Nâng cao nhận thức, trách nhiệm đối với công tác phụ nữ

GD&TĐ - Ngày 15/7, tại tỉnh Bạc Liêu, Ban Dân vận Trung ương tổ chức Hội nghị đánh giá một năm thực hiện Chỉ thị 21 của Ban Bí thư về tiếp tục đẩy mạnh công tác phụ nữ trong tình hình mới, gắn với việc thực hiện Chỉ thị 35 của Bộ Chính trị về Đại hội Đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.

Trưởng Ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai phát biểu tại hội nghị
Trưởng Ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai phát biểu tại hội nghị

Chủ trì hội nghị có bà Trương Thị Mai - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương; bà Nguyễn Thị Thu Hà - Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam; ông Nguyễn Quang Dương - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Bạc Liêu.

Theo Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam Nguyễn Thị Thu Hà, thực hiện Chỉ thị 21 của Ban Bí thư, các Tỉnh ủy, Thành ủy khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội đối với công tác phụ nữ; lồng ghép các chỉ tiêu về bình đẳng giới và công tác phụ nữ vào các chương trình, kế hoạch của địa phương; thực hiện có hiệu quả các hoạt động hỗ trợ xây dựng người phụ nữ phát triển toàn diện; xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh.

Các chính sách dành cho phụ nữ được cụ thể hóa qua việc xây dựng, triển khai thực hiện các đề án, chương trình như: phòng, chống xâm hại tình dục cho trẻ em gái (Vĩnh Long, An Giang); nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ nữ (Vĩnh Long, Kiên Giang); hỗ trợ phụ nữ kết hôn với người nước ngoài và con lai trở về địa phương (Cần Thơ)…

Nhiều tỉnh đã chỉ đạo sát sao việc đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của tổ chức hội; phát huy vai trò đại diện cho các tầng lớp phụ nữ thông qua hoạt động giám sát và phản biện xã hội. Các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long đã vận động xã hội hóa tốt nhất đáp ứng nguồn lực thực hiện đề án “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017 - 2025”. Các vấn đề liên quan trực tiếp đến phụ nữ như nước sạch, vệ sinh môi trường, nhà tiêu hợp vệ sinh, nhà trẻ trong khu công nghiệp, khu chế xuất… được quan tâm giải quyết.

Các đại biểu tham dự hội nghị đã thảo luận các khó khăn cũng như đưa ra những giải pháp đẩy mạnh công tác phụ nữ phù hợp với tình hình thực tế tại các địa phương.

Phát biểu kết luận hội nghị, Trưởng Ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai đánh giá cao người đứng đầu các cấp ủy đã quan tâm thực hiện công tác phụ nữ; các địa phương đều có các biện pháp cụ thể để thực hiện Chỉ thị 21 của Ban Bí thư.

Thực hiện Chỉ thị 35 của Bộ Chính trị, bà Trương Thị Mai yêu cầu các địa phương phải quan tâm hơn nữa việc đào tạo, bố trí cán bộ nữ giữ các chức vụ, nhất là cán bộ nữ tham gia Ban Thường vụ Tỉnh ủy các tỉnh, thành phố. Đồng thời, đề nghị các địa phương phải làm rõ hơn vấn đề tại sao tỷ lệ nữ tham gia Ban chấp hành cấp xã lại cao hơn cấp huyện, cấp tỉnh. Ngoài ra, cũng cần có giải pháp để đảm bảo sự vững chắc về tỷ lệ nữ tham gia ban chấp hành như hiện nay; tỷ lệ cán bộ nữ trẻ tham gia ban chấp hành các cấp.

Trưởng Ban Dân vận Trung ương nhấn mạnh, vấn đề đưa tỷ lệ nữ tham gia Ban chấp hành lên 15% trong thời gian tới ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long không phải là vấn đề khó nhưng làm sao tăng tỷ lệ nữ tham gia được Ban Thường vụ là vấn đề đáng quan tâm.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ