đủ và khép kín.
Anh Tú