(GD&TD)-Chiều 06/12, tại Hội nghị tư vấn các nhà tài trợ (CG) cuối kỳ năm 2011, các đối tác phát triển chính thức "chốt" con số viện trợ năm tài khóa tới cho Việt Nam. Theo đó, trong năm tới, Việt Nam sẽ nhận được khoản tài trợ tổng cộng là 7,386 tỷ USD.
Hầm dìm Thủ Thiêm cùng toàn tuyến Dự án Đại lộ Đông Tây.với tổng vốn đầu tư 9.863 tỷ đồng, trong đó vốn vay ODA từ Nhật Bản chiếm 64,82% đã chính thức thông xe tháng 11/2011 |
Như vậy, với tình hình khó khăn chung của kinh tế toàn cầu (khủng hoảng nợ công ở châu Âu, động đất, sóng thần tại Nhật Bản), nguồn tiền từ các nhà tài trợ đa phương và song phương dành cho Chính phủ Việt Nam có sụt giảm, mặc dù vậy, đây vẫn là mức cao. Đặc biệt là khi Việt Nam đã trở thành quốc gia có mức thu nhập trung bình.
Đánh giá về con số viện trợ này, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh cho rằng, đây là kết quả rất tích cực.
Theo đó, trong các nhà tài trợ đa phương cho Việt Nam, đến nay, đứng đầu vẫn là WB, ADB và các tổ chức tài chính tín dụng khác. Riêng Nhật Bản vẫn là nhà tài trợ song phương lớn nhất với mức cam kết giữ nguyên, thậm chí có thể cao hơn 1,9 tỷ USD. Tuy nhiên, ông không công bố con số cụ thể của từng đối tác.
Tại Hội nghị, đại diện bên đi vay, Chính phủ Việt Nam cam kết sẽ sử dụng hiệu quả hơn nữa nguồn lực này cho tiến trình phát triển kinh tế - xã hội và tái cơ cấu, đổi mới nền kinh tế.
Tại Hội nghị CG năm ngoái, tổng vốn tài trợ cam kết dành cho Việt Nam đạt 7,9 tỷ USD. Trong khoản này có 500 triệu USD từ WB hỗ trợ riêng để khắc phục những tác động của khủng hoảng kinh tế toàn cầu.
Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cho biết, năm 2010, Việt Nam đã giải ngân 2,941 tỷ USD là mức cố gắng song theo đánh giá của các bên tài trợ là vẫn còn chậm.
Theo dự báo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, mức giải ngân trong cả năm 2011 có thể đạt khoảng 3,65 tỷ USD, tăng khoảng 10% so với năm 2010. Riêng tính đến nay đã giải ngân được 3,2 tỷ USD. Dù vậy, phần giải ngân vẫn mới chỉ chiếm chưa đầy một nửa vốn vay cam kết.
Hải Minh