Cục Quản lý Dược - Bộ Y tế vừa có công văn cung cấp thông tin liên quan đến các phản ứng có hại của một số thuốc đang lưu hành trên thị trường.
Theo đó, Sở Y tế các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương, các bệnh viện, viện có giường bệnh trực thuộc Bộ Y tế thông báo cho các cơ sở khám chữa bệnh, các đơn vị sản xuất, kinh doanh dược phẩm trên địa bàn các thông tin liên quan đến tính an toàn, phản ứng có hại của thuốc và cập nhật các thông tin này trên nhãn thuốc...
Ảnh: T.M |
Thuốc chống loãng xương strontium ranelate (protelos)
Chỉ sử dụng strontium ranelate để điều trị trường hợp loãng xương nghiêm trọng ở phụ nữ sau sinh và nam giới có nguy có gãy xương cao; Không dùng strontium ranelate trên đối tượng bệnh nhân có tiền sử hoặc đang bị thiếu máu cơ tim cục bộ, bệnh mạch máu ngoại biên, bệnh mạch máu não hoặc bệnh nhân tăng huyết áp khó kiểm soát; Cần bắt đầu điều trị với bác sĩ chuyên khoa điều trị về loãng xương; Đánh giá nguy cơ trên từng đối tượng bệnh nhân cụ thể để kê đơn strontium ranelate cho phù hợp.
Nguy cơ đối với bệnh nhân bị bệnh tim mạch cần được đánh giá trước và đều đặn trong quá trình điều trị; Ngừng điều trị với strontium ranelate nếu bệnh nhân bị thiếu máu cơ tim cục bộ, bệnh mạch máu ngoại biên, bệnh mạch máu não hoặc tăng huyết áp khó kiểm soát. Ở Việt Nam hiện có 01 số đăng ký thuốc nước ngoài chứa hoạt chất này.
Thuốc chống đông dabigatran etexilat (pradaxa)
Thuốc chống đông dabigatran etexilat có nguy cơ chảy máu khi sử dụng nên chống chỉ định trên đối tượng bệnh nhân đặt van tim cơ học. Bệnh nhân không nên dừng đột ngột thuốc chống đông mà không có sự hướng dẫn của cán bộ y tế do làm tăng nguy cơ cục máu đông và đột quỵ.
Việc sử dụng dabigatran etexilat trên bệnh nhân đặt van sinh học chưa được đánh giá. Hiện dabigatran etexilat vẫn đóng vai trò là thuốc chống đông thay thế quan trọng do lợi ích vượt trội hơn so với nguy cơ. Hiện ở nước ta có 01 số đăng ký thuốc nước ngoài chứa dabigatran etexilat.
Dùng thuốc chống loãng xương cũng phải tuân thủ tuyệt đối chỉ định của thầy thuốc.
Thuốc chứa hoạt chất metoclopramid
Sau khi tiến hành đánh giá các dữ liệu hiện có và nhận thấy lợi ích của metoclopramid không vượt trội nguy cơ khi sử dụng trên trẻ nhỏ và thiếu niên, Cơ quan Quản lý dược phẩm và y tế Pháp (ANSM) đã thông báo ngừng cấp số đăng ký mới và ngừng lưu hành các biệt dược chứa metoclopramid dùng cho đối tượng này.
Đối với tất cả các chế phẩm chứa metoclopramid đã được phê duyệt lưu hành trên thị trường cần bổ sung thông tin chống chỉ định cho trẻ em dưới 18 tuổi và giới hạn việc sử dụng thuốc trên người lớn do nguy cơ trên thần kinh và tim mạch.
Tháng 5-6/2012, Singapore yêu cầu cập nhật những thông tin thay đổi trên nhãn thuốc liên quan đến độ an toàn, nhãn thuốc đạn chứa metoclopramid đã bổ sung chống chỉ định cho trẻ em dưới 18 tuổi và cảnh báo tác dụng không mong muốn trên thần kinh (rối loạn ngoại tháp) có thể xảy ra, đặc biệt ở trẻ nhỏ và người trẻ tuổi hoặc khi sử dụng liều cao. Ở nước ta hiện có 6 số đăng ký thuốc nước ngoài (dạng tiêm) và 6 số đăng ký thuốc trong nước (dạng viên) có chứa hoạt chất này.
Thuốc chứa hoạt chất cilostazol
Cilostazol được sử dụng để điều trị đau chân cách hồi - tình trạng thiếu cung cấp máu tới chân gây ra đau đớn và ảnh hưởng tới khả năng đi lại. Thuốc có thể gây ra những bất lợi nghiêm trọng đặc biệt ảnh hưởng đến tim mạch và gây chảy máu nghiêm trọng. Vì vậy, chỉ nên sử dụng cilostazol để điều trị đau chân cách hồi khi biện pháp thay đổi lối sống (ngừng hút thuốc, luyện tập) và các biện pháp can thiệp đơn độc khác không có tác dụng đầy đủ; Nên bắt đầu điều trị với cán bộ y tế có kinh nghiệm trong điều trị đau chân cách hồi và phải đánh giá lại sau 3 tháng điều trị.
Nếu bệnh nhân không có hiệu quả lâm sàng rõ rệt, cần ngừng điều trị; Không nên sử dụng cilostazol cho bệnh nhân đau thắt ngực không ổn định, có nhồi máu cơ tim hoặc phẫu thuật động mạch vành trong vòng 6 tháng gần đây hoặc bệnh nhân có tiền sử nhịp tim nhanh nghiêm trọng; Không sử dụng thuốc cho bệnh nhân đang dùng phối hợp từ hai thuốc chống đông máu hoặc chống kết tập tiểu cầu trở lên...
Thuốc điều trị sung huyết, ngạt mũi có chứa các chất gây co mạch
Khuyến cáo của Cơ quan Quản lý dược phẩm Pháp về liều dùng, thời gian điều trị và chống chỉ định khi sử dụng các thuốc điều trị sung huyết, ngạt mũi có chứa thuốc co mạch dạng uống hoặc dạng dùng qua đường mũi (nhỏ, xịt) như sau: Tuân thủ khuyến cáo về liều tối đa hàng ngày và thời gian tối đa của một đợt điều trị (không quá 5 ngày); Không dùng thuốc cho trẻ em dưới 15 tuổi và cho bệnh nhân có tăng huyết áp động mạch nghiêm trọng hoặc khó kiểm soát, tiền sử tai biến mạch máu não hoặc có yếu tố nguy cơ dễ dẫn đến tai biến mạch máu não, suy mạch vành nặng hoặc tiền sử co giật; Không dùng đồng thời hai thuốc nhóm này (kể cả đường dùng khác nhau) do sự phối hợp này là không cần thiết và không an toàn cho bệnh nhân.
Thuốc chứa hoạt chất codein
Tháng 2/2013, Cơ quan Quản lý thuốc và thực phẩm Mỹ (FDA) đã ra cảnh báo mới liên quan đến tính an toàn của các thuốc chứa codein trên trẻ em. Theo kết quả đánh giá, nhiều trường hợp trẻ em đã mắc sẵn hội chứng tắc nghẽn đường thở khi ngủ trước khi được tiến hành phẫu thuật cắt amidan và chỉ định codein để giảm đau. Những trẻ này mang một gen di truyền đặc biệt, có khả năng chuyển hóa nhanh chóng codein thành morphin trong cơ thể và gây ra nhiễm độc morphin.
Hội chứng nhiễm độc này dẫn đến những khó khăn khi hô hấp và đặc biệt trở nên nhạy cảm ở những trẻ mắc hội chứng tắc nghẽn đường thở khi ngủ. Trên cơ sở đó, FDA đưa ra khuyến cáo bổ sung chống chỉ định sử dụng codein cho tất cả trẻ em sau phẫu thuật cắt amidan do không thể xác định chính xác trẻ có mang gen di truyền có khả năng chuyển hóa nhanh codein thành morphin.
Ở Việt Nam hiện có 7 số đăng ký thuốc nước ngoài và 174 số đăng ký thuốc trong nước có chứa hoạt chất codein.
Theo Suckhoedoisong