Thu hẹp khoảng cách giữa đào tạo và thị trường lao động

Thu hẹp khoảng cách giữa đào tạo và thị trường lao động

(GD&TĐ)-Những năm gần đây, tình trạng sinh viên các trường ĐH, CĐ sau khi tốt nghiệp không tìm được việc làm hoặc làm việc không phù hợp với chuyên môn đào tạo có xu hướng tăng lên. Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do vẫn còn khoảng cách giữa đào tạo và thị trường lao động.

Sinh viên CNTT-Trường ĐH KHTN tại lớp học Kỹ năng mềm. Ảnh: hcmus
Sinh viên CNTT-Trường ĐH KHTN tại lớp học Kỹ năng mềm. Ảnh: Hcmus

Nhiều rào cản

Đào tạo và sử dụng lao động luôn có mối quan hệ chặt chẽ; việc gắn kết giữa đào tạo với thị trường lao động và yêu cầu bắt buộc, cấp thiết và có tác động mạnh mẽ đến sự phát triển của đất nước. Tuy nhiên quá trình này hiện đang gặp nhiều rào cản, cả từ phía chủ quan và khách quan.

Theo TS.Nguyễn Quang Vinh – Phó Giám đốc Trung tâm Ngoại ngữ và trao đổi giáo dục quốc tế (Trường ĐH KHXH&NV – ĐHQG HN), rào cản đầu tiên từ phía cơ sở đào tạo là sự thiếu hụt thông tin về thị trường lao động. Các cơ sở đào tạo hầu như chưa xây dựng hệ thống thu thập, phân tích thông tin thị trường lao động dẫn đến tình trạng nhiều hoạt động của các cơ sở đào tạo đều dựa trên kinh nghiệm và thiếu cập nhật.

Ngoài ra, chương trình đào tạo của các trường hiện nay không theo kịp thực tế, mục tiêu đào tạo chung chung, thiếu sự cân đối giữa lý thuyết và thực hành, chậm đổi mới, sinh viên ít được va chạm thực tế và chưa bám sát với nhu cầu người sử dụng lao động. Cùng với đó, việc sử dụng phương pháp đào tạo theo hướng tiếp cận từ lý thuyết đến thực tiễn, khó tạo ra được những sản phẩm có thể đáp ứng ngay yêu cầu công việc. Khả năng tài chính và cơ sở vật chất chưa đáp ứng yêu cầu cùng đội ngũ giảng viên được đào tạo theo hướng tiếp cận lý thuyết cũng là yếu tố rào cản.

Ngoài nguyên nhân từ phía các cơ sở đào tạo, việc không đáp ứng được các yêu cầu của thị trường lao động có nguyên nhân từ chính người học. Cụ thể là việc người học chưa thực sự có mục tiêu và định hướng nghề nghiệp rõ ràng. Tâm lý của không ít người học hiện nay là chỉ cố có được tấm bằng đại học mà không quan tâm nhiều đến tố chất, khả năng và sở thích của bản thân có phù hợp với ngành học hay không. Một trở ngại nữa, theo TS.Nguyễn Quang Vinh là khả năng và điều kiện tiếp cận thực tế của sinh viên thường thiếu đồng nhất và không cao. Những khó khăn về kinh tế, thời gian, quan hệ cũng như sự trông chờ, ỷ lại của người học đã làm cho những nỗ lực gắn kết đào tạo với thực tiễn của các cơ sở đào tạo gặp rất nhiều vướng mắc và thường kết quả không cao.

Ý thức chưa tích cực từ phía người sử dụng lao động cũng là một nguyên nhân cản trở việc gắn kết giữa đào tạo với thị trường lao động. Theo TS.Nguyễn Quang Vinh, mặc dù nhận thức rõ vai trò của đào tạo nhưng thực tế hiện nay, nhiều cơ sở sử dụng lao động không chủ động tham gia vào quá trình đào tạo. Một bộ phận không nhỏ doanh nghiệp vẫn cho rằng, đào tạo đại học là trách nhiệm của nhà nước, nhà trường và xã hội nên không mấy mặn mà khi gắn kết với nhà trường. Ngoài ra, do cơ cấu doanh nghiệp vừa và nhỏ của Việt Nam khá lớn, không ít trong số này hoạt động thiếu bài bản, công tác nhân sự thường thiếu tính kế hoạch. Điều này làm cho cơ sở đào tạo và người học gặp rất nhiều khó khăn trong việc xác định mục tiêu đào tạo và chuẩn đầu ra, do vậy, việc sinh viên sau khi ra trường có thể tiếp cận công việc thực tế được ngay là điều không dễ dàng.

Thu hẹp khoảng cách bằng trang bị kỹ năng mềm


Kỹ năng mềm là một trong những điểm yếu của rất nhiều sinh viên Việt Nam hiện nay. Không được trang bị những kỹ năng mềm cần thiết, thiếu kỹ năng cơ bản trong cuộc sống và lao động, người học khó có thể bắt nhịp và hòa nhập được với môi trường và nội dung công việc được giao.

Được triển khai từ năm 2009-2012 trong khuôn khổ hợp tác giữa Viện Rosa Luxemburg (CHLB Đức) và Trường ĐHKHXH&NV (ĐHQGHN), Dự án Rosa Luxemburg “Đổi mới chính sách giáo dục” đã chọn giải pháp tập huấn kỹ năng mềm cho sinh viên nhằm tăng cường khả năng gắn kết giữa đào tạo trong lĩnh vực khoa học xã hội nhân văn với thị trường lao động. Nội dung tập huấn tập trung vào các kỹ năng: kỹ năng xác định mục tiêu nghề nghiệp, kỹ năng xác định giá trị bản thân, kỹ năng tìm kiếm và phát triển nghề nghiệp, kỹ năng làm việc nhóm, chuẩn bị hồ sơ xin việc, kỹ năng thuyết trình, giao tiếp ứng xử nơi công sở, kỹ năng phỏng vấn xin việc, kỹ năng quản trị văn phòng.

Kết quả sau dự án, nhóm thực nghiệm có tham gia học kỹ năng mềm có khả năng tìm được việc cao hơn gần 2 lần so với nhóm đối chứng (không học kỹ năng mềm). Thu nhập của nhóm sinh viên thực nghiệm cũng cao hơn; có tới 9,1% tỷ lệ thu nhập trên 5 triệu đồng/tháng ở nhóm thực nghiệm trong khi không có sinh viên nào thuộc nhóm đối chứng đạt được mức lương như vậy.

Cũng nhấn mạnh vai trò của kỹ năng mềm, TS.Nguyễn Quang Vinh đề xuất nên lồng ghép giảng dạy kỹ năng mềm trong các môn học chuyên môn. Tuy nhiên, để triển khai hiệu quả thì cũng cần tổ chức trang bị các kỹ năng này cho giảng viên và điều chỉnh mục tiêu về kỹ năng của các môn học trong chương trình đào tạo một cách hợp lý, tránh chồng chéo.

Không bàn sâu đến chương trình đào tạo, TS.Lê Hữu Phước – Phó Hiệu trưởng Trường ĐHKHXH&NV (ĐHQG HCM) cho rằng, nhà trường cần phải thực hiện rất nhiều việc như: cung cấp cho nhà tuyển dụng những sản phẩm và dịch vụ đào tạo mà nhà trường đang và sắp có; thu thập thông tin về nhu cầu nhân sự, nhu cầu đào tạo của nhà tuyển dụng; thiết kế các chương trình, dịch vụ đào tạo phù hợp với yêu cầu của nhà tuyển dụng; tổ chức cho sinh viên tiếp cận và thực tập tại các đối tác có khả năng tuyển dụng; giới thiệu sinh viên cho nhà tuyển dụng và giới thiệu nhà tuyển dụng cho sinh viên.

Hiếu Nguyễn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ