Tổng cục Đường bộ công bố kết quả kiểm tra thu phí Dầu Giây sau vụ cướp 2,2 tỉ đồng

Sáng 26-2, Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho biết đã có kết quả kiểm tra công tác thu phí tại trạm thu phí Dầu Giây thuộc tuyến cao tốc TP. HCM - Long Thành - Dầu Giây sau vụ cướp 2,2 tỉ đồng.

Cao tốc TP. HCM – Long Thành – Dầu Giây - Ảnh: Quang Định
Cao tốc TP. HCM – Long Thành – Dầu Giây - Ảnh: Quang Định

Đoàn kiểm tra của Tổng cục Đường bộ Việt Nam (ĐBVN) đã kiểm tra hồ sơ thu phí từ ngày 28-1 đến ngày 8-2, nhằm thẩm tra tính minh bạch trong công tác thu phí tại trạm.

Theo hồ sơ lưu tại trạm vào các ngày trên, trạm thu phí Dầu Giây thu được khoảng 13,271 tỉ đồng, trung bình một ngày đêm (3 ca) thu được 1,1 tỉ đồng; đã nộp vào tài khoản ngân hàng hơn 10,5 tỉ đồng; bị cướp ngày 7-2 là 2,22 tỉ đồng, tiền thu phí còn tồn quỹ 465,08 triệu đồng.

Kiểm tra các giấy tờ liên quan cho thấy chứng từ thu phí được lập đầy đủ theo quy định tại Quy trình tổ chức hoạt động thu phí đường cao tốc TP. HCM - Long Thành - Dầu Giây.

Theo Tổng cục ĐBVN, báo cáo về vụ cướp mà Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) công bố có nêu ngày 7-2 tại trạm thu phí Dầu Giây xảy ra vụ cướp 2,22 tỉ đồng từ két của trạm. 

VEC công bố tại thời điểm bị cướp, số tiền mặt có tại két phòng kế toán vé thẻ hơn 3,23 tỉ đồng, trong đó gồm tồn quỹ dự phòng khẩn cấp: 80,2 triệu đồng; doanh thu giữ lại để đổi tiền lẻ dịp tết là: 600 triệu đồng; số tiền thu phí của 8 ca từ ca 2 ngày 4-2 đến hết ca 3 ngày 6-2 là 2,55 tỉ đồng.

Tổng cục ĐBVN đã kiểm tra chứng từ liên quan đến số tiền thu phí của 8 ca từ ca 2 ngày 4-2 đến hết ca 3 ngày 6-2 cho thấy các chứng từ thu phí được lưu đầy đủ, các báo cáo thực hiện theo quy trình thu phí tại trạm. Tổng số tiền thu phí của trạm 8 ca từ ca 2 ngày 4 - 2 đến hết ca 3 ngày 6- 2 hơn 2,55 đồng (bình quân 318.807.500 đồng/ca).

Tổng cục này đánh giá con số trên trùng khớp đúng với báo cáo của VEC trước đó. Quá trình kiểm tra, việc thực hiện công tác thu phí từ các khâu phát hành vé thẻ, thu phí, đối soát, nộp tiền đến tổng hợp báo cáo tại trạm thu phí Dầu Giây đảm bảo theo Quy trình thu phí được duyệt.

Về công nghệ thu phí, theo Tổng cục ĐBVN tháng 5 - 2017, tuyến cao tốc TP. HCM - Long Thành - Dầu Giây đã sử dụng hệ thống thiết bị và phần mềm thu phí kín được cung cấp, lắp đặt theo gói thầu số 4 bởi Liên danh nhà thầu Toshiba - Hitachi - Itochu (Nhật Bản).

Nhà thầu cam kết trong thời gian bảo hành, nhà thầu đã và sẽ không chỉnh sửa phần mềm của hệ thống thu phí để làm cho hệ thống này có các chức năng khác biệt so với chỉ dẫn kỹ thuật của hợp đồng thầu và các yêu cầu bổ sung đã được phê duyệt của chủ đầu tư (có bản cam kết của nhà thầu).

Về dữ liệu thu phí, hình ảnh, thông tin xe qua trạm phù hợp với video được lưu. Số lượng, hình ảnh, video xe qua trạm trong các ngày từ 28-1 đến ngày 8-2 phù hợp với báo cáo doanh thu trong ngày.

Danh sách xe qua kiểm đếm trực tiếp trong các bảng đếm xe ngày 21-2 phù hợp với dữ liệu lưu trữ trong phần mềm giám sát hậu kiểm. Số lượng xe đếm được, phân loại xe, mệnh giá thu trong công việc thực hiện đếm xe ngoài hiện trường khớp với số liệu của phần mềm giám sát hậu kiểm;

Kết quả đối chiếu kiểm tra số lượng xe đếm được, phân loại xe, mệnh giá thu, doanh thu báo cáo trong 08 ca từ ca 2 ngày 4-2 đến hết ca 3 ngày 6-2 là trùng khớp.

Như Tuổi Trẻ Online đã thông tin sau vụ cướp tiền vào sáng 7- 2 tại trạm thu phí Dầu Giây, một số luồng thông tin đặt vấn đề về doanh thu thu phí của tuyến cao tốc này và tính minh bạch trong công tác thu phí của các tuyến cao tốc do VEC quản lý, vận hành khai thác.

VEC cho biết hiện đang quản lý 4 tuyến cao tốc gồm Cầu Giẽ - Ninh Bình, Nội Bài – Lào Cai, Đà Nẵng – Quảng Ngãi và TP.HCM– Long Thành – Dầu Giây.

VEC khẳng định các dự án cao tốc của đơn vị này không phải đầu tư theo hình thức BOT mà công tác thu phí nhằm trả nợ vốn vay và hoàn vốn đầu tư dự án

Khi trả lời câu hỏi của Tuổi Trẻ Online về thời gian thu phí, một lãnh đạo Công ty cổ phần dịch vụ Kỹ thuật đường cao tốc Việt Nam cho biết dự án này ban đầu dự kiến thời gian thu phí thu hồi vốn lên tới 32 năm.

Sau khi hoàn thành, dự án được các cấp có thẩm quyền nghiệm thu công trình và cho phép công ty thu phí thu hồi vốn trong thời gian khoảng 21 năm kể từ năm thu đầu tiên 2013.

Theo Tuoitre.vn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Sinh viên Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội học thực hành. Ảnh: Website nhà trường

Các trường có 'nhờn luật'?

GD&TĐ - Thanh tra Bộ GD&ĐT đã có Kết luận về việc thực hiện quy định trong tự chủ mở ngành đào tạo các trình độ giáo dục đại học...