(GD&TĐ) - Trong 30 năm qua, PC dưới nhiều dạng khác nhau là công cụ điện toán chủ yếu của con người. Chúng là những cỗ máy đầu tiên giúp “dân chủ hoá quyền lực số (digital power)” và “tạo ra sự riêng tư” cho người dùng. PC cho phép mỗi cá nhân làm việc và truy cập internet một cách độc lập, tại nơi làm việc hay ở nhà. Nay với sự lấn lướt của smartphone và máy tính bảng, sự thống trị của PC đang bị đe dọa nghiêm trọng. Tình hình nguy cấp đến nỗi người ta bắt đầu nói về “kỷ nguyên hậu PC” (post-PC era).
Công cụ cơ động lên ngôi
Sự nổi lên của máy tính bảng và smartphone phản ánh sự chuyển dịch lớn trong tự thân thế giới công nghệ. Trong những năm trước đây, nhiều tiến bộ đáng chú ý nhất về điện toán cá nhân được phát triển để đáp ứng nhu cầu của các lực lượng vũ trang, các trung tâm nghiên cứu lớn hay các doanh nghiệp lớn (thỉnh thoảng mới có một sản phẩm cải tiến đến được với đại chúng).
Nếu bạn muốn tìm một điển hình tốt về qui mô thay đổi đang diễn ra trong thế giới điện tử tiêu dùng thì xin mời đến phức hợp nhà máy khổng lồ của công ty Đài Loan Foxconn tại Thâm Quyến, nam Trung Quốc (TQ). Được biết như Foxconn City, khu vực này bao phủ một dặm vuông với nhiều nhà xưởng và văn phòng, các cơ sở y tế và trung tâm đào tạo, giáo dục. Khoảng 400.000 người sống ở đây (tương đương với dân số thành phố Oakland, California, Mỹ). Giống như nhiều công ty Đài Loan khác điều hành cả các nhà máy tại quê nhà và tại TQ, Foxconn sản xuất các công cụ điện tử theo đơn đặt hàng của nhiều công ty phương Tây.
Bằng việc lợi dụng lao động châu Á giá rẻ, Apple, Samsung và những người khổng lồ điện tử tiêu dùng khác đã giảm được giá bán lẻ điện thoại di động và các công cụ cơ động khác do họ sản xuất, giúp tăng lượng hàng bán ra. Một nhóm công ty châu Á đang vươn lên như Huawei của TQ và HTC của Đài Loan (chuyên sản xuất các smartphone dựa vào hệ điều hành “hot” Android của Google) đã tận dụng tốt sự thuận lợi về giá cả để xây dựng thương hiệu toàn cầu.
Các công ty này biết cách làm ăn tại các nền kinh tế tăng trưởng nhanh như TQ, Ấn Độ, Brazil, nơi số người có thu nhập cao đủ để mua các công cụ cơ động ngày càng nhiều. HTC là một ví dụ, công ty đã giao được 22 triệu điện thoại di động trong nửa đầu năm nay, tức gấp 2 lần so với nửa đầu năm 2010. Có những sản phẩm mà công đoạn nghiên cứu phát triển và công đoạn sản xuất diễn ra song song. Matthew Costello, tổng giám đốc HTC cho biết, chỉ mất từ 6-12 tháng để công ty đưa một sản phẩm từ giai đoạn “khái niệm” đến tay người tiêu dùng, nhanh hơn nhiều so với từ 12-18 tháng cách nay 2 năm.
Công ty nghiên cứu Gartner ước tính 1 tỉ smartphone sẽ được bán ra trên thế giới trong năm 2015, tức tăng mạnh so với 468 triệu chiếc của năm nay.
Thời trang hoá công cụ cơ động
Apple đã có công tạo ra “kỷ nguyên mới công cụ cơ động cá nhân”. Các công cụ này có thể làm giầu cho nhà sản xuất chúng nhanh không thua gì những chiếc máy bay Boeing khổng lồ. Apple có công lớn nhất trong việc cho ra những công cụ hậu PC như iPod, iPhone. Bên trong iPhone cũng có nhiều thứ của PC như bảng mạch (motherboard) và microchip nhưng nhẹ hơn nhiều.
Điều mới mẻ nữa là công nghệ mới đã biết cách thích nghi với người mua chứ không bắt người mua thích nghi với nó. Màn hình cảm ứng và hệ điều hành của nhiều loại máy tính bảng và smartphone thân thiện với người dùng đến nỗi ngay cả đứa trẻ chập chững cũng có thể sử dụng được! Smartphone cũng phục vụ kịp thời “thế hệ mạng xã hội Twitter và Facebook” bằng cách tạo điều kiện tối đa cho người sử dụng kết nối bạn bè mọi lúc mọi nơi.
“Mức độ thân thiện với người dùng của smartphone và máy tính bảng cao hơn PC nhiều” - Tim Bajarin thuộc công ty tư vấn Creative Strategies nhận xét. Sức thu hút của các công cụ cơ động còn được tăng cường bởi phong cách và thẩm mỹ của sản phẩm. Một lần nữa, Apple lại dẫn đầu trong cuộc đua này. Apple đã đưa các thành phần điện tử thô ráp của iPhone và iPad vào trong lớp vỏ thanh lịch với nhiều màu sắc khác nhau.
“Công nghệ phục vụ tiêu dùng bây giờ đã bám sát thời trang - Paul Saffo, một người theo dõi công nghệ kỳ cựu tại Silicon Valley hiện làm việc cho công ty Discern Analytics nói - và Apple nhờ đi đầu trong việc “thời trang hoá công cụ cơ động” nên đã trở thành công ty công nghệ lớn nhất thế giới”. Nói đến thời trang công nghệ là phải nói đến cố tổng giám đốc Apple Steve Jobs, người được xem là “tiên phong và bậc thầy về làm đẹp cho công cụ cơ động”.
Nhưng nói gì thì nói, số tiện ích có trong các công cụ và tính tiện dụng của nó luôn là yếu tố thu hút mạnh nhất các tín đồ công nghệ. Smartphone đáp ứng cực tốt yêu cầu này. Nhiều model có chứa các bộ cảm biến (sensor) như gia tốc kế (accelerometer), con quay hồi chuyển (gyroscope) và la bàn, hệ thống định vị toàn cầu (GPS). Công nghệ cảm biến được sử dụng ngày càng nhiều. ABI Research tiên đoán vào năm 2013, 85% smartphone sẽ có hệ thống GPS và khoảng 50% có các accelerometer và gyroscope.
Con chủ bài điện toán đám mây
Một động lực khác đang góp phần làm tăng sức mua công cụ cơ động là sự ra đời của điện toán đám mây (cloud computing). Trong gần hết kỷ nguyên PC, những nội dung mà con người cần để làm việc và giải trí luôn được lưu giữ trong ổ cứng (hard disk) của PC hay trong các ổ cứng gắn ngoài và USB. Nhưng nay, dữ liệu và các nội dung khác (ảnh, nhạc…) được chứa trong đám mây (cloud). Đó là các “trang trại server” (server farm) lớn do Amazon, Google và các công ty khác quản lý, nơi một lượng dữ liệu cực lớn được tồn trữ để người dùng có thể lấy về tại bất cứ nơi nào trên thế giới.
Các công ty tiên phong như Amazon đã xây dựng “hệ sinh thái dựa vào đám mây” (cloud-based ecosystem) để làm cho các nội dung như sách điện tử có sẵn với mọi người. Các công ty khác cũng phát triển “hệ sinh thái” riêng của mình. Mới đây Google đã mua Motorola Mobility (công ty chuyên sản xuất máy tính bảng, smartphone và các công cụ khác) với giá 12,5 tỉ USD mà mục tiêu là cho ra một loạt các công cụ cơ động mới tốt nhất sử dụng các dịch vụ đám mây. Apple cũng có dịch vụ “iCloud”, trong đó cho phép người dùng tồn trữ dến 5GB nội dung không tính phí và nhiều hơn nếu đồng ý trả phí. iPhone 4S vừa trình làng có một số cải tiến trên dịch vụ tồn trữ và đồng bộ (storage-and-sync) iCloud của Apple. iCloud cải tiến (sẽ được đưa vào các sản phẩm Apple mới chạy trên hệ điều hành iOS 5) được xem là đối thủ của Amazon. iCloud cho phép lưu (save) và trao đổi file giữa các công cụ tương thích,
Ví dụ khi bạn chụp một bức ảnh trên iPhone 4S, thông qua iCloud, Apple sẽ gửi không dây bức ảnh cho máy tính Mac để ở nhà. Điện toán đám mây cũng tạo ra sự bùng nổ các dịch vụ web phục vụ đại chúng, kể cả mạng xã hội Facebook hiện có hơn 800 triệu người dùng và một loạt các công ty nhỏ như Foursquare (với dịch vụ cho phép bạn bè báo với nhau là mình đang ở đâu thông qua tín hiệu phát ra trên trang web Foursquare). Việc kết hợp mạng xã hội, phát tín hiệu vị trí và điện toán di động có hẳn tên gọi riêng “SoLoMo” do doanh nhân John Doerr đặt.
Điện toán cơ động cũng khuyến khích con người dùng các dịch vụ web nhiều hơn là ngồi trước PC. Facebook cho biết số người vào mạng của nó thông qua công cụ cơ động nhiều gấp 2 lần thông qua các phương tiện khác. Các công ty phần mềm nhỏ cũng tận dụng lợi ích của điện toán đám mây. Dropbox cho phép người dùng upload hình ảnh, văn kiện và các nội dung khác lên trang web có giao diện đơn giản của nó rồi load lại chúng từ các công cụ khác thông qua tài khoản đăng ký.
Đa số công ty đều cung cấp miễn phí phần cơ bản của dịch vụ và chỉ tính phí ở phần nâng cao. Dropbox miễn phí 2GB nội dung upload. Các công cụ di động có khả năng đặc biệt và điện toán đám mây là hai trong ba cột trụ cơ bản tạo ra cuộc cách mạng điện toán cá nhân. Nhưng cột trụ thứ ba – sự phổ biến của internet dải rộng - đã tăng tốc độ cho nó. Tại nhiều nước, kết nối dải rộng đường dây cố định đã trở thành chuyện bình thường. Kết nối mọi lúc mọi nơi tức là giúp tiền chảy nhanh hơn vào túi các công ty điện tử tiêu dùng.
Hồng Hải
(Theo Business Week,
CS Monitor, The Economist)