Mới đây, tại buổi tọa đàm với chủ đề ""Xâm hại tình dục trẻ em - im lặng hay lên tiếng"", Luật sư Nguyễn Thị Bích Điệp đã đề xuất áp dụng biện pháp ""thiến hóa học"" đối với tội phạm tình dục trẻ em nhằm ngăn chặn khả năng tái phạm.
Ông Đỗ Văn Đương khi còn là Đại biểu Tư pháp, Ủy viên Ủy ban Tư pháp của Quốc hội cũng cho rằng: ""Đây có lẽ là một hình phạt mới, cần được nghiên cứu, bổ sung trong hệ thống hình phạt để duy trì trật tự xã hội hiệu quả hơn, khiến cho người khác thấy nhục nhã, run sợ mà từ bỏ hành vi phạm tội"".
Quá nhiều vấn đề
Nêu quan điểm về vấn đề này, Luật sư Đặng Văn Cường (Đoàn Luật sư Hà Nội) - LS Hội Bảo vệ quyền trẻ em Hà Nội cho biết, ""Thiến hóa học"" là biện pháp sử dụng các loại thuốc dược phẩm thông qua tiêm hoặc uống trực tiếp làm giảm lượng hormone testosteron trong cơ thể nam giới, khiến ham muốn tình dục giảm đến mức thấp nhất.
Với đặc điểm như vậy thì biện pháp này là một biện pháp để giúp phòng ngừa tội phạm liên quan đến những hành vi lệch chuẩn trong hoạt động tình dục, giúp ngăn ngừa, hạn chế những bị án tiếp tục phạm về các tội xâm hại tình dục.
Tuy nhiên, theo LS. Cường biện pháp này nếu được áp dụng như một hình phạt "mới" trong luật hình sự thì cần cân nhắc tới các ảnh hưởng, hệ lụy, rắc rối khác phát sinh từ chế tài này liên quan tới quyền con người như sinh sản, duy trì hạnh phúc gia đình...
""Đa phần chúng ta khi nghĩ về tội phạm tình dục, đặc biệt tội phạm tình dục trẻ em, thường chỉ nghĩ đến người phạm tội là nam giới. Nhưng thực tế, người phạm tội vẫn có thể là nữ giới. Vậy với những người phạm tội là nữ giới thì ""thiến hóa học"" có hiệu quả không? Câu trả lời là không.
Bên cạnh đó, việc triển khai biện pháp ""thiến hóa học"" rất khó đạt được hiệu quả như mong muốn. Bởi lẽ, các loại dược phẩm sử dụng trong ""thiến hóa học"" chỉ có hiệu quả trong một khoảng thời gian nhất định, khoảng 3-4 tháng.
Trong khi đó, nếu áp dụng hình phạt tù, đã cách ly người phạm tội khỏi đời sống xã hội thì cần gì phải "thiến hóa học". Còn đối với những phạm nhân được áp dụng hình phạt khác như cải tạo không giam giữ, tù nhưng cho hưởng án treo thì việc triệu tập, tiêm thuốc là không dễ dàng.
Ngoài ra phải kể đến là chi phí cho biện pháp tiêm thuốc này cũng không hề rẻ, nhất là đối với một quốc gia chưa phát triển như Việt Nam. Nguyên lý của ""thiến hóa học"" là sử dụng thuốc làm ức chế sự sản sinh ra hormone testosteron, do đó, chỉ cần người bị tiêm thực hiện việc tiêm bổ sung hormone này vào cơ thể thì vẫn có ham muốn, khoái cảm như bình thường"", LS. Đặng Văn Cường phân tích.
Luật sư Đặng Văn Cường
Theo ông Cường, không nên nhầm lẫn hoạt động phòng ngừa với hoạt động chống tội phạm, cũng không nên lạm dụng hình phạt để chống, để phòng ngừa tội phạm. Cách phòng ngừa tội phạm tối ưu nhất, bền vững nhất là giáo dục, là nâng cao nhận thức, văn hóa, ý thức tôn trọng pháp luật, tôn trọng cộng đồng chứ không phải là hình phạt hoặc các biện pháp cưỡng bức.
Hệ thống hình phạt nước ta hiện nay là sự kế thừa và phát triển của khoa học luật hình sự, phù hợp với văn hóa, lịch sử và sự tiến bộ của xã hội. Vì vậy, khi chúng ta có ý định thêm một hình phạt nào đó bổ sung hoặc thay đổi hình phạt trong luật hình sự thì cần cân nhắc kỹ để đảm bảo tính khả thi của nó, hiệu quả của nó và sự tiến bộ, văn minh của nó đối với ngành tư pháp hình sự.
""Ý kiến của cá nhân tôi là nên tăng cường các biện pháp giáo dục, phòng ngừa và vận dụng các hình phạt trong hệ thống hình phạt quy định tại Điều 28 BLHS, kết hợp với các chế tài hành chính để khống chế, đấu tranh với loại tội phạm này.
Trong đó, việc nâng cao nhận thức pháp luật, ý thức tôn trọng người khác, tôn trọng quy tắc sinh hoạt cộng đồng, nâng cao văn hóa, kịp thời phát hiện, loại bỏ các nguyên nhân, điều kiện phạm tội... là những việc làm quan trọng để phòng ngừa tội phạm nói chung và đối với loại tội phạm xâm phạm tình dục nói riêng.
Nếu chúng ta áp dụng biện pháp "thiến hóa học" thì áp dụng là "hình phạt" hay áp dụng là "vacxin" phòng bệnh ? Nếu "thiến" trở thành một hình phạt thì cũng còn nhiều vấn đề bất cập và không hiệu quả với những kẻ "chưa bị phát hiện", có nguy cơ xâm hại tình dục (đây mới là nhóm người có nguy cơ trở thành tội phạm nếu có thời cơ, điều kiện phạm tội xuất hiện).
Còn nếu áp dụng biện pháp "thiến hóa học" trở thành hình thức "tiêm chủng" như tiêm vacxin phòng bệnh cho nam giới thì việc này lại càng không ổn chút nào. Vì vậy, tính khả thi của biện pháp này sẽ không cao và kéo theo nhiều vấn đề xã hội nảy sinh cần phải giải quyết"", LS. Đặng Văn Cường đặt vấn đề.
Nhìn nhận vấn đề một cách sâu sắc hơn, LS. Cường cho rằng, đây là vấn đề thuộc hoạt động lập pháp, là sự thay đổi trong chính sách hình sự. Vì vậy, cần phải có những công trình khoa học để nghiên cứu một cách nghiêm túc, cần phải học tập, tham khảo các nước tiên tiến và tham khảo ý kiến của các chuyên gia về tội phạm học, về tư pháp hình sự... chứ không nên đề xuất, kêu gọi theo phong trào, trào lưu một cách cảm tính.
""Nếu vội vàng thay đổi chính sách hình sự, thực hiện hình sự hóa, phi hình sự hóa thiếu căn cứ, không phù hợp với sự phát triển của văn hóa, kinh tế, chính trị, xã hội thì pháp luật sẽ chỉ làm kìm hãm sự phát triển của kinh tế, văn hóa, xã hội chứ không phải là quy tắc, định hướng ứng xử tiến bộ, văn minh như thuộc tính vốn có của nó"", ông Cường nhấn mạnh.
Điều quan trọng hơn
Trước tình trạng xâm hại tình dục trẻ em ở Việt Nam đang ngày càng gia tăng, nhiều ý kiến cho rằng nguyên nhân là do khung hình phạt cho loại hình này chưa đủ răn đe.
Về vấn đề này, LS. Cường cho rằng, "Hình phạt chưa đủ răn đe" là câu nói cửa miệng của nhiều người ít tìm hiểu pháp luật, đặc biệt là luật hình sự. Theo quy định của Bộ luật hình sự các thời kỳ năm 1985, 1999, 2009, 2015 thì tội phạm xâm hại tình dục, đặc biệt là tình dục trẻ em có mức hình phạt cao nhất là "tử hình".
Đây là hình phạt tàn khốc nhất mà hầu hết các quốc gia đã không áp dụng. Hiện nay có hơn 2/3 các quốc gia trên thế giới đã không còn hình phạt tử hình trong hệ thống các hình phạt trong luật hình sự (tính đến năm 2013 thì có tới 109 nước bãi bỏ hình phạt tử hình).
Nếu tham khảo các công trình khoa học nghiên cứu về thực tiễn áp dụng hình phạt nói chung, hình phạt đối với tội phạm xâm hại tình dục nói riêng ở Việt Nam thì mới thấy mức độ nghiêm khắc của hình phạt theo quy định của pháp luật và thực tiễn áp dụng đến đâu, thậm chí nhiều chuyên gia còn đánh giá là nghiêm khắc hơn thực tiễn áp dụng pháp luật của Trung Quốc (tỉ lệ án tử hình so với tỉ lệ dân số).
""Vì vậy, nếu khẳng định rằng hình phạt về các tội xâm phạm tình dục theo pháp luật Việt Nam "chưa đủ răn đe" là không có cơ sở.
Cụ thể, Bộ luật hình sự hiện hành (ban hành năm 1999, sửa đổi năm 2009) quy định mức hình phạt cao nhất của các tội xâm phạm tình dục như sau: Tội hiếp dâm, hiếp dâm trẻ em là tử hình; cưỡng dâm là 18 năm; cưỡng dâm trẻ em là tù chung thân; giao cấu với trẻ em là 15 năm tù; dâm ô với trẻ em là 12 năm tù.
Với mức hình phạt được quy định như vậy thì không thể nói là "chưa đủ răn đe" được. Thực tế áp dụng hình phạt về các tội danh này cũng rất nghiêm khắc, trong thời gian thi hành án cũng bị "kiểm tra, giám sát" kĩ lưỡng.
Do đó, lượng tội phạm trong lĩnh vực này tái phạm, tái phạm nguy hiểm không nhiều, mà chủ yếu là những người phạm tội lần đầu. Còn đối với những đối tượng "bệnh hoạn", có bệnh lý dối loạn tình dục thì đó là các trường hợp cá biệt, cần phải điều trị.
Chính vì vậy, nếu tình hình tội phạm về xâm hại tình dục gia tăng ở Việt Nam thì chắc chắn không phải nguyên nhân vì "chế tài không đủ răn đe", không thể tăng mức nghiêm khắc của chế tài mà nguyên nhân chính là sự xuống cấp của văn hóa, đạo đức xã hội"", LS. Đặng Văn Cường phân tích.
Ông Cường cho rằng, chỉ khi nào người ta biết tôn trọng bản thân mình, tôn trọng người khác, tôn trọng quy tắc sinh hoạt cộng đồng... thì người ta mới ít thực hiện các hành vi lệch chuẩn, ít thực hiện hành vi phạm tội.
Để tôn trọng người khác, tôn trọng cộng đồng, chấp hành pháp luật thì người ta phải được giáo dục, phải có văn hóa, phải nâng cao nhận thức, ý thức... Để phòng ngừa tội phạm thì giáo dục, loại bỏ nguyên nhân, điều kiện phạm tội mới là biện pháp hữu hiệu.
""Không nên lạm dụng hình phạt để "phòng ngừa" bởi chức năng của hình phạt trước tiên là để cải tạo, giáo dục, sau đó mới là để răn đe, phòng ngừa chung. Hình phạt chỉ là một trong các biện pháp giáo dục, phòng ngừa chứ không phải là những biện pháp duy nhất để phòng ngừa tội phạm. Vì vậy, chúng ta cũng cần có những đánh giá nhìn nhận đúng bản chất của vấn đề thì mới có thể đề ra những phương pháp giải quyết hiệu quả"", LS. Đặng Văn Cường khẳng định.