Thoái hóa thần kinh: Ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe

GD&TĐ - Những cuộc tấn công liên tục của gốc tự do làm tế bào thần kinh phải chịu nhiều tổn thương, lâu dần sẽ thoái hóa và dẫn đến nhiều bệnh lý nghiêm trọng.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Tác nhân gây bệnh 

Não được cấu thành từ hơn 100 tỷ tế bào thần kinh (neurone) và chúng giao tiếp với nhau bằng hàng nghìn tỷ kết nối (synape). Tế bào thần kinh có chức năng quan trọng là gửi và nhận các tín hiệu đến rồi đi khỏi não. Các tín hiệu di chuyển qua “rừng tế bào thần kinh” tạo nên cơ sở của trí nhớ, tư duy, cảm xúc…

Gốc tự do tiếp cận và cướp lấy điện tử từ các cấu trúc của tế bào thần kinh não. Chúng có thể gây tổn thương, làm rối loạn chức năng, thậm chí gây chết tế bào.

Tùy vùng não bị gốc tự do tấn công mà các triệu chứng và bệnh lý xuất hiện khác nhau. Những bệnh thoái hóa thần kinh thường gặp là suy giảm trí nhớ, sa sút trí tuệ, Alzheimer, Parkinson…

Suy giảm trí nhớ: Do sự tấn công của gốc tự do, trung bình mỗi người từ sau tuổi 25 sẽ bị mất khoảng 3.000 tế bào thần kinh mỗi ngày. Liên kết giữa các tế bào thần kinh cũng bị giảm về cả chất lượng lẫn số lượng làm ảnh hưởng đến chức năng của não, gây suy giảm trí nhớ.

Do những tế bào bị tổn thương đầu tiên thường nằm trong vùng não có liên quan đến việc hình thành ký ức mới, người bị suy giảm trí nhớ bắt đầu quên bất chợt các sự kiện gần trong khi vẫn nhớ chính xác những việc đã xảy ra từ lâu. 

Ở hình thức nhẹ, người bị suy giảm trí nhớ vẫn sinh hoạt và nhận thức bình thường nên hay chủ quan, không biết rằng đó có thể là những dấu hiệu ban đầu của sa sút trí tuệ, Alzheimer… Ước tính, có khoảng 50% số người suy giảm trí nhớ sẽ chuyển thành sa sút trí tuệ trong 3 năm sau đó. 

Cuộc sống hiện đại với môi trường ô nhiễm, stress, dinh dưỡng nhiễm độc… góp phần làm gốc tự do gia tăng. Đó là nguyên nhân khiến suy giảm trí nhớ đang mở rộng đến những đối tượng có độ tuổi ngày càng trẻ hơn. Thống kê gần đây cho thấy, có tới gần 1/3 giới văn phòng gặp các vấn đề về trí nhớ.

Sa sút trí tuệ: Những tác hại của gốc tự do lên tế bào thần kinh cũng chính là nguyên nhân dẫn đến sa sút trí tuệ - một hội chứng bao gồm nhiều bệnh và tình trạng xuất hiện khi tế bào thần kinh não bị chết hoặc không thực hiện được chức năng. 

Các tổn thương trên tế bào thần kinh làm thay đổi trí nhớ, hành vi và khả năng suy nghĩ của người bệnh. Biểu hiện thường gặp của sa sút trí tuệ bao gồm: Từ từ giảm khả năng nhớ các thông tin mới, giảm trí nhớ làm ảnh hưởng đến đời sống hằng ngày, khó lên kế hoạch hoặc xử lý công việc, gặp vấn đề với từ ngữ khi nói hoặc viết, thay đổi tính tình, tâm trạng…

Bệnh diễn tiến xấu dần, dẫn đến mất khả năng tư duy, mất khả năng tự chăm sóc bản thân và cuối cùng dẫn đến tử vong.

Bệnh Alzheimer: Alzheimer là bệnh tiêu biểu nhất của sa sút trí tuệ, chiếm đến 70 - 80% các trường hợp mắc bệnh. Gốc tự do là một trong những tác nhân quan trọng của quá trình sinh bệnh Alzheimer, chúng phá hủy tế bào thần kinh và làm tổn hại nhu mô trên toàn bộ não. 

Nghiên cứu cho thấy ở não của người bệnh Alzheimer có sự lắng đọng bất thường của các protein tạo thành đám xơ rối và các mảng lão hóa (amyloid). Bản chất của mảng amyloid là sự kết tập ngoài tế bào của protein Aβ. Sự kết tập của protein tau và của các tiểu sợi thần kinh
(neurofilament) trong thân tế bào thần kinh thì tạo ra các búi tơ thần kinh. 

Người mắc Alzheimer tử vong sau khoảng 8 - 10 năm. Cho đến nay, chưa tìm ra phương pháp chữa trị Alzheimer nhưng có thể làm chậm tiến trình bệnh.

Bệnh Parkinson: Gốc tự do góp phần vào quá trình thoái hóa tế bào thần kinh não ở vùng chất đen, làm giảm sản xuất các chất dẫn truyền, ảnh hưởng đến sự điều hòa vận động của cơ thể.

Bệnh có 4 triệu chứng kinh điển gồm: Run, cứng cơ, chậm chạp và rối loạn tư thế. Ở giai đoạn sớm, người bệnh có thể gặp tình trạng mệt mỏi, đau cơ, vụng về ngay cả với các thao tác đơn giản, rối loạn chữ viết, suy giảm nhận thức…

Ngày càng gia tăng

Thoái hóa thần kinh: Ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe ảnh 1

Các bệnh lý liên quan đến thoái hóa thần kinh không chỉ tác động xấu đến sức khỏe cộng đồng mà còn tiêu tốn kinh phí khổng lồ cho điều trị. Các chuyên gia y tế trong và ngoài nước đều nhận định các bệnh thoái hóa thần kinh như: Sa sút trí tuệ, Parkinson, Alzheimer đang trở thành cuộc khủng hoảng sức khỏe nghiêm trọng nhất của thế kỷ 21.

Tại Việt Nam, hiện vẫn chưa có các thống kê cụ thể, nhưng theo các BS chuyên khoa thần kinh, lão khoa… bệnh thoái hóa thần kinh ngày càng gia tăng. BS Lê Thị Phương Nga, khoa Lão Bệnh viện Nguyễn Trãi (TP Hồ Chí Minh) cho biết, khoa có trên 40 giường nhưng lúc nào cũng hoạt động hết công suất. Trung bình, mỗi tháng có khoảng 1.000 bệnh nhân khám và điều trị, trong đó, nhiều bệnh nhân bị sa sút trí tuệ, Alzheimer.

Tại Bệnh viện Thống Nhất, tuy chỉ khám 3 ngày/tuần nhưng đã khám khoảng trên dưới 120 bệnh nhân Parkinson, khoảng 10 - 20 bệnh nhân sa sút trí tuệ nội trú và hàng trăm bệnh nhân ngoại trú mỗi ngày.

Chặn đứng nguy cơ

Theo các chuyên gia y tế, hiện người Việt vẫn chưa quan tâm nhiều đến các bệnh lý thoái hóa thần kinh. Trong khi đó, lại đang diễn ra song song hai tiến trình đáng ngại: Dân số ngày càng già đi, độ tuổi mắc bệnh thì ngày càng trẻ hóa. Dự báo, trong những năm tới, các bệnh lý thoái hóa thần kinh sẽ sớm trở thành một trong những căn bệnh phổ biến và gây lo ngại bậc nhất. 

Các chuyên gia khuyến cáo, gốc tự do không chỉ sinh ra từ các quá trình chuyển hóa trong cơ thể mà còn hình thành dưới tác động của các yếu tố bên ngoài như: Môi trường ô nhiễm (khói bụi, ánh nắng, phóng xạ…), rượu bia, khói thuốc lá, hóa chất, chấn thương, nhiễm khuẩn, căng thẳng thần kinh…

Do đó, để bảo vệ sức khỏe, đặc biệt là bộ não, cần hạn chế các yếu tố tăng sinh gốc tự do và bổ sung các chất chống gốc tự do cho cơ thể. Bên cạnh đó, chế độ ăn cần tránh những thực phẩm có thể làm tăng sinh gốc tự do như mỡ động vật, thực phẩm đóng hộp; nên tăng cường các thảo dược, trái cây và rau củ quả trong khẩu phần ăn hằng ngày, vì đây là nguồn cung cấp dồi dào các chất chống gốc tự do… Thường xuyên tập thể dục và giữ tinh thần phấn chấn, thoải mái cũng giúp hạn chế gốc tự do.

Theo Tổ chức Y tế thế giới, hiện nay, toàn thế giới có 35,6 triệu người bị sa sút trí tuệ, con số này được dự báo sẽ tăng gấp đôi vào năm 2030 (65,7 triệu người) và tăng gấp 3 vào năm 2050 (114,4 triệu người). Chi phí điều trị và chăm sóc người bệnh sa sút trí tuệ lên đến 604 tỷ USD, chiếm 1% GDP toàn cầu. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ