Kỳ vọng cải thiện nhân lực ngành Du lịch - Khách sạn

GD&TĐ - Thông qua các chương trình hợp tác giáo dục nghề nghiệp giữa Bộ LĐ-TB&XH Việt Nam và Bộ Giáo dục nghề nghiệp và Kỹ năng Úc mới được ký kết, nguồn nhân lực ngành Du lịch - Khách sạn được kỳ vọng sẽ cải thiện mạnh mẽ cả về số lượng và chất lượng trong thời gian tới.

Kỳ vọng cải thiện nhân lực ngành Du lịch - Khách sạn

Tham vấn đào tạo

Chia sẻ tại tọa đàm Hội đồng ngành trong lĩnh vực Du lịch - Khách sạn do Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp tổ chức mới đây, ông Michael Bennett – Giám đốc điều hành Mạng lưới đào tạo khách sạn Úc, cho biết: Các doanh nghiệp luôn đóng vai trò nòng cốt trong việc định hướng và quyết định chính sách giáo dục nghề nghiệp. Sự tham gia của doanh nghiệp vào hệ thống giáo dục nghề nghiệp là cần thiết bởi Chính phủ cần phát triển các chương trình đào tạo phù hợp với nhu cầu của doanh nghiệp, đảm bảo các kỹ năng đáp ứng nhu cầu công việc hiện tại và tương lai, đồng thời khuyến khích doanh nghiệp tham gia đào tạo.

Cơ quan trực thuộc Chính phủ Úc là Hội đồng Doanh nghiệp và Kỹ năng nghề, có nhiệm vụ xây dựng và thi hành các chính sách nhằm trợ giúp doanh nghiệp trong việc phát triển kỹ năng và tổ chức đào tạo nghề.

Tham mưu cho Hội đồng Doanh nghiệp và Kỹ năng nghề là Ủy ban Doanh nghiệp và Kỹ năng nghề, cơ quan này có vai trò giám sát việc thiết kế và xây dựng các gói đào tạo. Để thực hiện vai trò này, Ủy ban Doanh nghiệp và Kỹ năng nghề cần sự tư vấn trực tiếp từ các Ủy ban tham vấn ngành (IRCs), như Ủy ban tham vấn ngành Du lịch, ngành Y tế…

Ủy ban tham vấn ngành bao gồm các chuyên gia kinh nghiệm, giàu kỹ năng và vốn hiểu biết về khối ngành đến từ doanh nghiệp có nhiệm vụ đề xuất cơ chế liên kết, phối hợp với doanh nghiệp, đây là nội dung mấu chốt của việc xây dựng các gói đào tạo.

Thành lập Hội đồng kỹ năng

Triển khai các gói đào tạo phù hợp với doanh nghiệp, bà Melinda Brown – Giám đốc phụ trách chung của SkillsIQ cho rằng, cần khuyến khích các doanh nghiệp hợp tác với cơ sở giáo dục nghề nghiệp tham gia hoạt động đào tạo. Doanh nghiệp sẽ dẫn dắt việc phát triển các tiêu chuẩn năng lực, điều này có ý nghĩa trong việc cập nhật các gói đào tạo.

Doanh nghiệp thông qua kế hoạch đào tạo và các môn tự chọn đáp ứng yêu cầu của từng vị trí công việc. Doanh nghiệp cung ứng đội ngũ giảng viên có kỹ năng và kinh nghiệm trong doanh nghiệp. Bên cạnh đó, sự tham gia của doanh nghiệp vào quá trình đánh giá người học là rất cần thiết.

Theo TS Trương Anh Dũng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, trong thời gian vừa qua, chính phủ Úc đã hỗ trợ Việt Nam rất nhiều trong lĩnh vực phát triển giáo dục nghề nghiệp. Thông qua chương trình hợp tác chiến lược, biên bản ghi nhớ giữa Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Việt Nam và Bộ trưởng Bộ Giáo dục nghề nghiệp và Kỹ năng Úc sẽ được triển khai thiết thực và hiệu quả trong thời gian tới.

Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp đang nghiên cứu và tiếp thu những ý kiến cũng như kinh nghiệm từ phía Úc để trong thời gian tới, xây dựng Hội đồng ngành Du lịch và Hội đồng ngành trong một số lĩnh vực khác. Mục tiêu đặt ra trong năm 2018 là thành lập được Hội đồng Kỹ năng ngành, bộ tiêu chuẩn kỹ năng ngành Du lịch.

“Đào tạo không phải là nhiệm vụ chính của doanh nghiệp. Do vậy phải dựa vào các cơ sở đào tạo để thực hiện đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng cao. Để mối quan hệ hợp tác tốt, thì cả doanh nghiệp và cơ sở đào tạo cần hiểu rõ nhu cầu và đáp ứng, bổ sung cho nhau, mang tới lợi ích cho cả hai bên” - bà Melinda Brown nhấn mạnh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ