(GD&TĐ) - Hạnh phúc lớn lao nhất của cuộc đời mỗi người đó là được có mẹ. Mẹ là đấng thiêng liêng đã ban cho chúng ta thể xác và tâm hồn. Chúng ta lớn lên từ dòng sữa ngọt lành, từ bàn tay hiền từ nhẹ nhàng đưa nôi, từ những câu hát ru hiền hòa bao dung như suối nguồn tình mẹ. Chúng ta bước đi trên đường đời đầy chông gai và thử thách, để rồi có những phút yếu lòng, ta quay về bên mẹ, trở về với cội nguồn của yêu thương.
(ảnh minh họa/ Internet) |
P.Yiddish đã nói: “Chúa không thể có mặt ở mọi nơi, nên Ngài đã sinh ra người mẹ”. Mẹ được ví như đức chúa trời ban phát tình yêu thương cho nhân loại, nhân loại đó hiện hữu trong sinh thể của những đứa con thơ. Mẹ là hiện thân cho nguồn sống, cho hạnh phúc, cho chân lí, cho bao dung, cho tất cả những gì tuyệt vời nhất trên đời.
Nhìn lại lịch sử loài người từ trước tới nay, người phụ nữ bao giờ cũng giữ trọn thiên chức cao quý, đó là thiên chức làm mẹ. Không phải ngẫu nhiên mà E.C.Stanton gọi thiên chức đó là “nghề”- “nghề làm mẹ”: “Nghề đẹp nhất, quan trọng nhất trong tất cả mọi nghề, đó là nghề làm mẹ. Đó là nghề đòi hỏi nhiều tri thức nhất trong lĩnh vực khoa học nhân bản”. Một đất nước, một xã hội phát triển phồn thịnh, xét đến cùng là vì đất nước đó, xã hội đó có những người được sinh ra từ những bà mẹ tuyệt vời.
Trong gia đình, mẹ là người có công chăm sóc và giáo dục con cái. Những bài học giản dị từ thuở ấu thơ sẽ theo đứa con suốt cả cuộc đời. Sau này, đứa con có trở thành một thiên tài, một anh hùng, một vĩ nhân hay chỉ là một người bình thường trong cuộc sống, thì người đầu tiên họ nghĩ về vẫn là mẹ - người đã dạy cho họ những bài học đầu tiên của cuộc đời – bài học về lòng bao dung, về nghị lực sống, về niềm tin ở con người…Mẹ là người tất bật chu toàn mọi việc trong gia đình, tất cả chỉ để vun vén cho mái ấm của mình. Nếu như người cha cứng cỏi, mạnh mẽ được xem là trụ cột của gia đình, thì mẹ chính là ngọn lửa để giữ ấm căn nhà trước những giông tố, mưa bão của cuộc đời. Người mẹ bao giờ cũng là hiện thân cho sự hiền hòa, bao dung – là bởi vì Thượng Đế đã miệt mài tạo nên “kiệt tác tuyệt vời nhất trần gian” đó là trái tim người mẹ, là bởi vì “lòng người mẹ là vực thẳm mà đáy được trải bằng lòng khoan dung hiền dịu” (Honore de Balzac).
Cuộc đời của một đứa con, nếu thiếu đi người mẹ thì sẽ quá đỗi thiệt thòi. Cuộc sống của một gia đình, nếu thiếu đi bàn tay của người phụ nữ thì sẽ lạnh lẽo biết bao nhiêu. Người phụ nữ, trong thiên chức người mẹ, đã gánh trọn trách nhiệm cao cả của một “nội tướng” trong gia đình. Không người đàn ông nào có thể thay thế vị trí ấy của người phụ nữ. Bởi vì, con người ai cũng cần bến đỗ bình yên cho tâm hồn sau những giây phút căng thẳng của một ngày bộn bề với cuộc sống, mà bến đỗ ấy, chỉ có thể là căn nhà với người vợ, người mẹ bao dung. Đàn ông vốn được xem là người của xã hội, còn phụ nữ là người của gia đình. Dưới bàn tay của người phụ nữ, mọi thứ được sắp đặt chu toàn. Phụ nữ là người lo toan mua sắm vật dụng gia đình, đảm nhiệm công việc bếp núc, giặt giũ, dọn dẹp nhà cửa, vườn tược…Cùng với việc chăm sóc con cái, người phụ nữ từ bao giờ “nghiễm nhiên” ôm vào mình gần như tất cả công việc của gia đình, nam giới đôi khi cũng có sự sẻ chia, tuy nhiên, có những tư tưởng “phân biệt giới” đã ăn sâu vào nhận thức chung của xã hội. Thế nên, đối với người Việt ta, sinh ra một đứa con gái thì dù muốn hay không phải dạy cho đứa con đó biết “nữ công gia chánh”. Ở phương Tây cũng đã từng có quan niệm: “Giáo dục một thanh nam là giáo dục một con người, nhưng giáo dục một thiếu nữ là giáo dục một gia đình” (Roosvelt) Quan niệm này là sự đề cao vai trò của người phụ nữ, đồng thời nó cũng cho thấy một thực tế về nhận thức giới tính.
(ảnh minh họa/ Internet) |
Nhận thức chung của xã hội lâu dần trở thành “dây xích” trói buộc quyền lợi của nữ giới, đôi khi người phụ nữ phải sống trong sự nhẫn nhịn và cam chịu. Sự bùng phát của “chủ nghĩa nữ quyền” từ cuối thế kỉ XVIII ở phương Tây như một sự khẳng định quyền lợi của nữ giới. Họ đấu tranh để giành quyền bình đẳng về chính trị, kinh tế, văn hóa,…với nam giới, họ đấu tranh để tự giải phóng mình ra khỏi phạm vi gia đình. Bởi vì với phụ nữ, họ không chỉ làm mẹ, làm vợ tốt, mà họ còn có thể làm rất nhiều việc có ích cho xã hội.
Thực tế lịch sử đã chứng minh người phụ nữ có đủ năng lực, đặc biệt, ở họ có sự khéo léo, nhiệt tình, tâm lí…nên có thể làm nhiều việc lớn lao như nam giới. Việt Nam ta có Bà Trưng, Bà Triệu xông pha đánh giặc, có Thái hậu Dương Vân Nga, đô đốc Bùi Thị Xuân, Huyền Trân công chúa đi vào lịch sử thành văn của dân tộc; và còn biết bao bà mẹ anh hùng đã lặng lẽ nén nỗi đau để chồng con ra trận, để đến hôm nay Tổ quốc trìu mến gọi Người là “Mẹ Việt Nam”.
Trong thời đại mới, phụ nữ đã trở thành nhân tố đảm đương nhiều trọng trách của xã hội: có những người tiên phong làm kinh tế, có những người tham gia vào chính trị, có những người làm công tác văn hóa…Trên thế giới, có những phụ nữ mà việc làm của họ đôi khi khiến nam giới không khỏi ngỡ ngàng: đó là nữ hoàng Cléopetre, nhà khoa học vĩ đại Marie Curie, Bộ trưởng Ngoại giao Hoa Kì Hillary Rodham Clinton .v.v.
Cùng với nỗ lực để thay đổi nhận thức cộng đồng về bình đẳng giới, người phụ nữ vẫn giữ được những tố chất quan trọng để làm vợ, làm mẹ, đồng thời khẳng định vị thế của mình trong xã hội. Phụ nữ vốn chịu nhiều thiệt thòi trong gia đình, họ thường là người lo trước nỗi lo của chồng con và vui sau niềm vui của chồng con, họ hi sinh tất cả hạnh phúc của bản thân mình để vun vén cho mái ấm gia đình, cho nên hơn ai hết, phụ nữ rất cần sự quan tâm của toàn xã hội, đặc biệt là nam giới. Một đứa trẻ lớn lên hẳn sẽ không muốn người mẹ mà chúng yêu thương không được sống cho hạnh phúc của riêng mình. Một người chồng tốt và có hiểu biết hẳn sẽ rất tự hào nếu người phụ nữ của mình vừa “giỏi việc nước”, vừa “đảm việc nhà”. Yêu thương người phụ nữ, hãy cho họ có cơ hội phát triển trí tuệ và tài năng của mình – đó là vấn đề mang đậm tính nhân văn. Bởi vì không ai khác, chính người phụ nữ, trong thiên chức người mẹ, người vợ, đã mặc khải cho những cuộc đời đi tới ánh sáng của tương lai.
Lê Thị Thúy Hằng