(GD&TĐ)-Ngày 8/8, Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 đã họp phiên thứ nhất tại Hà Nội nhằm thống nhất quy chế, kế hoạch hoạt động của Ủy ban và dự thảo Kế hoạch tổng kết thi hành Hiến pháp 1992. Chủ tịch QH, Chủ tịch Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 Nguyễn Sinh Hùng chủ trì phiên họp.
Chủ tịch QH, Chủ tịch Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 Nguyễn Sinh Hùng chủ trì phiên họp |
Theo dự thảo Quy chế hoạt động, Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 có nhiệm vụ thảo luận các vấn đề thuộc nội dung dự thảo sửa đổi, bổ sung Hiến pháp; tổ chức tổng kết thi hành Hiến pháp 1992; tập hợp ý kiến nhân dân, các ngành, các cấp...
Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 cũng có nhiệm vụ khảo sát, đánh giá thực trạng quan hệ xã hội và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến nội dung sửa đổi Hiến pháp và biên soạn, chỉnh lý các văn bản này.
Trong kế hoạch dự kiến, việc tổng kết thi hành Hiến pháp 1992 phải bảo đảm tính toàn diện, đánh giá khách quan và đúng đắn những giá trị tư tưởng chính trị - pháp lý được thể hiện trong Hiến pháp; những thành tựu đạt được, những hạn chế, tồn tại và nguyên nhân.
Đa số các ý kiến góp ý tại phiên họp tập trung vào thành phần dự kiến của Ban biên tập dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 - đơn vị có chức năng giúp việc cho Ủy ban. Các thành viên Ủy ban đề nghị để bảo đảm chất lượng của dự thảo, cần chọn lựa vào bộ phận này những chuyên gia có nhiều kinh nghiệm, chuyên sâu trong lĩnh vực nghiên cứu Hiến pháp, trong đó cũng cần bổ sung các chuyên gia hoạt động trong lĩnh vực kinh tế; đề nghị bổ sung các chuyên gia giảng dạy pháp luật tại các trường đại học luật ở cả ba miền đất nước tham gia vào Ban Biên tập; bổ sung các chuyên gia thuộc thành phần dân tộc thiểu số để bảo đảm tính hài hòa.
Bên cạnh đó, các ý kiến cũng đề nghị đăng tải trên các cơ quan báo chí về những nội dung cần sửa đổi, bổ sung; đồng thời tổ chức để người dân tham gia trực tiếp vào việc góp ý sửa đổi Hiến pháp; coi đây là đợt sinh hoạt chính trị rộng rãi trong nhân dân để tạo đồng thuận cao trong toàn xã hội.
Kết luận phiên họp, Chủ tịch QH, Chủ tịch Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 Nguyễn Sinh Hùng cho rằng, các thành viên của Ủy ban đã quán triệt tốt tính hệ trọng, thời đại và trách nhiệm trong việc xây dựng dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992; đồng thời lưu ý, quá trình hoạt động của Ủy ban phải bảo đảm nguyên tắc sự lãnh đạo của Đảng, đồng thời cũng giữ vững nguyên tắc tập trung, dân chủ, lấy ý kiến rộng rãi của các tầng lớp nhân dân.
Chủ tịch QH cũng khẳng định, hoạt động của Ủy ban phải đáp ứng các yêu cầu về khoa học pháp lý, bám sát Cương lĩnh, đường lối chủ trương của Đảng kết hợp với tình hình thực tiễn, xu thế thời đại để có dự thảo sửa đổi có chất lượng cao.
Chủ tịch Quốc hội đồng ý phân công ông Phan Trung Lý, Chủ nhiệm Ủy ban pháp luật của Quốc hội, Ủy viên Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, Trưởng Ban Biên tập là Người phát ngôn của Ủy ban.
Xuân Hương