Tổng Bí thư, Chủ tịch nước dự Hội nghị Công an toàn quốc

GD&TĐ - Sáng 3/1, Hội nghị Công an toàn quốc lần thứ 74 khai mạc tại Hà Nội. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đến dự và phát biểu chỉ đạo. Thượng tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an chủ trì Hội nghị.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại Hội nghị - Ảnh: TTXVN
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại Hội nghị - Ảnh: TTXVN

Phát biểu tại Hội nghị, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước ghi nhận, đánh giá cao sự nỗ lực cố gắng và đóng góp to lớn của lực lượng Công an nhân dân vào thành tựu chung của đất nước; ghi nhận và tôn vinh những tấm gương cán bộ, chiến sĩ công an thực sự "Vì nước quên thân, vì dân phục vụ".

Năm 2018 và nửa nhiệm kỷ qua, lực lượng Công an nhân dân đã thực hiện tốt vai trò nòng cốt trong giữ vững an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự an toàn xã hội, bảo vệ cuộc sống bình yên của nhân dân, được cộng đồng quốc tế đánh giá là đất nước thanh bình, là điểm đến an toàn của bạn bè quốc tế. 

Lực lượng công an đã chủ động nắm, phân tích, dự báo sát đúng tình hình; thực hiện tốt chức năng tham mưu với Đảng, Nhà nước trong hoạch định các chủ trương, chính sách, hoàn thiện thể chế và huy động các nguồn lực để bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc, bảo vệ an ninh, an toàn xã hội, góp phần bảo vệ Đảng, bảo vệ chế độ, củng cố niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân.

Lực lượng công an đã tích cực triển khai thực hiện việc đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, gắn với tăng cường xây dựng Đảng, xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp theo các Nghị quyết số 04, 18 và 26 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII; chủ động tham mưu, đề xuất để Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 22, Chính phủ ban hành Nghị định số 01, Quốc hội thông qua Luật Công an nhân dân (sửa đổi).

Đảng ủy Công an Trung ương, Bộ Công an đã chủ động đổi mới phương pháp lãnh đạo, chỉ huy, đẩy mạnh các phong trào thi đua, xây dựng phong cách làm việc gần dân, sâu sát cơ sở; khẩn trương sắp xếp đội ngũ cán bộ đồng thời với việc đổi mới, sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy; thẳng thắn chỉ ra, xử lý và đề xuất xử lý một số cán bộ, đảng viên có biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống. Thực tế cho thấy, việc xử lý nghiêm một số cán bộ có sai phạm không hề làm giảm vị thế, uy tín của công an như có người lo ngại, mà ngược lại, càng khẳng định quyết tâm chính trị mạnh mẽ, bản lĩnh, sức mạnh kỷ luật, kỷ cương, nâng cao uy tín của lực lượng Công an nhân dân.

Công tác quản lý nhà nước, hoàn thiện hệ thống pháp luật về an ninh, trật tự được chú trọng; cải cách hành chính và kiểm soát thủ tục hành chính trong công an được đẩy mạnh; bước đầu củng cố vững chắc, đồng bộ hơn các cơ sở pháp lý trong tổ chức và hoạt động của lực lượng công an, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động của tổ chức, doanh nghiệp và người dân…  

Công an Việt Nam có vai trò ngày càng quan trọng trong giải quyết các vấn đề quốc tế về đấu tranh phòng, chống tội phạm; tham gia sâu rộng, có hiệu quả và thực chất hơn vào các cơ chế hợp tác an ninh khu vực và toàn cầu; tạo được thế trận mới, vững chắc.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước cũng chỉ rõ những khuyết điểm, tồn tại ngành công an cần khắc phục trong thời gian tới, như công tác nắm, dự báo và xử lý tình hình, nhất là ở một số công an địa phương vẫn còn hạn chế; một số vụ việc chưa được phát hiện, báo cáo kịp thời, dẫn đến lúng túng trong xử lý, giải quyết.

Công tác đấu tranh với tội phạm kinh tế, tham nhũng ở một số địa phương còn hạn chế. Công tác phòng, chống cháy nổ, cứu nạn, cứu hộ chưa đạt kết quả như mong muốn; còn để xảy ra nhiều vụ cháy, nổ gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.

Chất lượng đội ngũ cán bộ ở một số đơn vị, địa phương chưa đáp ứng yêu cầu; việc đánh giá, bố trí cán bộ một số trường hợp chưa được quan tâm đúng mức.

Trên cơ sở phân tích thời cơ, thuận lợi và những khó khăn, thách thức, yêu cầu nhiệm vụ đặt ra đối với ngành công an trong năm 2019 và những năm tiếp theo của nhiệm kỳ Đại hội XII của Đảng, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nhấn mạnh năm nhiệm vụ trọng tâm ngành công an cần tập trung thực hiện tốt.

Trước hết, ngành công an cần tiếp tục thực hiện đạt hiệu quả cao nhất các mục tiêu, nhiệm vụ đã được nêu trong Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII, Đại hội Đảng bộ Công an Trung ương lần thứ VI; nhanh chóng hoàn thiện cơ chế, đổi mới phương thức lãnh đạo của cấp ủy và tổ chức đảng trong công an các cấp, thống nhất, xuyên suốt từ Trung ương đến cơ sở; xây dựng cơ chế phối hợp chặt chẽ giữa Đảng ủy Công an Trung ương với các tỉnh ủy, thành ủy; làm tốt công tác quy hoạch, bồi dưỡng, giới thiệu nhân sự công an tham gia cấp ủy các cấp nhiệm kỳ 2020 - 2025, tiến tới Đại hội lần thứ XIII của Đảng.

Toàn ngành phát huy vai trò nòng cốt giữ vững an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự an toàn xã hội trong mọi tình huống; tuyệt đối không chủ quan, để bị động, bất ngờ; chủ động dự báo sớm, đánh giá đúng tình hình.

Toàn ngành cần tiếp tục đổi mới các mặt công tác, chủ động phòng ngừa, đấu tranh ngăn chặn kịp thời, hiệu quả các âm mưu, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, ngăn ngừa khủng bố, gây rối, phá hoại.

Trong xử lý các vấn đề phức tạp về an ninh, trật tự, phải quán triệt sâu sắc quan điểm "lấy dân làm gốc" và đề cao phương châm 4 tại chỗ: "Chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ và hậu cần tại chỗ"; có đối sách sắc bén, kịp thời, phù hợp với từng vụ việc cụ thể; xác định rõ trách nhiệm, thẩm quyền của các cấp, các lực lượng, vai trò, trách nhiệm của người chỉ huy, người đứng đầu, chủ động phối hợp, hiệp đồng tác chiến với các lực lượng.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước căn dặn, ngành công an cần chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng trong phòng ngừa, đấu tranh, không để kẻ địch, phần tử xấu thâm nhập, lôi kéo, móc nối, tác động "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ.

Ngành công an cần nâng cao hơn nữa chất lượng và hiệu quả phối hợp, hiệp đồng tác chiến giữa Công an nhân dân với Quân đội nhân dân và các cấp, các ngành trong việc thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ về chính trị, kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại.

Bên cạnh đó, ngành công an cần đẩy mạnh hoạt động hợp tác quốc tế, tiếp tục củng cố, mở rộng quan hệ hợp tác liên quan với các nước và các tổ chức quốc tế, kiên quyết đấu tranh với những hoạt động lợi dụng dân chủ, nhân quyền, hòng chống phá đất nước ta của các thế lực thù địch.

Toàn ngành cần tiếp tục xây dựng lực lượng công an thật sự trong sạch, vững mạnh, gần dân, sâu sát cơ sở, xứng đáng là lực lượng trung thành, tin cậy của Đảng, Nhà nước và nhân dân; chú trọng công tác giáo dục, rèn luyện cán bộ, chiến sĩ về đạo đức, lối sống, tác phong công tác, thái độ vì nhân dân phục vụ; phát huy tốt nhất hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy sau khi được sắp xếp kiện toàn.

Mỗi cán bộ, chiến sĩ công an phải nêu cao ý chí chiến đấu, thường xuyên tự soi, tự sửa, tự tu dưỡng, rèn luyện theo các yêu cầu về tư cách, phẩm chất, xây dựng cho bằng được các mối quan hệ (với tự mình, với đồng sự, với Chính phủ, với nhân dân, với đối tượng, đối tác và kẻ địch) như 6 điều Bác Hồ đã dạy.

Theo TTXVN

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ