Cocobay Đà Nẵng “chết” vì hoạt động “ngoài vòng pháp luật”?

GD&TĐ - Theo luật sư Ngô Huỳnh Phương Thảo, việc xây dựng hoặc bán condotel là không phù hợp với các quy định của pháp luật hiện hành. Nhưng không có cơ quan nào lên tiếng cảnh báo hay ngăn chặn.

Những hình ảnh hoành tráng của Dự án Cocobay Đà Nẵng
Những hình ảnh hoành tráng của Dự án Cocobay Đà Nẵng

Chưa đến chợ đã hết tiền

Ngày 16/11, Cocobay Đà Nẵng gặp mặt khách hàng năm 2019. Nhiều khách hàng “tá hỏa tam tinh” khi nhà đầu tư là Công ty Cổ phần Đầu tư phát triển và xây dựng Thành Đô (Tập đoàn Empire)… hết tiền trả lợi nhuận cam kết.

Trong thư gửi khách hàng, Công ty Thành Đô cho rằng, việc kinh doanh loại hình condotel thời gian qua gặp nhiều khó khăn. Nguyên do là tính pháp lý chưa hoàn thiện, gặp nhiều vướng mắc. Dù đã nỗ lực rất lớn, song đành phải xin lỗi vì đã không thể thực hiện được việc chi trả lợi nhuận 12%/năm theo cam kết trong hợp đồng. Từ 1/1/2020, chấm dứt chi trả lợi nhuận theo hợp đồng khi mua condotel tại dự án Cocobay Đà Nẵng.

Công ty Thành Đô đưa ra một số hướng cho khách hàng. Theo đó, khách hàng tiếp tục hợp tác với chủ đầu tư và tiến hành chuyển đổi các condotel thành căn hộ chung cư. Chi phí chuyển đổi dự kiến 15% giá trị căn hộ.

Được toàn quyền sử dụng như một căn hộ chung cư bình thường. Chủ sở hữu cũng có thể giao lại cho chủ đầu tư căn hộ đó để tiếp tục kinh doanh với những cam kết về thu nhập cố định hàng năm.

Hoặc vẫn giữ lại các condotel và tiếp tục để chủ đầu tư kinh doanh với bản hợp đồng mới 10 năm. Trong đó, lợi nhuận 3 năm đầu theo thị trường. Sau 3 năm thì lợi nhuận cố định hoặc 80% lãi từ kinh doanh sản phẩm này.

Thành Đô cũng gợi ý khách hàng thanh lý hợp đồng mua bán và giao lại sản phẩm condotel. Khách hàng tự kinh doanh, mua bán, chuyển nhượng mà không có bất kỳ một khoản lợi nhuận cam kết nào như đã ký. Khách hàng tự kinh doanh thì phải đóng một khoản phí vận hành, sử dụng nhất định.

Giải pháp tiếp theo là hai bên tiến hành thanh lý các condotel đã ký. Chủ đầu tư hoàn tiền cho khách hàng theo nguyên giá trong hợp đồng. Thành Đô sẽ khấu trừ một số khoản như: Chi phí hỗ trợ lãi vay ngân hàng, chi phí hoa hồng, phí phát hành bảo lãnh… và khách hàng bàn giao lại sản phẩm cho Công ty Thành Đô. Thời hạn chi trả chậm nhất đến 30/9/2020. Trong thời gian chưa chi trả, chủ đầu tư sẽ thanh toán lãi suất 10%/năm đối với số tiền đó.

Sẽ có hàng loạt condotel nối gót?

Thông báo “đau tim” dành cho khách hàng của Dự án Condotel Cocobay Đà Nẵng

Nhận định về giải pháp của chủ đầu tư, chia sẻ với Báo GD&TĐ sáng 26/11, luật sư Ngô Huỳnh Phương Thảo, Công Luật TAT Law firm cho rằng: “Việc tiếp tục trở thành condotel là một điều không thể xảy ra.

Vì như chúng ta đã biết, hiện loại hình này chưa được pháp luật ghi nhận. Bản chất nó chính là khách sạn, một sản phẩm nghỉ dưỡng du lịch, lưu trú. Cho nên, nếu chọn giải pháp này thì còn bế tắc dài”.

Giải pháp chuyển condotel trở thành nhà ở, đất ở, khiến luật sư này hết sức kinh ngạc. Bởi Cocobay Đà Nẵng là một dự án về du lịch lưu trú, được chính quyền địa phương cấp phép. Đất sử dụng trong trường hợp này chính là để sản xuất kinh doanh. Nó được Nhà nước quy hoạch phương án sử dụng đất. Cho nên, việc chuyển đổi thành nhà ở là điều bất hợp lý.

“Tôi không hiểu nội dung này trước khi đưa ra với khách hàng đã được thông qua chính quyền địa phương. Nó đã được chấp nhận hay chưa”, luật sư Thảo phân tích, nhận định.

Vị luật sư này cũng chỉ ra một chi tiết hết sức vô lý. Đó là nếu khi chuyển sang đất ở, nhà ở thì người mua nhà lại phải chịu thêm phí tổn 15% giá trị mua bán. Đây chính là một sự đánh đố nhằm trục lợi của chủ đầu tư.

“Tôi hiểu rằng, công ty này có ý định thu 15% là để dự phòng chuẩn bị chi trả cho việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất từ đất kinh doanh dịch vụ sang đất ở, mà phải trả 100% tiền sử dụng đất. Như vậy, là người mua bất động sản phải bỏ tiền ra để mua bất động sản của mình”, luật sư Thảo nhấn mạnh.

“Hiện tượng condotel phát triển rầm rộ những năm qua, các cơ quan chức năng đều biết. Tuy nhiên, một số cơ quan khá thờ ơ với hiện tượng này. Ví như Bộ Tài nguyên và Môi trường, hay Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch là trực tiếp quản lý ngành.

Bộ Xây dựng vốn có rất ít chức năng liên quan đến quản lý Nhà nước trong lĩnh vực này, thì lại tỏ ra nhiệt tình thái quá. Việc xây dựng hoặc bán condotel là không phù hợp với các quy định của pháp luật hiện hành. Nhưng không có cơ quan nào lên tiếng cảnh báo hay ngăn chặn. Hậu quả là nó đã, đang và sẽ còn xảy ra nhiều hệ lụy cho xã hội”, LS Thảo phân tích.

Cocobay Đà Nẵng “vỡ trận” là một cú sốc lớn cho thị trường condotel. Bởi đây là dự án rất lớn (51ha, 6.000 căn hộ khách sạn, 300 biệt thự, liền kề) và được quảng cáo rầm rộ trong suốt thời gian dài là “tổ hợp giải trí hàng đầu Đông Nam Á”. Ông Michael Piro, Giám đốc điều hành Indochina Capital Corporation cho rằng, cam kết lợi nhuận đầu tư condotel lên tới 8 - 12% là không tưởng. Trên thế giới không đâu dám đưa ra cam kết như vậy. Bởi vì, để đạt được mức lợi nhuận như vậy là vô cùng khó. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Lửa cháy đổ dầu thêm

GD&TĐ - Tổng giá trị gói viện trợ mới nhất Mỹ dành cho Ukraine được Hạ viện nước này phê chuẩn hôm 20/4 vừa qua là 60,84 tỷ USD.