Maggie Chen, đang làm việc tại một công ty truyền thông ở Thẩm Quyến, Trung Quốc, gần đây đã mua một chiếc túi Chanel và ba thỏi son Tom Ford.
Tất cả ngót nghét gần hết số tiền lương 880 USD (20,6 triệu đồng) của cô.
Chen xem những món đồ hiệu là phần thưởng bù đắp lại 72 tiếng mỗi tuần cô cật lực làm việc.
“Làm sao tôi có thể làm việc chăm chỉ mà không tự thưởng cho mình?”, cô gái 25 tuổi chia sẻ.
Giống Chen, ngày càng nhiều phụ nữ Trung Quốc coi việc mua sắm hàng hóa xa xỉ là cách động viên bản thân, giải tỏa áp lực công việc.
Zing.vn trích dịch bài viết trên Jing Daily về câu chuyện giới trẻ Trung Quốc ngày nay làm việc nhiều hơn và cũng mạnh tay chi tiền cho hàng hiệu hơn khi văn hóa “996” (làm việc từ 9h sáng đến 9h tối và sáu ngày mỗi tuần) trở nên phổ biến.
Đầu tư vào bản thân
Báo cáo của Ngân hàng Julius Baer năm 2018 cho thấy đối tượng đang mạnh tay mua sắm là những người trẻ ở châu Á, đa phần là nữ giới đã làm ra tiền.
Phụ nữ Trung Quốc đang chiếm thị phần mua sắm lớn đối với hàng xa xỉ của thế giới.
Cụ thể, người giàu ở nước này mua hết 1/3 lượng hàng hiệu bán ra thị trường trong năm 2017 và đứng đầu về tỉ lệ tăng trưởng trong mua sắm tiêu dùng.
Nghiên cứu của McKinsey cho biết người Trung Quốc mua hơn 500 tỉ nhân dân tệ (hơn 72 tỷ USD) hàng xa xỉ mỗi năm.
Nếu như trước đây hàng hóa đắt tiền bán ở Trung Quốc chủ yếu là xe xịn, hạng sang thì trong năm mặt hàng xa xỉ được tiêu thu mạnh nhất hiện nay có nữ trang, thời trang cao cấp và đồng hồ.
Phụ nữ Trung Quốc mạnh tay chi tiêu cho các sản phẩm đắt tiền một phần vì nhiều người tin rằng những món đồ này giúp họ thăng tiến tốt hơn trên bình diện xã hội và nghề nghiệp.
Chen làm việc trong ngành truyền thông, một môi trường có tính cạnh tranh cao và “996” là điều bắt buộc với những người mới, thiếu kinh nghiệm như cô.
Ngoài căng thẳng, mệt mỏi vì công việc, Chen nói cô còn cảm thấy áp lực khi phải cố để đẹp được như các nữ đồng nghiệp khác. Vì vậy, không chỉ là một phần thưởng cho bản thân, với Chen, đồ xa xỉ còn là phương tiện giúp cô hòa nhập và được chấp nhận trong môi trường làm việc.
“Tôi luôn dành một khoản tiền lương nhất định cho hàng hiệu. Làm cho bản thân đẹp hơn là một khoản đầu tư xứng đáng”, Chen nói.
Hàng hiệu trở thành động lực kiếm tiền
Tháng trước, Tianxin Luo, 27 tuổi, làm việc trong một văn phòng phân tích tài chính ở Hong Kong, đã mua chiếc túi xách Hermes đầu tiên.
Đó là phần thưởng giá trị nhất cô dành cho bản thân sau hơn 2 năm “làm như một cái máy”.
Dù nhiều lúc mệt mỏi, cảm thấy kiệt sức, Luo không phàn nàn về “996” và thậm chí đồng ý với quan điểm của tỷ phú Jack Ma rằng "996" là một tài sản với người trẻ.
Luo xem việc mua sắm là cách giúp cô vực dậy bản thân và nỗ lực hơn trong công việc. “Nếu bạn không chi tiêu, bạn sẽ không có động lực để thăng tiến trong sự nghiệp”, 9X nói.
Cũng giống như Luo, nhiều người trẻ Trung Quốc ngày nay lấy những món hàng hiệu làm mục tiêu để phấn đấu.
Bộ phim truyền hình nổi tiếng Woman in Beijing ra mắt năm 2018 kể về cuộc sống của một cô gái từ Tứ Xuyên đến Bắc Kinh lập nghiệp. Túi Louis Vuitton là thứ đầu tiên nữ chính khao khát có được khi bắt đầu cuộc sống ở thủ đô.
Dữ liệu người tiêu dùng gần đây chỉ ra rằng tự thưởng cho bản thân là yếu tố quan trọng thúc đẩy mua hàng xa xỉ ở Trung Quốc. Theo Nicole Yang, giám đốc Marketing của gã khổng lồ thương mại điện tử xa xỉ Trung Quốc Secoo, gần 60% khách hàng của nền tảng trong năm 2018 là phụ nữ dưới 30 tuổi làm việc ở thành thị.
Khách hàng trong nhóm này thường được gọi là “delicate piggy girls” – cụm từ chỉ những cô gái trẻ Trung Quốc luôn cố trở nên sành điệu. Nhiều người trong số họ chỉ mới đi làm và xem văn hóa “996” là cách để hoàn thiện bản thân.
Đối với cả Chen và Luo làm việc mệt mỏi hàng giờ, hàng ngày rồi lại “đốt tiền” vào những món đồ xa xỉ là một vòng luẩn quẩn khá mệt mỏi. Nhưng đó lại chính là cách giúp họ tồn tại trong môi trường đầy cạnh tranh và có cuộc sống tốt hơn.
“Có một mục tiêu vật chất là điều tích cực. Nó buộc tôi phải cố gắng kiếm được nhiều tiền hơn nữa”, Luo nói.