Tổng số tiền nợ đọng thuế trên 88.000 tỷ đồng

GD&TĐ - Sáng nay (22/10), thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng trình bày Tờ trình trước Quốc hội về dự thảo Nghị quyết về khoanh tiền nợ thuế, xóa tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp đối với người nộp thuế không còn khả năng nộp ngân sách nhà nước.

Ảnh minh họa/internet
Ảnh minh họa/internet

Theo báo cáo tóm tắt của Chính phủ về xây dựng Dự thảo Nghị quyết nêu trên, trong thời gian qua, cơ quan quản lý thuế đã có nhiều nỗ lực trong việc thu hồi nợ đọng thuế.

Theo đó công tác quản lý nợ thuế đã đạt được kết quả quan trọng. Tỷ trọng tổng nợ trên tổng thu nội địa đã giảm mạnh từ 12,2% năm 2014, đến cuối tháng 8 năm 2019 giảm xuống ở mức 6,9%.

Tuy nhiên, tình hình nợ đọng thuế vẫn còn cao, tổng số tiền nợ thuế tính đến ngày 31/8/2019 là trên 88.000 tỷ đồng, tăng 8,2% so với thời điểm 31/12/2018, trong đó tiền nợ thuế không còn khả năng nộp ngân sách là gần 43.000 tỷ đồng, chiếm 48,7% tổng số tiền nợ thuế.

Theo báo cáo của Chính phủ, trong số nợ đọng thuế nêu trên, theo thống kê, đánh giá của cơ quan quản lý thuế, là do người nộp thuế đã chết, mất tích, mất năng lực hành vi dân sự, tự giải thể, phá sản, bị thiên tai, thảm họa bất ngờ không còn khả năng nộp ngân sách nhà nước.

Luật Quản lý thuế quy định tiền chậm nộp là 0,03%/ngày tính trên số tiền thuế chậm nộp, quy định này là chế tài xử lý cần thiết. Tuy nhiên, do người nộp thuế đã chết, mất tích, mất năng lực hành vi dân sự hoặc các doanh nghiệp đang làm thủ tục giải thể, phá sản hoặc doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh thực tế đã ngừng hoạt động hoặc bị cơ quan có thẩm quyền thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh mà không còn khả năng nộp thuế nên số tiền chậm nộp ngày càng tăng theo thời gian; tổng số tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp cơ quan quản lý thuế đã tính và quản lý của các đối tượng nêu trên tính đến ngày 31/8/2019 là hơn 15.000 tỷ đồng, song thực tế không có khả năng thu hồi.

Về trách nhiệm trong việc nợ đọng thuế, báo cáo nêu rõ: Việc nộp thuế cho nhà nước là nghĩa vụ của người nộp thuế. Tuy nhiên trong quá trình hoạt động sản xuất kinh doanh có doanh nghiệp hoặc cơ sở sản xuất kinh doanh bị rủi ro, làm ăn thua lỗ, phải giải thể, phá sản không có khả năng nộp ngân sách nhà nước hoặc có trường hợp bỏ địa chỉ kinh doanh, có chủ doanh nghiệp bị chết, mất tích như báo cáo ở trên nên không có khả năng nộp thuế cho ngân sách nhà nước.

Về trách nhiệm của cơ quan quản lý thuế: căn cứ vào quy định pháp luật hiện hành, cơ quan quản lý thuế đã tích cực xử lý nợ đọng thuế, Bộ Tài chính đã ban hành chỉ thị về xử lý nợ đọng, trên cơ sở đó các cơ quan quản lý thuế đã xây dựng phương án thu hồi nợ, báo cáo UBND tỉnh, thành phố phê duyệt, phân công trách nhiệm cho các đơn vị, cá nhân trong việc thu nợ.

Như vậy kết quả thu nợ trong những năm qua khá tốt, đạt 80% số nợ có khả năng thu hồi. Tuy nhiên, một số đơn vị mới tập trung vào thu các khoản nợ có khả năng thu hồi, còn nợ đọng chưa được xử lý dứt điểm do chưa có cơ chế để thực hiện.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa: ITN

Cách cảm thụ một câu thơ hay

GD&TĐ - Nhà thơ sáng tạo nên câu thơ hay bằng cách nào? Người đọc cảm thụ câu thơ hay cần chú ý những phương diện sáng tạo nghệ thuật nào của nhà thơ?
Nhiều nhà tuyển dụng e ngại làm việc với “gen Z” vì sự khác biệt thế hệ.

'Gen Z' và 'mác' lười biếng

GD&TĐ - Trên một số diễn đàn, hội nhóm chia sẻ kinh nghiệm làm việc, nhiều nhà tuyển dụng, quản lý cho biết cảm thấy khá e ngại khi làm việc với thế hệ trẻ...