Khai trương Trục liên thông văn bản quốc gia

GD&TĐ - Chiều ngày 12/3, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cùng lãnh đạo các cơ quan Trung ương, đại diện các vị khách quốc tế... đã thực hiện nghi thức khai trương Trục liên thông văn bản quốc gia.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cùng các vị lãnh đạo thực hiện nghi thức khai trương Trục liên thông văn bản quốc gia
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cùng các vị lãnh đạo thực hiện nghi thức khai trương Trục liên thông văn bản quốc gia

Việc Khai trương Trục liên thông văn bản quốc gia là một trong những bước đi trong lộ trình thực hiện Chính phủ điện tử, thúc đẩy việc triển khai thực hiện các quy định tại Thông tư sô 01/2019/TT-BNV và Thông tư số 02/2019/TT-BNV ngày 24 tháng 01 năm 2019 của Bộ Nội vụ, thúc đẩy quá trình chuyển đổi số tại các cơ quan nhà nước, phục vụ người dân, doanh nghiệp tốt hơn.

Theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng: Đây là một bước đột phá mạnh mẽ vào tư duy giấy tờ, quan liêu kiểu cũ để tạo lập nền tảng cho những bước phát triển mới của Chính phủ điện tử. Trục liên thông văn bản quốc gia là tiền đề của nền tảng tích hợp dữ liệu phục vụ xây dựng Chính phủ điện tử, hướng tới Chính phủ số, nền kinh tế số.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ phát biểu tại Lễ khai trương Trục liên thông văn bản quốc gia
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ phát biểu tại Lễ khai trương Trục liên thông văn bản quốc gia 

Đến nay có 95/95 cơ quan ở Trung ương và địa phương (gồm Văn phòng Trung ương Đảng; 31 bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương) đã hoàn thành kết nối các hệ thống quản lý văn bản và điều hành trên Trục liên thông văn bản quốc gia. Các phần mềm quản lý văn bản của bộ, ngành, địa phương đã được kết nối, liên thông cả theo chiều dọc và chiều ngang một cách thông suốt và có tính hệ thống, văn bản điện tử được gửi, nhận nhanh chóng, an toàn giữa các cơ quan nhà nước.

Có thể nói, trong bối cảnh các phần mềm quản lý văn bản và hồ sơ công việc của các bộ, ngành, địa phương được triển khai trên nhiều nền tảng kỹ thuật công nghệ khác nhau, phát triển trên các hệ điều hành khác nhau, chưa được kết nối với nhau, việc xây dựng Trục liên thông văn bản quốc gia có chức năng kết nối, liên thông các phần mềm quản lý văn bản và hồ sơ công việc của các bộ, ngành, địa phương là hết sức cần thiết.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ký ban hành văn bản trên hệ thống quản lý văn bản điện tử
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ký ban hành văn bản trên hệ thống quản lý văn bản điện tử 

Điều này sẽ giúp Chính phủ giảm đáng kể chi phí gửi, nhận văn bản giấy và thời gian gửi, nhận văn bản giữa các cơ quan nhà nước hàng năm, góp phần hỗ trợ thay đổi tác phong làm việc từ nền hành chính dựa trên văn bản giấy sang nền hành chính văn bản điện tử; đồng thời góp phần đẩy mạnh xây dựng Chính phủ điện tử, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các cơ quan nhà nước, phục vụ người dân và doanh nghiệp ngày càng tốt hơn.

Ông Huỳnh Quang Liêm, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn VNPT - một trong những đơn vị có vai trò quan trọng trong việc cung cấp dịch vụ và vận hành Trục liên thông văn bản quốc gia cho biết: “Ý tưởng về trục liên thông văn bản quốc gia đã được hình thành từ vài năm trước và việc triển khai chính thức Trục liên thông văn bản quốc gia sẽ là bước cơ bản cho quá trình chuyển đổi số của Chính phủ. Đây cũng là bước để chúng ta hình thành một nền điều hành Chính phủ không giấy tờ.

Trục liên thông văn bản quốc gia cũng sẽ giúp tăng năng suất hiệu quả hoạt động của chính quyền trong việc gửi, nhận các văn bản và qua đó giảm được chi phí, chính quyền hoạt động, điều hành hiệu quả hơn rất nhiều”.

Ngày 12/7/2018, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 28/2018/QĐ-TTg quy định về việc gửi, nhận văn bản điện tử thông qua kết nối, liên thông các hệ thống quản lý văn bản và điều hành giữa các cơ quan trong hệ thống hành chính nhà nước. Theo đó, Trục liên thông văn bản quốc gia là giải pháp kỹ thuật, công nghệ được triển khai từ VPCP tới các bộ, ngành, địa phương để kết nối, liên thông gửi, nhận văn bản điện tử.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ