Kỳ thi THPT quốc gia 2019: Các trường ĐH sẵn sàng phối hợp tổ chức thi

GD&TĐ - Năm 2019, Bộ GD&ĐT giao nhiệm vụ cho 207 trường ĐH, học viện, các trường ĐH, trường CĐ có nhóm ngành đào tạo giáo viên phối hợp tổ chức Kỳ thi THPTQG tại 63 cụm thi trên cả nước. Đến thời điểm này, công tác chuẩn bị của các trường đã hoàn tất; nhiều trường đã lên đường đến địa phương được giao nhiệm vụ phối hợp tổ chức thi.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Mọi khâu chuẩn bị đã hoàn tất

Được giao nhiệm vụ phối hợp tổ chức thi tại Nam Định, Trường ĐH Kinh tế Quốc dân đã huy động 680 cán bộ, giảng viên; trong đó có 23 phó điểm trưởng, 23 thư ký, 39 cán bộ giám sát, 571 cán bộ coi thi, 11 thanh tra cắm chốt, cùng các cán bộ tham gia chấm thi, tham gia BCĐ và hội đồng thi. Đội ngũ cán bộ đông đảo này sẽ thực thi nhiệm vụ ở 23 điểm thi tại 7 huyện/thành phố của Nam Định.

PGS.TS Trần Thị Vân Hoa – Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế Quốc dân – Phó Trưởng Ban chỉ đạo (BCĐ) thi THPTQG 2019 tỉnh Nam Định cho biết: Ngay sau khi nhận nhiệm vụ phối hợp thi THPT tại tỉnh Nam Định, nhà trường đã chủ động liên hệ, trao đổi làm việc với BCĐ thi tỉnh Nam Định, Sở GD&ĐT tỉnh Nam Định để thống nhất phương án phối hợp. BCĐ thi tỉnh Nam Định đã họp 2 lần với các bên liên quan để phân công công việc, rà soát các khâu chuẩn bị. Đến nay, mọi công việc đã được hoàn tất và sẵn sàng cho kỳ thi.

“Theo kế hoạch, sáng 23/6/2019, Sở GD&ĐT Nam Định sẽ đón 23 phó điểm trưởng, 23 thư ký các điểm thi về triển khai nhiệm vụ và thống nhất qui trình phối hợp công tác giữa BCĐ với các điểm trưởng, điểm phó, các bên liên quan. Chiều 23/6 lãnh đạo điểm thi rà soát lần cuối công tác chuẩn bị tại từng điểm thi. Đúng 5 giờ sáng 24/6, nhà trường tổ chức lễ xuất quân cho 680 cán bộ, giảng viên đi làm nhiệm vụ” - PGS.TS Trần Thị Vân Hoa chia sẻ.

Năm nay, 802 cán bộ, giảng viên Trường ĐH Bách khoa Hà Nội sẽ làm nhiệm vụ phối hợp tổ chức thi tại 58 điểm thi thuộc 24 huyện của Thanh Hóa (tổng số điểm thi của tỉnh là 70). Đây đều là cán bộ cơ hữu từ các viện, phòng, ban của trường.

Theo PGS.TS Trần Trung Kiên – Trưởng phòng Tuyển sinh, Trường ĐH Bách khoa Hà Nội – đến thời điểm này công tác chuẩn bị đã hoàn tất, từ điều động cán bộ, tập huấn cán bộ, liên hệ với các điểm thi, chuẩn bị ăn ở. Nhà trường lên phương án vận chuyển các đoàn về tận điểm thi, không trung chuyển để tiết kiệm thời gian.

Năm 2019, Trường ĐH Giao thông Vận tải được giao nhiệm vụ phối hợp tổ chức thi THPTQG với tỉnh Hưng Yên; đảm nhận 17/28 điểm thi. PGS.TS Phó Hiệu trưởng Nguyễn Thanh Chương cho biết, nhà trường đã huy động 480 cán bộ, giảng viên tham gia kỳ thi với các nhiệm vụ: Giám thị phòng thi, giám sát, thư ký, phó điểm trưởng; ngoài ra còn huy động một lực lượng tham gia chấm thi trắc nghiệm.

Nhà trường đã tham gia BCĐ thi; phối hợp với tỉnh ra các quyết định giám thị, phụ trách tại các phòng thi, thanh tra và các Ban phục vụ kỳ thi. Cán bộ của trường đã tham gia tập huấn công tác coi thi cho các điểm trưởng, điểm phó, thư ký của các điểm và thanh tra; tham gia kiểm tra cơ sở vật chất, các điều kiện đảm bảo an toàn cho kỳ thi; chuẩn bị nơi nghỉ ngơi và sinh hoạt của các giám thị, BCĐ thicủa trường.

Ảnh minh họa
 Ảnh minh họa

Mỗi cán bộ là một “đại sứ” của nhà trường

Đây là điều được Trường ĐH Kinh tế Quốc dân quán triệt tới từng cán bộ được giao nhiệm vụ làm công tác thi THPTQG 2019. Để làm được điều này, nhà trường đặc biệt lưu ý nâng cao ý thức tổ chức, kỷ luật cho mỗi thành viên trong suốt thời gian làm thi, đảm bảo kỳ thi an toàn, nghiêm túc, thành công. An toàn, an ninh, truyền thông, kỷ luật phòng thi... là những “từ khóa” được nhấn mạnh tới từng cán bộ trước khi làm nhiệm vụ quan trọng tại địa phương.

“Chúng tôi coi đây là nhiệm vụ quan trọng. Do đó, các vị trí điểm phó là các cán bộ quản lý của trường; giám thị, thư ký, giám sát là các cán bộ giảng viên, trong đó huy động chủ yếu là các giảng viên có kinh nghiệm. Đặc biệt, đây là lần đầu nhà trường tham gia chấm thi tại tỉnh, nên cũng nhận thấy phải chú trọng hơn, trước hết phải làm quen và diễn tập các tình huống theo phần mềm của Bộ GD&ĐT đối với bộ phận chấm thi trắc nghiệm”. PGS.TS Nguyễn Thanh Chương cho hay. 

Với Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, để thông tin được thông suốt, quán triệt đến từng cán bộ, trường đã thành lập nhóm các trưởng đơn vị, các trưởng đoàn, thường xuyên trao đổi về các vấn đề liên quan, phát sinh trên group. Chia sẻ của Trưởng phòng Tuyển sinh Trần Trung Kiên, dù cán bộ của trường đã tham gia công tác thi nhiều năm, nhưng lãnh đạo nhà trường vẫn nhấn mạnh tầm quan trọng, coi đó vừa là trách nhiệm vừa là quyền lợi; đảm bảo tuyệt đối an toàn, đúng quy chế luôn luôn được đề cao và quán triệt đến từng cán bộ.

“Trường ĐH Bách khoa Hà Nội đã tổ chức 3 buổi tập huấn và 100% cán bộ làm công tác thi tham gia. Những thay đổi, điểm mới trong quy chế thi được nhấn mạnh, bảo đảm không có sai sót trong công tác thi tại các điểm mà trường làm nhiệm vụ” – PGS Trần Trung Kiên cho biết thêm.

Cho rằng năm nay Bộ GD&ĐT đã có những chỉ đạo rất sát sao, đầy đủ, hạn chế sai sót, lỗ hổng trong kỳ thi trước, PGS.TS Nguyễn Thanh Chương cũng chia sẻ quyết tâm của Trường ĐH Giao thông Vận tải trong chỉ đạo, chuyển xuống thành nhiệm vụ của các đơn vị, các khoa và đến từng cán bộ, giảng viên trong phối hợp tổ chức thi THPTQG.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ