Khởi động xử lý dioxin ở điểm nóng ô nhiễm lớn nhất Việt Nam

GD&TĐ - Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) và Quân chủng Phòng không - Không quân Việt Nam vừa khởi động dự án xử lý dioxin tại Sân bay Biên Hòa - điểm nóng ô nhiễm dioxin lớn nhất còn lại tại Việt Nam.  

Toàn cảnh buổi lễ khởi động dự án xử lý dioxin tại Sân bay Biên Hòa
Toàn cảnh buổi lễ khởi động dự án xử lý dioxin tại Sân bay Biên Hòa

Dự án sẽ xử lý ô nhiễm ở những khu vực có nguy cơ cao trong khoảng thời gian dự kiến là 10 năm với các phương pháp xử lý và cô lập tương tự như được sử dụng tại Sân bay Đà Nẵng.

Năm 2016, USAID đã hợp tác với Chính phủ Việt Nam hoàn thành đánh giá ô nhiễm dioxin tại Sân bay Biên Hòa - nơi lưu chứa và chiết nạp dioxin chính trong thời kỳ chiến tranh Việt Nam.

Theo kết quả đánh giá, khối lượng đất và trầm tích nhiễm dioxin cần xử lý là 500.000 m³, gấp gần bốn lần so với khối lượng đã xử lý tại Sân bay Đà Nẵng. Tiếp sau hoạt động đánh giá, USAID đã ký các thỏa thuận với Bộ Quốc phòng Việt Nam vào đầu năm 2018 cho giai đoạn đầu kéo dài 5 năm với kinh phí cam kết là 183 triệu đô la cho dự án xử lý ô nhiễm dioxin tại khu vực Sân bay Biên Hòa.

Là một trong những trụ cột quan trọng trong Quan hệ Đối tác Toàn diện Việt Nam-Hoa Kỳ, hai nước tiếp tục hợp tác thực hiện sứ mệnh nhân đạo là kiểm kê quân nhân mất tích trong chiến tranh và khắc phục các vấn đề di sản chiến tranh, trong đó có loại bỏ vật liệu chưa nổ, hỗ trợ người khuyết tật và xử lý ô nhiễm dioxin - bao gồm việc hoàn thành dự án xử lý môi trường ô nhiễm dioxin tại Sân bay Đà Nẵng vào tháng 11/2018, một dự án kéo dài 6 năm với trị giá 110 triệu đô la.

Phó Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Trương Hòa Bình, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, và Giám đốc USAID Việt Nam Michael Greene cùng các Thượng nghị sĩ Hoa Kỳ và Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Daniel J. Kritenbrink đã tham dự lễ khởi động dự án nhằm nhấn mạnh tầm quan trọng của những nỗ lực chung giữa Việt Nam và Hoa Kỳ trong việc làm sâu sắc hơn Quan hệ Đối tác Toàn diện thông qua khắc phục di sản chiến tranh.

Theo Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Sa mạc ngập vì mưa bất thường

GD&TĐ - Hầu hết các nhà khoa học đều có chung nhận định, biến đổi khí hậu có thể 'tiếp tay' gây ra tình trạng thời tiết cực đoan ở UAE.