Thông điệp nhân văn từ “Giấc mơ 0đ”

GD&TĐ - Bộ phim “Giấc mơ 0đ” hứa hẹn sẽ mang đến tiếng cười cũng như thông điệp nhân văn sâu sắc với khán giả. Trong đó, nhiều cảnh quay đặc sắc, gây sự tò mò được thể hiện qua tài năng của dàn diễn viên.

Phim quy tụ dàn diễn viên gạo cội.
Phim quy tụ dàn diễn viên gạo cội.

Thông điệp nhân văn từ cảnh hài lẫn bi

Đạo diễn, diễn viên Phan Anh.

Đạo diễn, diễn viên Phan Anh.

“Giấc mơ 0đ” là bộ phim đầu tay của đạo diễn, diễn viên Phan Anh. Chia sẻ về bộ phim này, anh cho biết: “Phim mang đề tài xã hội, thông điệp kép. Mở đầu cảnh phim, quay đặc tả xóm trọ mang thông điệp “Hãy ước mơ khi bạn còn sống, còn không có ước mơ khi bạn đã chết”. Nghĩa là làm người phải có ước mơ, đây cũng là thông điệp đầu tiên.

Tuy nhiên, những con người có quá nhiều ước mơ, hoài bão, kỳ quặc, xa rời thực tế thì thông điệp tiếp theo là cần phải thực tế, hiện thực hóa nó. Nếu viển vông, hão huyền thì giấc mơ chỉ đáng giá 0 đồng”.

Theo đạo diễn Phan Anh, phim có vui, có buồn, tuy nhiên có những cảnh quay buồn cười, dù là diễn viên chuyên nghiệp cũng phải cười trực tiếp ngay tại phim trường. Phim có đầy đủ cung bậc cảm xúc thì khán giả mới cảm nhận được.

Nhiều khi, chỉ hài hước, vui quá thì không có khoảng lặng hoặc trầm. Mà buồn quá thì người xem cảm giác nặng nề. Vì vậy, trong bộ phim, đạo diễn xen cả hài hước lẫn bi ai.

Về ý tưởng thực hiện bộ phim, diễn viên Phan Anh cho biết, xuất phát từ ý tưởng của đạo diễn Mai Hồng Phong - cố vấn nghệ thuật - cho rằng, mỗi người có thể trở thành nạn nhân từ chính giấc mơ của mình nên anh đã phát triển ra bộ phim này.

Để khai phá những cảnh quay lung linh trong bộ phim, trước khi quay, ê-kíp đã làm việc rất kỹ với từng diễn viên, phân tích tâm lý, hoàn cảnh, xuất thân từng nhân vật, qua từng cảnh quay tâm lý nhân vật sẽ biến chuyển như thế nào?…

Đạo diễn Phan Anh tự tin với các vai diễn trong phim tương đối tròn trịa và khi bộ phim ra mắt, sẽ có nhiều người phải khóc và nghĩ về cuộc đời, nhưng họ vẫn có giây phút thăng hoa vui vẻ vì có nhiều cảnh hài hước.

Đạo diễn Phan Anh đã lựa chọn những diễn viên chuyên nghiệp, có tên tuổi tại Nhà hát Tuổi trẻ, Nhà hát Kịch Trung ương như diễn viên Phú Đôn, Thanh Tú, Kim Cương, Thanh Dương... Bộ phận sản xuất, quay phim cũng là những cái tên nổi tiếng như Phạm Thanh Tùng, Trịnh Ngọc Anh...

Ngoài ra, đạo diễn lựa chọn xóm trọ để quay vì có bối cạnh phù hợp với bộ phim “Giấc mơ 0đ”. Trong bộ phim, xóm trọ là nơi tập hợp những người có giấc mơ riêng, nhiều mảnh đời ghép lại, ai cũng có số phận riêng.

Đạo diễn Phan Anh cho rằng, bộ phim “Giấc mơ 0đ” gặp nhiều khó khăn từ khâu casting, dàn dựng, diễn xuất, lượng nhân vật nhiều.... Nhân vật trong phim là những người mà khi khán giả xem có thể sẽ thấy được sự gàn dở, dở hơi, suốt ngày mơ mộng hão huyền.

Tuy nhiên, những nhân vật đó vẫn phải nghiêm túc với giấc mơ của mình nhưng khi diễn vẫn phải toát lên được sự không bình thường của mình. Thông thường, dạng phim kiểu này chỉ có 1 đến 3 vai có số phận, còn lại là vệ tinh xung quanh để đẩy nhân vật trung tâm lên. Trong phim “Giấc mơ 0đ”, các diễn viên trong xóm trọ đều là vai chính, có số phận.

Dự kiến, bộ phim “Giấc mơ 0đ” có 6 - 7 tập với thời lượng 20 - 25 phút/tập. Phim ra mắt khán giả vào tháng 12/2021, phát sóng trên nền tảng mảng xã hội.

Mỗi nhân vật một số phận

Thông điệp nhân văn từ “Giấc mơ 0đ” ảnh 2

Đạo diễn, diễn viên Nguyễn Quốc Hùng - vai ông Kê (chủ xóm trọ) - cho biết: “Kịch bản có nhiều tình tiết thú vị, cảnh ấn tượng. Trong quá trình đóng phim, kịch bản có chút thay đổi nên cần phải sửa những lời thoại. Lời thoại của tôi với những tình huống thực tế nên phải sửa sao cho phù hợp”.

Chia sẻ về vai ông Thơ trong bộ phim, diễn viên Phú Đôn cho biết: “Không phải là nhà thơ nhưng ông Thơ có tâm hồn thơ, ước mơ làm thơ như tên của mình vậy. Tuy nhiên, vợ không bằng lòng nên đã đuổi đi và khi ông đến xóm trọ thì đặt mục tiêu nuôi dưỡng giấc mơ đó”.

Nói về khó khăn đối với vai diễn này, diễn viên Phú Đôn bày tỏ: “Về tâm lý thì không khó. Ai cũng thế, khi đã được đào tạo một cách chính thống thì đều có cách khai thác nhân vật qua tâm lý chứ không phải hình thức. Hệ chung gọi là phương pháp hiện thực tâm lý. Tất cả nhân vật đều bắt nguồn từ tâm lý, khi khai thác tâm lý đúng sẽ ra nhân vật đúng.

Vai ông Thơ không phức tạp về tâm lý, khó khăn chút là về kỹ năng. Nhân vật hay làm thơ nên phải chế thơ. Có khi câu không phải là thơ thì chế thành thơ, còn câu là thơ thì chuyển sang thành lời, miễn sao cho hợp lý”.

Trong phim, diễn viên Thanh Dương đóng vai ông Nội là một cựu chiến binh về hưu, có ước mơ luôn muốn cháu của mình trở thành vĩ nhân nhưng con cái phản đối và cho rằng hoang tưởng nên đã gây ra xích mích lớn. Vì vậy, ông đã đến khu trọ này. Trong phim, ông đóng với con búp bê - được xem là người cháu.

Vai diễn đặc biệt của bộ phim là “Yên cô tiên” do Châu Uyên (sinh viên năm cuối Trường Đại học Sân khấu Điện ảnh Hà Nội) thủ vai. Là gái làng chơi nhưng Yên không cần tiền.

Cô muốn dùng thân thể của mình để giải cứu những người đàn ông đang quá độ tuổi hồi xuân. Có thể, khán giả nghĩ phim sẽ có nhiều cảnh nóng, tuy nhiên, theo ê-kíp, phim mang yếu tố nhân văn nên cảnh nóng sẽ không được thực hiện mà chỉ có thể lột tả qua diễn xuất.

Anh Nguyễn Văn Ngọc - Tổ chức sản xuất và làm kế hoạch - chia sẻ: “Để chọn được những diễn viên phù hợp, nội dung trau chuốt hơn, ê-kíp làm phim đã gặp rất nhiều khó khăn. Đầu tiên, là khâu chọn diễn viên.

Để chọn được nhưng diễn viên phù hợp, ê-kíp đã mất rất nhiều thời gian để chọn lọc ra những nhân vật xuất sắc. Trong đó, diễn viên khó chọn nhất là vai của ông Thơ - người đàn ông bị vợ đuổi ra khỏi nhà vì muốn làm thơ để giải cứu thế giới”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ