Thủ tướng làm việc tại tỉnh Đắk Lắk

GD&TĐ - Sáng 9/2, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cùng đoàn công tác của Chính phủ có buổi làm việc với lãnh đạo chủ chốt tỉnh Đắk Lắk nhằm đánh giá, định hướng về phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; đồng thời xem xét, cho ý kiến giải quyết về một số kiến nghị của địa phương đối với Chính phủ.

Thủ tướng yêu cầu năm 2015 lãnh đạo tỉnh Đắk Nông phải hành động quyết liệt để hoàn thành vượt mức kế hoạch đã đề ra gắn với đó là tổ chức tốt Đại hội Đảng các cấp. Ảnh: VGP
Thủ tướng yêu cầu năm 2015 lãnh đạo tỉnh Đắk Nông phải hành động quyết liệt để hoàn thành vượt mức kế hoạch đã đề ra gắn với đó là tổ chức tốt Đại hội Đảng các cấp. Ảnh: VGP

Phát biểu tại buổi làm việc, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng những kết quả phát triển kinh tế - xã hội mà Đắk Lắk đạt được trong thời gian qua là khá toàn diện, khẳng định sự nỗ lực, phấn đấu rất lớn của của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trong tỉnh. Tăng trưởng kinh tế của địa phương năm sau cao hơn năm trước; cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực; công tác giảm nghèo có nhiều tiến bộ; thu nhập, đời sống của nhân dân được nâng lên; an sinh xã hội trên địa bản được bảo đảm; an ninh quốc phòng được giữ vững;…

Thủ tướng mong muốn Đắk Lắk tiếp tục phát huy truyền thống, những kết quả đạt được, ra sức khắc phục những hạn chế, yếu kém để đưa tỉnh phát triển nhanh hơn, bền vững hơn.

Nhấn mạnh năm 2015 là năm cuối của Kế hoạch 5 năm, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị Đắk Lắk tập trung chỉ đạo thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ, đạt và vượt các mục tiêu, chỉ tiêu kinh tế - xã hội đã đề ra cho năm 2015. 

“Kinh tế không phát triển, không tạo được việc làm, thu nhập thì không thể nói là có năng lực chỉ đạo, điều hành” - Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu; đồng thời cũng đề nghị lãnh đạo tỉnh tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thành công đại hộ Đảng các cấp gắn với chuẩn bị cho Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020. 

Với tinh thần này, Thủ tướng đề nghị Đắk Lắk tiếp tục phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của địa phương. Cho rằng với diện tích tự nhiên 1,3 triệu ha, trong đó có 700.000 ha đất đỏ bazan, diện tích rừng lớn, dân số gần 1,8 triệu người, Đắk Lắk có lợi thế và đất đai và con người mà không địa phương nào có được để phát triển cây công nghiệp như cà phê, cao su, ca cao, ngô, trồng cỏ, chăn nuôi đại gia súc, phát triển kinh tế rừng… từ đó hình thành và phát triển các vùng chuyên canh lớn, phát triển mạnh ngành công nghiệp chế biến nông, lâm nghiệp. 

Để phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế này, Thủ tướng đề nghị lãnh đạo tỉnh tiếp tục suy nghĩ, tìm tòi, năng động, sáng tạo; đồng thời khuyến khích người dân, doanh nghiệp đầu tư, đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ vào sản xuất nhằm nâng cao năng suất, chất lượng của các sản phẩm hàng hóa, dịch vụ.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng với tỷ lệ hộ nghèo còn cao, nhất là trong đồng bào dân tộc lên tới 62%, Đắk Lắk cần đặc biệt quan tâm đến các vấn đề giảm nghèo nhanh và bền vững, nhất là giảm nghèo trong vùng đồng bào dân tộc.

“Không có cách nào khác là phải từ đất, từ rừng mà thoát nghèo và thoát nghèo bằng đất đai, bằng rừng” - Thủ tướng phát biểu, đồng thời đề nghị tỉnh cần thực hiện đồng bộ các giải pháp, trong đó tập trung vào việc giải quyết đất ở, đất sản xuất cho đồng bào; giao đất, giao rừng cho dân quản lý, bảo vệ gắn với phát triển kinh tế rừng; có cơ chế chính sách để thu hút doanh nghiệp đầu tư vào địa bàn khó khăn. 

Cùng với đó, nhà nước sẽ tập trung hỗ trợ nhà ở, nước sạch, y tế, giáo dục, đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông, thủy lợi, quy hoạch dân cư gắn với việc giải quyết tốt vấn đề di dân tự do và đẩy mạnh thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, lồng ghép các mục tiêu của Chương trình với các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội khác. 

Ngoài ra, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng lưu ý Đắk Lắk đặc biệt quan tâm đến công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và điều hành của các cấp chính quyền; thực hiện tốt chính sách dân tộc, tôn giáo trên địa bàn. Không ngừng củng cố tiềm lực quốc phòng - an ninh; giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội; chủ động phòng ngừa, tấn công trấn áp các loại hình tội phạm; không để bị động, bất ngờ trước mọi tình huống liên quan đến an ninh, quốc phòng.

Tại buổi làm việc, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và lãnh đạo một số Bộ, ngành Trung ương đã xem xét và cho ý kiến cụ thể đối với các kiến nghị, đề xuất của Đắk Lắk trong đó chủ trương đầu tư xây dựng một số công trình thủy lợi; việc thúc đẩy phát triển các cụm công nghiệp trên địa bàn; việc xem xét ban hành quy định không bắt buộc thực hiện đấu giá/đấu thầu mà lựa chọn nhà đầu tư sử dụng đất đối với vùng kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp vừa và nhỏ phát triển; đề xuất trung ương hỗ trợ địa phương đầu tư một số dự án giao thông trọng điểm trên địa bàn; cơ chế, chính sách tạo sinh kế, hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo;… 

Nhân dịp làm việc tại tỉnh Đắk Lắk, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã tới thăm hỏi, tặng quà ông YBlôk Êban, nguyên Chủ tịch quân quản tỉnh Đắk Lắk sau giải phóng 1975; ông Huỳnh Văn Cần, nguyên Bí thư tỉnh ủy Đắk Lắk và một số đồng chí lão thành cách mạng.

Tỉnh Đắk Lắk có diện tích tự nhiên trên 13.120 km2; 73 km đường biên giới với Campuchia; dân số của tỉnh gần 1,8  triệu người với 47 dân tộc anh em cùng sinh sống, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số chiếm trên 30%.

Năm 2014, tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 8,4%; huy động vốn đầu tư toàn xã hội tăng 6,8%; thu nhập bình quân theo đầu người đạt 31,4 triệu đồng;…Chương trình xây dựng nông thôn mới được quan tâm chỉ đạo quyết liệt; đến nay Đắk Lắk đã có 2 xã đã hoàn thành 19 tiêu chí của Chương trình (xã Hòa Thuận và xã Ea Kao, thành phố Buôn Ma Thuột) và nhiều xã đạt từ 13 tiêu chí trở lên.

Năm 2015, Đắk Lắk phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế từ 9,5-10%; thu nhập bình quân đầu người đạt 35 triệu đồng; tổng kim ngạch xuất khẩu đạt khoảng 750 triệu USD; tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 2,5-3%; giải quyết việc làm cho 27.000 lao động.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ