(GD&TĐ) - Sáng 1.8, dưới sự chủ trì của Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng, QH họp Phiên toàn thể tại Hội trường.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đọc Tờ trình về cơ cấu tổ chức của Chính phủ (Ảnh: Nhan Sáng/TTXVN) |
QH đã nghe Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng trình bày Tờ trình về nhân sự Tổng Kiểm toán Nhà nước. Theo đó, UBTVQH giới thiệu Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Ninh Bình Đinh Tiến Dũng để QH xem xét, quyết định bầu giữ chức Tổng Kiểm toán Nhà nước.
Tiếp đó, QH đã nghe Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trình bày Tờ trình về cơ cấu, tổ chức của Chính phủ và số Phó thủ tướng Chính phủ nhiệm kỳ Khóa XIII. Thủ tướng đề nghị QH phê chuẩn phương án cơ cấu tổ chức Chính phủ nhiệm kỳ Khóa XIII giữ nguyên như cơ cấu tổ chức Chính phủ Khóa XII gồm 22 bộ và cơ quan ngang bộ.
Cụ thể, cơ cấu tổ chức Chính phủ Khóa XIII có 18 bộ gồm: Bộ Quốc phòng; Bộ Công an; Bộ Ngoại giao; Bộ Nội vụ; Bộ Tư pháp; Bộ Kế hoạch và Đầu tư; Bộ Tài chính; Bộ Công thương; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Bộ Giao thông - Vận tải; Bộ Xây dựng, Bộ Tài nguyên và Môi trường; Bộ Thông tin và Truyền thông; Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội; Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Bộ Khoa học và Công nghệ; Bộ Giáo dục và Đào tạo; Bộ Y tế. 4 cơ quan ngang bộ gồm: Ủy ban Dân tộc, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Thanh tra Chính phủ và Văn phòng Chính phủ. Thủ tướng cũng đề nghị QH cho giữ nguyên 8 cơ quan thuộc Chính phủ không có chức năng quản lý nhà nước.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ: việc kiện toàn cơ cấu tổ chức Chính phủ phải đặt trong tổng thể yêu cầu đổi mới, kiện toàn tổ chức bộ máy nhà nước và các cơ quan trong cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương. Từ thực tiễn 4 năm hoạt động của Chính phủ Khóa XII cho thấy, mô hình tổ chức bộ máy Chính phủ như trên là cơ bản phù hợp. Cơ cấu, tổ chức Chính phủ Khóa XIII cũng đã được xây dựng theo hướng: tiếp tục kiện toàn tổ chức và đổi mới phương thức hoạt động để Chính phủ thực sự là cơ quan hành chính nhà nước cao nhất, quản lý thông suốt, hiệu lực, hiệu quả, tổ chức tinh gọn hợp lý, thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ theo quy định của Hiến pháp và pháp luật; bảo đảm nguyên tắc tập trung dân chủ, đề cao trách nhiệm của tập thể Chính phủ, Thủ tướng và từng thành viên Chính phủ; hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ và tổ chức bộ máy của từng bộ, cơ quan ngang bộ, bảo đảm quản lý nhà nước bao quát trên các lĩnh vực; đồng thời quản lý chuyên sâu, thống nhất từ Trung ương xuống địa phương, trong từng lĩnh vực, đáp ứng tốt hơn yêu cầu và nhiệm vụ mới, nhất là các lĩnh vực đang có nhiều bức xúc; khắc phục sự chồng chéo, phân công nhiệm vụ chưa rõ; hoàn thiện cơ chế phối hợp trong nội bộ và giữa các bộ để giải quyết tốt hơn các vấn đề cần phối hợp quản lý chuyên ngành. Cơ cấu tổ chức Chính phủ phải bảo đảm sự thống nhất thông suốt của cả hệ thống hành chính nhà nước từ Chính phủ đến Ủy ban nhân dân các cấp; vừa thực hiện phân cấp cho địa phương vừa có cơ chế bảo đảm sự quản lý thống nhất của Trung ương; chuyển các dịch vụ công mà nhà nước không cần nắm giữ để các tổ chức xã hội và doanh nghiệp thực hiện nhằm từng bước tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu quả hoạt động của cả hệ thống hành chính và chất lượng dịch vụ công...
Buổi chiều, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nghe báo cáo tổng hợp ý kiến thảo luận tại các đoàn đại biểu Quốc hội về cơ cấu tổ chức của Chính phủ; nhân sự Tổng Kiểm toán Nhà nước; cho ý kiến về dự thảo tờ trình và dự thảo Nghị quyết về việc triển khai chủ trương nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992 và thành lập Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992