Khó tin hàng nghìn trường học không có nhân viên y tế học đường

Khó tin hàng nghìn trường học không có nhân viên y tế học đường

Trường chuẩn cũng không có nhân viên y tế

Mặc dù là chuẩn quốc gia nhiều năm nay, nhưng Trường Mầm non Điện Biên (TP Thanh Hóa) vẫn không được biên chế nhân viên y tế học đường (YTHĐ). Thay vào đó, nhà trường phải tự tìm người có chuyên môn để ký hợp đồng làm việc theo thời vụ.

Bà Bùi Thị Thu – Hiệu trưởng nhà trường, cho biết, đối với bậc học mầm non, vấn đề chăm sóc sức khỏe, nuôi dưỡng cho học sinh phải là hàng đầu. Dù nhà trường đạt chuẩn quốc gia bao năm nay, nhưng hiện không có biên chế nhân viên YTHĐ.

"Dù không được biên chế nhân viên YTHĐ, nhưng vì tính bức thiết của hoạt động hàng ngày, nên nhà trường phải tự tìm người có chuyên môn để ký hợp đồng với họ. Cũng vì không có biên chế hay được ký hợp đồng không xác định thời hạn với nhân viên y tế, nên nhà trường không được trích từ nguồn học phí để trả lương. Do đó, nhà trường phải tự cân đối bằng các nguồn khác để tiết kiệm, dành một suất lương hàng tháng cho nhân viên YTHĐ theo thời vụ", bà Thu nói..

Bà Lê Thị Lan Anh – Hiệu trưởng Trường Mầm non Đông Thọ B (TP Thanh Hóa), cho biết, vấn đề biên chế nhân viên YTHĐ đối với trường mầm non hiện rất nan giải. Do không có nhân viên YTHĐ nên phải phối hợp với trạm y tế phường khi học sinh có "vấn đề" thì cùng xử lý. Chính vì vậy, nhiều phụ huynh học sinh rất lo lắng, mỗi khi cho con em đến trường học.

"Công tác y tế ở trường mầm non có vai trò hết sức quan trọng trong việc sơ cấp cứu, chăm sóc sức khoẻ ban đầu cho trẻ. Thế nhưng, do trường không có nhân viên YTHĐ, nên chúng tôi rất lo khi trẻ có biểu hiện bệnh lý đột xuất. Đặc biệt là trong giai đoạn hiện nay, khi dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến khó lường", bà Lan Anh chia sẻ.

Bà Mai Thị Ngọc – Phó Trưởng phòng GD&ĐT TP Thanh Hóa (phụ trách khối mầm non), cho biết, trên địa bàn có 42 trường mầm non công lập. Hầu hết, các trường đều đã đạt chuẩn quốc gia với mức độ khác nhau. Tuy nhiên, hiện chỉ mới 7 trường mầm non có nhân viên YTHĐ thuộc diện biên chế hoặc hợp đồng không xác định thời hạn. Số trường còn lại đều không có nhân viên YTHĐ.

"Các trường mầm non trên địa bàn thành phố không có nhân viên YTHĐ. Nhưng họ cũng không dám tự ý tìm người có chuyên môn y tế để ký hợp đồng. Bởi lẽ, nếu nhà trường tự ý ký hợp đồng, thì lấy đâu nguồn kinh phí để trả lương. Vì lý do đó, hàng chục trường mầm non dù đã đạt chuẩn quốc gia, nhưng tiêu chí về YTHĐ lại chưa chuẩn", bà Ngọc nói.

Thống kê ngành GD Thanh Hóa cho thấy, hiện trong hơn 2.000 trường học các cấp, mới chỉ vài chục trường có nhân viên YTHĐ. Còn lại đa số là nhân viên YTHĐ kiêm nhiệm hoặc không có. Chính vì thế, tại nhiều địa phương, 100% trường đều "trắng" nhân viên YTHĐ chuyên trách. Ví dụ, như: Huyện Hà Trung, Hậu Lộc, Đông Sơn... Đặc biệt, tại huyện vùng cao, biên giới Quan Sơn, có tới 41 trường học các cấp, nhưng đều "trắng" nhân viên YTHĐ.

Vì sao nhân viên YTHĐ thiếu trầm trọng?

Ngày 12/5/2016, Bộ Y tế và Bộ GD&ĐT đã ban hành Thông tư liên tịch số 13/2016/TTLT - BYT-BGDĐT quy định về công tác y tế trường học. Theo đó, trường học phải có phòng y tế riêng, bảo đảm diện tích, ở vị trí thuận tiện cho công tác sơ cứu, cấp cứu và chăm sóc sức khỏe học sinh. Phòng y tế của các trường học được trang bị tối thiểu 1 giường khám bệnh và lưu bệnh nhân. Phải có bàn làm việc, ghế, tủ đựng dụng cụ... và một số thuốc thiết yếu phục vụ cho công tác sơ cấp cứu, chăm sóc sức khỏe học sinh... Đối với các cơ sở giáo dục mầm non cần có các trang bị, dụng cụ chuyên môn và thuốc thiết yếu phù hợp với lứa tuổi, có sổ khám bệnh theo mẫu A1/YTCS quy định.

Đối với nhân viên y tế trường học, phải có trình độ chuyên môn từ y sĩ trung cấp trở lên. Căn cứ điều kiện thực tiễn tại địa phương, các trường học bố trí nhân viên y tế trường học đáp ứng quy định. Hoặc, nhà trường ký hợp đồng với Trạm Y tế xã, phường, thị trấn, cơ sở khám, chữa bệnh từ hình thức phòng khám đa khoa trở lên, để chăm sóc sức khỏe học sinh. Nhân viên y tế trường học phải được thường xuyên cập nhật kiến thức chuyên môn y tế thông qua các hình thức hội thảo, tập huấn, đào tạo theo quy định...

Mặc dù Thông tư liên tịch quy định như vậy, nhưng đến năm 2016, tỉnh Thanh Hóa lại ban hành một quyết định khác. Đó là Quyết định số 3185/QĐ –UBND, về việc quy định định mức biên chế cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên hành chính ở các trường học từ mầm non đến THCS công lập.

Cụ thể, đối với trường mầm non, mỗi trường được bố trí 1 nhân viên hành chính. Trường tiểu học hạng I, được bố trí 3 nhân viên hành chính. Trường tiểu học hạng II, được bố trí 2 nhân viên hành chính. Đối với cấp THCS, số nhân viên hành chính của mỗi trường và hạng trường cũng được bố trí từ 2 đến 3 nhân viên hành chính. Riêng hệ thống trường THCS dân tộc bán trú huyện, được bố trí 3 nhân viên hành chính. Còn trường THCS dân tộc nội trú huyện, được bố trí tới 8 nhân viên hành chính.

Có thể từ quyết định nêu trên của UBND tỉnh Thanh Hóa, dẫn tới việc các nhà trường thiếu đội ngũ nhân viên YTHĐ trầm trọng như đã nêu. Việc thiếu nhân viên YTHĐ ở các trường học của tỉnh Thanh Hóa, đã ảnh hưởng không nhỏ đến công tác nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ và học sinh. Bởi lẽ, thời gian học sinh ở trường chiếm phần lớn trong ngày, nhất là khi công tác bán trú đang ngày càng mở rộng. Nếu không được chăm sóc chu đáo, học sinh rất dễ mắc các bệnh về đường hô hấp, tiêu hóa, các bệnh về răng miệng, tai nạn thương tích...

Nhiều người cho rằng, trường học không có nhân viên YTHĐ chuyên trách sẽ là "kẽ hở" để mầm bệnh phát triển. Đặc biệt, trong tình hình hiện nay, khi dịch bệnh truyền nhiễm đang có nhiều diễn biến phức tạp.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ