“Thời gian vàng” để dập dịch Covid-19

GD&TĐ - Mặc dù số ca mắc Covid-19 mới được dự báo có thể tiếp tục xuất hiện, nhưng tình hình dịch bệnh được cho là đang trong tầm kiểm soát. Việc đỉnh dịch xuất hiện hay không sẽ phụ thuộc vào công tác phòng, chống Covid-19.

Đà Nẵng xét nghiệm diện rộng đối với tiểu thương và người mua hàng tại chợ. Ảnh: Bộ Y tế cung cấp
Đà Nẵng xét nghiệm diện rộng đối với tiểu thương và người mua hàng tại chợ. Ảnh: Bộ Y tế cung cấp

“Trong tầm kiểm soát”

Nhận định về công tác chống Covid-19 trong vòng một tháng qua, quyền Bộ trưởng Bộ Y tế - GS.TS Nguyễn Thanh Long cho hay, tình hình dịch bệnh tại Đà Nẵng, Quảng Nam đang trong tầm kiểm soát. Số trường hợp mắc bệnh được ghi nhận giảm trong tuần gần đây.

Quyền Bộ trưởng cho hay, trong vài ngày tới, Đà Nẵng, Quảng Nam có thể vẫn sẽ ghi nhận những trường hợp mắc bệnh rải rác do nguồn lây đã có tại cộng đồng trước khi được khoanh vùng, khống chế.

Tại Hải Dương, dịch bệnh cũng cơ bản được kiểm soát. Công tác truy vết, khoanh vùng, cách ly, xét nghiệm vẫn đang được khẩn trương thực hiện để nhanh chóng dập dịch dứt điểm. Các ổ dịch khác tại một số địa phương đều nhanh chóng được khoanh vùng, cách ly và thực hiện những biện pháp cần thiết.

“Trong thời gian tới, có thể sẽ tiếp tục xuất hiện các trường hợp mắc bệnh rải rác từ những ca mắc Covid-19 chưa được phát hiện. Những ca này có khả năng lây lan trong cộng đồng nếu không thực hiện biện pháp phòng chống dịch kịp thời”, GS.TS Nguyễn Thanh Long cảnh báo.

Số ca mắc giảm không do quy luật tự nhiên

Theo Cục Y tế Dự phòng, từ khi dịch Covid-19 bùng phát đến 15 giờ ngày 24/8, Việt Nam đã thực hiện được 1.009.145 xét nghiệm bằng phương pháp RealTime RT-PCR. Riêng trong ngày 24/8, có 11.698 mẫu được thực hiện. Trong 1 tháng qua, công suất xét nghiệm đã tăng gấp 5 - 6 lần so với giai đoạn cao điểm tháng 3 - 4/2020. Số lượng xét nghiệm trong gần 1 tháng qua bằng tổng số xét nghiệm trong 6 tháng của giai đoạn đầu. Hiện, toàn quốc có 71 đơn vị thực hiện xét nghiệm khẳng định Covid-19 (công suất khoảng 34.000 mẫu/ngày).

Bác sĩ Trương Hữu Khanh - Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 và là cố vấn chuyên môn phòng, chống dịch Covid-19 tại TPHCM, cho biết, mỗi loại bệnh truyền nhiễm có “thời gian vàng” để dập dịch khác nhau. Với Covid-19, thời gian này có thể dao động trong khoảng một tháng kể từ khi phát hiện ca nhiễm đầu tiên.

Theo chuyên gia này, đỉnh dịch xuất hiện khi không có biện pháp ngăn ngừa. Tuy nhiên, nếu can thiệp tốt, đỉnh dịch sẽ không đi lên mà đi ngang. Trong khi đó, nếu can thiệp tích cực, dịch sẽ dần đi xuống. Do đó, đỉnh dịch xuất hiện hay không phụ thuộc vào công tác phòng, chống Covid-19.

Với số lượng ca nhiễm đang có dấu hiệu giảm xuống, chuyên gia này cho rằng, thời điểm dịch cao nhất ở Đà Nẵng đã qua. Nếu chúng ta tiếp tục thực hiện tốt, số ca mắc mới có thể tăng nhưng tốc độ sẽ giảm dần. Vì vậy, tất cả mọi người đều phải phòng ngừa, từng địa phương cần kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh, nhằm ngăn chặn nguồn lây từ bên ngoài.

Bác sĩ Khanh nhấn mạnh, số ca mắc Covid-19 tại nước ta giảm không phải do quy luật tự nhiên, mà là nhờ công sức của rất nhiều người. Ông chia sẻ, hai nhóm đang làm việc quá tải và xuyên suốt từ đầu dịch đến nay là điều tra và xét nghiệm. Do đó, bác sĩ Khanh bày tỏ hy vọng người dân tích cực hợp tác, chủ động phối hợp để phòng, chống dịch.

Tuyệt đối không lơ là

Sau khi ghi nhận trường hợp mắc Covid-19 tại một số chợ trên địa bàn thành phố Đà Nẵng, công tác lấy mẫu xét nghiệm tiếp tục được thực hiện nhanh chóng. Việc sử dụng phương pháp xét nghiệm gộp mẫu giúp cho kết quả nhanh, đẩy nhanh quá trình sàng lọc. Ngày 24 - 25/8, Trung tâm Y tế Hải Châu phối hợp với UBND phường Hòa Cường Nam lấy mẫu xét nghiệm diện rộng cho 200 tiểu thương chợ đầu mối Hòa Cường và 2.201 người đi chợ có khai báo y tế. Việc xét nghiệm hoàn toàn miễn phí. 

Bác sĩ Khanh nhận định, sau 99 ngày không ghi nhận ca mắc Covid-19 mới trong cộng đồng, hầu hết người dân đều lo lắng khi dịch bùng phát trở lại.

“Việc mọi người lo lắng là hết sức bình thường, đặc biệt là khi dịch bệnh bùng phát trong bệnh viện. Về nguyên tắc, khi xuất hiện trong bệnh viện, dịch đã khởi phát khá lâu ở cộng đồng”.

Chuyên gia này lý giải nguồn bệnh ngoại lai xâm nhập thường đến các khu vực công cộng, tập trung đông đúc như khách sạn, chợ, siêu thị... Do đó, trước khi lây nhiễm trong cơ sở y tế, nguồn bệnh có thời gian di chuyển nhiều nơi trong cộng đồng.

Theo bác sĩ Khanh, hiện tại, người dân tuyệt đối không thể lơ là: “Nếu trong cộng đồng có người bệnh nhẹ hoặc không triệu chứng, nhưng họ mang khẩu trang, bệnh sẽ tự hết. Những người này hiếm khi thải virus quá 9 ngày. Tuy nhiên, người bệnh nặng có thể kéo dài tới hơn 30 ngày. Nếu tất cả cùng mang khẩu trang đúng cách, dù có người nhiễm Covid-19, bệnh cũng sẽ tự hết. Khẩu trang quyết định tất cả”.

Tuy nhiên, bác sĩ này khuyến cáo, người lớn tuổi và mắc bệnh nền cần cẩn trọng vì đây là nhóm có nguy cơ hơn. Hiện tại, khu vực an toàn là nơi không có ai trong phạm vi 2m. Trong khi đó, nếu ở những nơi quá đông người, mọi cá nhân cần tự bảo vệ bản thân bằng cách đeo khẩu trang và rửa tay.

“Đa số người dân đeo khẩu trang sai cách. Thậm chí, rất nhiều người kéo khẩu trang xuống cằm. Chỉ khi ăn, uống, chúng ta mới cần kéo khẩu trang xuống. Nếu phòng ngừa tốt, chắc chắn dịch sẽ đi xuống”, bác sĩ Khanh nhấn mạnh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Thực phẩm đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển não bộ ở trẻ. Ảnh minh họa: INT

Thực phẩm ảnh hưởng tới trí nhớ

GD&TĐ - Chế độ ăn thực phẩm nhiều dầu mỡ và chiên rán, nhiều đường làm giảm khả năng học tập và trí nhớ, cũng như tăng nguy cơ viêm nhiễm.